Thư viện với học sinh, sinh viên trong thời đại công nghệ

08:11, 11/11/2019

Thư viện trường học từ lâu đã trở thành một biểu tượng đẹp của văn hóa đọc và giữ vai trò quan trọng trong nhà trường. Bên cạnh những giờ học trên lớp thì học sinh, sinh viên còn dành khá nhiều thời gian để tự học, vì vậy nhu cầu tìm kiếm thông tin là rất lớn. Tại thư viện trường học có những cuốn sách phù hợp với sở thích, năng khiếu của học sinh, sinh viên ở các lứa tuổi khác nhau. Các loại sách, tài liệu được in ra một cách bài bản, công phu với nhiều đầu sách được sắp xếp khoa học để học sinh, sinh viên dễ dàng tìm kiếm. Đặc biệt, trong thư viện các trường đại học còn có các nguồn tài liệu nội sinh như luận án, luận văn, khóa luận chủ yếu chỉ lưu hành nội bộ để sinh viên tiện tham khảo. Bên cạnh đó, thư viện còn là nơi giao lưu, trao đổi, chia sẻ, thảo luận nhóm và thực hành trực tiếp với những tài liệu có sẵn. Học sinh, sinh viên có thể tìm thấy một môi trường tốt để hình thành thói quen tự học.

Tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, thư viện nhà trường được đầu tư xây dựng để tạo hứng thú và hiệu quả đối với việc đọc sách của học sinh, sinh viên. Thư viện ngoài chức năng phục vụ đọc sách còn tạo cho học sinh phát triển tiềm năng của mình, đó là không gian học tập đa chức năng với các góc học tập khác nhau như xây dựng các góc học tập gồm cả sách khoa học, các vật dụng thí nghiệm, các dụng cụ và vật liệu sáng tạo mô hình, tranh vẽ… Thư viện của Trường Tiểu học Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) có không gian thân thiện. Trên tường là những bức tranh, dòng chữ sinh động thể hiện nội dung theo từng chủ đề của góc đọc thư viện; xung quanh phòng là những giá sách nhỏ xinh xắn được các thầy cô giáo sơn theo màu của những quyển sách, phân biệt các lớp khác nhau; có bảng nội quy, lịch hoạt động, thời gian mượn và trả sách được treo trước thư viện. Cô giáo Bùi Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thư viện trường có nhiều đầu sách tham khảo, truyện tranh, sách khoa học, tạp chí Toán tuổi thơ… được sắp xếp khoa học để học sinh dễ dàng lựa chọn. Việc đọc sách thường xuyên không chỉ giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng đọc mà còn bổ sung thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống; giúp các em ham đọc sách và học tập hơn”. Hiện nay, thời đại công nghệ phát triển, việc tìm kiếm thông tin qua internet được nhiều người lựa chọn vì tính năng nhanh nhạy. Tuy nhiên, so với thư viện truyền thống thì các thông tin tìm kiếm được trên internet cũng còn nhiều hạn chế. Những thông tin, tài liệu có giá trị, quý hiếm không phải lúc nào cũng được hiện hữu và cung cấp miễn phí trên internet. Hơn nữa, những thông tin trên internet thường không được chọn lọc, thiếu độ tin cậy và chính xác. Thậm chí có những thông tin trên internet đã lỗi thời, không được cập nhật; thông tin phần lớn chỉ được lưu trữ dưới 15 năm. Các nhà cung cấp thường xuyên thay thế những tư liệu mới đồng thời xóa bỏ những tư liệu cũ. Để truy cập những tư liệu cũ ấy, người đọc lại phải trả thêm những khoản tiền khác. Dù công nghệ thông tin ngày càng phát triển nhưng thư viện vẫn là nguồn cung cấp thông tin có giá trị và đáng tin cậy nhất đối với tất cả mọi người nói chung và với học sinh, sinh viên nói riêng. Học sinh, sinh viên có thể kết hợp giữa thư viện truyền thống và internet để việc tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học đạt hiệu quả tốt nhất. Anh Phạm Thế Tài, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định cho biết: “Ngoài việc lên thư viện của trường, tôi còn sử dụng internet để tìm kiếm thông tin. Cả thư viện và internet đều có những ưu điểm, hạn chế riêng nên tôi thường kết hợp cả 2 phương pháp. Nhưng tôi nhận thấy, dù internet phát triển nhưng thư viện truyền thống vẫn có một nền tảng vững chắc, thực sự cần thiết. Thư viện sẽ có không gian học yên tĩnh, tốt hơn. Internet dù có nhiều thông tin nhưng lại không có những cuốn sách chuyên ngành cần tìm nên thư viện đáp ứng được điều đó”.

Để nâng cao hiệu quả của các thư viện cũng như hiệu quả cho việc tìm kiếm thông tin của học sinh, sinh viên hiện nay, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên về vai trò của thư viện trong trường học và văn hóa đọc. Trên cơ sở đó, quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho thư viện trường học để duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục. Cán bộ thư viện trường học cần được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các thư viện trường học tiên tiến trong tỉnh cũng như trên cả nước./.

Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com