Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phát thanh, truyền thanh cơ sở

08:11, 13/11/2019

Thời gian qua, hệ thống đài phát thanh, truyền thanh cơ sở  trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Đài phát thanh các địa phương đã bám sát định hướng chỉ đạo của các huyện, thành phố về lĩnh vực thông tin, tuyên truyền; thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phát thanh, truyền thanh cơ sở, kịp thời tuyên truyền các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phổ biến các kiến thức khoa học - kỹ thuật, các hoạt động quốc phòng - an ninh, biểu dương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, góp phần động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Một buổi phát sóng của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Xuân Trường.
Một buổi phát sóng của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Xuân Trường.

Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về tăng cường, củng cố và phát triển đồng bộ hệ thống phát thanh, truyền thanh các cấp, đài phát thanh các huyện, thành phố đã ban hành đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phát thanh, truyền thanh cơ sở, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Các đài phát thanh cấp huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng, hàng quý, tập trung vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước như: Mừng Đảng - Mừng Xuân, Ngày thành lập Đảng (3-2), Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9)… Ngoài ra, đài phát thanh các huyện, thành phố còn chỉ đạo, hướng dẫn đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tiếp âm theo quy định; làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho sản xuất tiếp sóng; tổ chức, kiểm tra, khắc phục sửa chữa kịp thời hệ thống phát thanh lỗi nhằm bảo đảm tín hiệu đường truyền liên tục. Ở Trực Ninh, từ đầu năm 2019 đến nay, Đài Phát thanh huyện đã sản xuất được hơn 350 chương trình thời sự với gần 2.800 tin, bài; trong đó, thực hiện 6 chương trình thời sự/tuần, mỗi chương trình có thời lượng từ 15-20 phút, phát sóng 2 buổi/ngày, phản ánh các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, Đài Phát thanh huyện còn sản xuất hơn 100 tin và phóng sự truyền hình phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, bao gồm các thể loại: Tin nhanh, tin sâu, phóng sự, bài phản ánh, phỏng vấn, lược thuật, thu thanh biểu dương gương người tốt, việc tốt và nhiều vấn đề, sự kiện được dư luận xã hội quan tâm. Ngoài việc nâng cao chất lượng các bản tin thời sự, Đài Phát thanh huyện còn duy trì các chuyên mục hàng tháng tuyên truyền về các vấn đề kinh tế - xã hội, dân số - kế hoạch hóa gia đình, y tế, giáo dục, văn hóa, văn nghệ... Công tác phát thanh, truyền thanh đã giúp các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương; giúp người dân nắm bắt tiếp nhận các kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống.

Toàn tỉnh hiện có 229 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn với 3.773 cụm loa truyền thanh ở các thôn, xóm, tổ dân phố. Để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, Đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương kịp thời cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật mới, biên soạn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, liên quan thiết thực đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân. Các đài truyền thanh cấp xã xây dựng và duy trì các chuyên mục: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển”, “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “An ninh trật tự - An toàn giao thông”, “Phổ biến pháp luật”… Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, công tác đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở được cấp ủy đảng chính quyền các địa phương quan tâm. Hầu hết cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở đều được tạo điều kiện để học tập, nâng cao kiến thức về nghiệp vụ khai thác, xử lý thông tin, vận hành hệ thống thiết bị.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập”, từ tháng 9-2019, theo quyết định của UBND tỉnh, các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Phát thanh các huyện, thành phố. Sau khi sáp nhập, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện có 4 tổ chuyên môn nghiệp vụ, gồm: Tổ Hành chính - Tổng hợp, Tổ Văn hóa - Văn nghệ, Tổ Thể dục - Thể thao, Tổ Thông tin - Tuyên truyền. Tổ Thông tin - Tuyên truyền ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình mới đã nhanh chóng ổn định tổ chức, duy trì nền nếp hoạt động tiếp và phát sóng các chương trình của Trung ương và của tỉnh phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình về địa phương. Tuy nhiên, công tác phát thanh, truyền thanh cơ sở ở tỉnh ta vẫn còn một số bất cập. Hiện nay, các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, chuyên môn của nhiều cơ quan: UBND huyện, thành phố; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Sau khi sáp nhập, công tác quản lý hoạt động thông tinh, tuyên truyền giữa các cơ quan chủ quản đối với đối tượng quản lý chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng chồng chéo. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên còn hạn chế, một số cán bộ chưa được đào tạo về nghiệp vụ báo chí, phát thanh, truyền hình. Hệ thống đài truyền thanh cấp xã còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị; cơ chế đãi ngộ, phụ cấp ngành cho cán bộ phụ trách Đài còn thấp; kinh phí đầu tư cho hoạt động truyền thanh cơ sở còn hạn hẹp so với yêu cầu thực tiễn.

Để nâng cao hiệu quả công tác phát thanh, truyền thanh cơ sở, thời gian tới, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố cần đầu tư toàn diện nâng cao chất lượng hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật và nguồn lực của địa phương. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, viên chức; xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực làm công tác phát thanh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Thường xuyên tổ chức tập huấn, cung cấp các thông tin chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng, phát thanh, truyền hình; khai thác sử dụng hiệu quả các thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền mọi mặt của đời sống xã hội tới người dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com