Nam Trực đoàn kết, chung sức xây dựng thành công nông thôn mới

07:08, 09/08/2019

Huyện Nam Trực được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, đây là một niềm vui, niềm tự hào đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện, với những nỗ lực không ngừng trong suốt hơn 8 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao, với cách làm sáng tạo và bước đi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm đổi thay kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn của huyện khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Làng Ngọc Tỉnh, xã Nam Lợi hôm nay. Ảnh: Khôi Nguyên
Làng Ngọc Tỉnh, xã Nam Lợi hôm nay.
Ảnh: Khôi Nguyên

Huyện bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, môi trường, các thiết chế văn hóa… So với tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, mặt bằng chung của huyện mới đạt từ 8-9 tiêu chí/xã, một số xã khó khăn mới chỉ đạt 5-6 tiêu chí. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường các làng nghề chưa được xử lý; việc làm và thu nhập của lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu ngân sách của huyện thấp nên ít có nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn huyện. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã xây dựng và ban hành các quyết định, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Huyện ủy. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế, UBND huyện đã ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. UBND các xã, thị trấn căn cứ vào kinh phí của trên hỗ trợ, nguồn lực của địa phương để đưa ra các cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ kinh phí cho thôn, xóm, tổ dân phố đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, đường thôn, xóm, hệ thống giao thông nội đồng... theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã coi trọng và triển khai tích cực công tác quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của địa phương về chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phương thức, lộ trình, quyền và trách nhiệm của nhân dân. Trong tuyên truyền, từ huyện đến cơ sở đều nhất quán phương châm chỉ đạo “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, người dân là chủ thể, Nhà nước định hướng, hướng dẫn tổ chức và hỗ trợ thực hiện; lấy thôn/xóm/tổ dân phố làm địa bàn chỉ đạo thực hiện nông thôn mới”. Đài Phát thanh huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn duy trì thường xuyên chuyên mục “Người Nam Trực chung sức xây dựng nông thôn mới”. Huyện đã cấp phát trên 1.000 cuốn Sổ tay xây dựng nông thôn mới và hơn 500 cuốn Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã/huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tới thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã và bí thư, xóm trưởng các thôn, xóm, tổ dân phố. Mặt trận Tổ quốc triển khai cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang". Hội Cựu chiến binh đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường”, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; thành lập 55 tổ “Cựu chiến binh vì dân”, phối hợp tổ chức hoạt động có hiệu quả mô hình này ở 20 xã, thị trấn trong toàn huyện. Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động tham gia cuộc thi “101 cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ Nam Định tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; xây dựng mô hình “Chi, tổ phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế vì sức khỏe gia đình”; trồng và chăm sóc trên 146,8km đường hoa. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo 397/397 chi hội thực hiện tốt công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh môi trường đồng ruộng; tuyên truyền vận động 28.591 hội viên (đạt 83,6% số hội viên nông dân) tham gia mua bảo hiểm y tế tự nguyện; tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; phát động hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Huyện Đoàn xây dựng mô hình “Tuổi trẻ với an toàn giao thông”, ra quân dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường chính thu hút hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia. Công tác tuyên truyền vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bản chất, nội dung, phương châm, bước đi, cách làm, từ đó đồng thuận, tích cực, chủ động tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương… Huyện đã coi trọng phát động phong trào thi đua tới các cấp, các ngành, kêu gọi các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, người con quê hương trên khắp mọi miền Tổ quốc tích cực hưởng ứng; ủng hộ tạo nguồn lực chung tay xây dựng nông thôn mới.

Tính đến ngày 31-12-2018, toàn huyện đã huy động được 2.160,1 tỷ đồng đầu tư xây dựng và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; tổng số vốn tín dụng do các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh là 5.464 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho 5.580 lao động. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện được đầu tư cải tạo, nâng cấp phát triển vượt bậc. Huyện đã tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được đảm bảo theo chuẩn nông thôn mới; hệ thống thuỷ lợi nội đồng đảm bảo phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai; 100% số xã, thị trấn đều có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; 86/88 trường học các cấp của huyện đạt chuẩn; hạ tầng thương mại nông thôn được đảm bảo; 100% số xã, thị trấn có nhà văn hóa; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,83%, tăng 34,83% so với năm 2011; sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2018 đạt 7.306 tỷ đồng, tăng 3.914 tỷ đồng so với năm 2011; năm 2018, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 42,8 triệu đồng, tăng 31,8 triệu đồng so với năm 2011, vượt 1,8 triệu đồng/người/năm so với quy định tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới năm 2018; 100% số xã, thị trấn có khu xử lý rác thải tập trung, đã thành lập các tổ, đội thu gom rác thải và thường xuyên hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 93%; toàn huyện đã có 56.885/57.080 hộ dân dùng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 99,66%, tăng 13,46% so với năm 2011; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững, không xảy ra trọng án. Với những kết quả trên, ngày 31-7-2019, Chính phủ có Quyết định số 955/QĐ-TTg công nhận huyện Nam Trực đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Đạt được những kết quả toàn diện trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể trong huyện, sự tích cực ủng hộ nguồn lực của doanh nghiệp, người con xa quê, đặc biệt là sự chung tay của nhân dân toàn huyện.

Thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trực tiếp tục phấn đấu duy trì và không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện; phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; năm 2030 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; năm 2030 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, an toàn, văn minh, giàu đẹp, giàu bản sắc văn hoá truyền thống. Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể từ huyện đến cơ sở; chú trọng phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội và các công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự; tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Tinh thần đoàn kết, chung sức tạo dựng thành quả trong xây dựng nông thôn mới đã đưa huyện Nam Trực vươn lên tầm cao mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trực tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và ngành nghề nông thôn gắn với phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo quy hoạch đã được phê duyệt, tạo thu nhập ngày càng nâng cao cho người lao động; tập trung nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo môi trường sống an toàn, xây dựng quê hương Nam Trực trở thành miền quê luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giàu mạnh và văn minh./.

Nguyễn Đức Tiến
Phó Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch UBND huyện Nam Trực

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com