Vượt lên số phận

05:08, 09/08/2019

Bị khuyết tật vận động sau một tai nạn rủi ro năm 11 tuổi, anh Vũ Đình Hùng ở thôn Vân Bảng, xã Liên Minh (Vụ Bản) đã vượt qua bao khó khăn, vươn lên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình bằng nghề mộc mỹ nghệ, chuyên sản xuất đồ thờ truyền thống.

Anh Vũ Đình Hùng, thôn Vân Bảng, xã Liên Minh (Vụ Bản) bên các sản phẩm đồ thờ do anh sản xuất.
Anh Vũ Đình Hùng, thôn Vân Bảng, xã Liên Minh (Vụ Bản) bên các sản phẩm đồ thờ do anh sản xuất.

Quê anh từ xa xưa đã có nghề sơn mài, sơn then truyền thống nổi tiếng. Không cam chịu số phận, 17 tuổi, anh Hùng xin vào làm việc trong hợp tác xã sơn mài của xã. Với sự cần cù, chịu khó và đôi tay khéo léo, chỉ sau 6 tháng học việc, anh đã thạo nghề, được hưởng luôn lương bậc II. Sau đó, anh tiếp tục học thêm nghề vẽ trang trí trên các sản phẩm rồi nhận khoán các đồ sơn mài xuất khẩu mang về nhà làm. Năm 1989, anh chuyển sang làm đồ thờ - một nghề có nhiều nét tương đồng với nghề sơn mài về tính nghệ thuật, kỹ thuật sơn keo. Sau vài năm vừa làm vừa thăm dò, anh chính thức phát triển mở rộng nghề mộc từ năm 1993. Theo anh Hùng, để làm ra một sản phẩm đồ thờ phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Ngay từ khâu chọn gỗ, anh thường chọn gỗ dổi, gỗ vàng tâm với đặc tính không mối mọt, chất gỗ dẻo, bền, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Sau khi đánh giấy ráp cho gỗ mịn là công đoạn vẽ hình trên tấm gỗ, dùng máy đục tạo hình, định hình đường nét và đục từng bộ phận, chi tiết. Ở khâu này, với từng chi tiết đều đòi hỏi người làm nghề phải có bàn tay tài hoa, sự khéo léo tỉ mỉ, sao cho mỗi hình cuốn thư, hoa lá, rồng phượng, vân mây... phải đạt độ sắc nét. Khi đã hoàn thành phần mộc, khâu cuối cùng rất quan trọng là sơn son thếp vàng. Trải qua nhiều lần sơn rồi mài cho tới khi xoa tay vào bề mặt sản phẩm không có độ gợn mới thếp vàng, bạc theo yêu cầu của khách. Để phục vụ công việc, anh còn đầu tư nhiều loại máy móc như máy chà, máy lấy nền, máy đánh giấy ráp… Tuy nhiên, theo anh Hùng, để sản phẩm đạt độ tinh xảo, bền đẹp theo thời gian phần lớn lại phụ thuộc vào đôi tay khéo léo, óc thẩm mỹ của người thợ, đồng thời phải tuân thủ kỹ thuật sơn mài truyền thống của cha ông. Sản phẩm của gia đình anh rất phong phú, đa dạng, từ các bức hoành phi, câu đối, ngai đến mâm bồng, khung ảnh, hương án có thể trưng bày tại đình, chùa, tư gia. Ngoài các đơn hàng làm tại nhà, anh Hùng còn được mời đi làm nhiều công trình đình, chùa ở nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung như: Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Một số công trình anh nhận làm toàn bộ từ đồ thờ, tượng đến các cấu kiện gỗ được đánh giá cao về chất lượng và trình độ nghệ thuật như Chùa Phú Thứ, xã Tam Thanh; đình làng xã Hợp Hưng (Vụ Bản). Mỗi chuyến đi cùng anh em thợ, anh thường đảm nhận những khâu quan trọng, để đảm bảo chất lượng công trình. Đơn cử như việc họa nét mặt tượng Phật phải đảm bảo toát lên thần thái, có hồn và sinh động; khâu vẽ rồng trên các cột đình cũng đòi hỏi nét bút tài hoa, thể hiện được uy lực, vẻ oai phong, hình dáng uốn lượn mềm mại, tự nhiên. Tuy nhiên, để có được sự tin tưởng, tín nhiệm của khách hàng như ngày hôm nay là cả một quá trình cố gắng, nỗ lực, tích lũy kinh nghiệm và không ít khó khăn vượt qua mặc cảm, tự ti. Có lần đi xin làm việc ở một ngôi chùa, với đôi chân khuyết tật, anh từng bị những người thợ khác kỳ thị với ánh mắt, lời lẽ coi thường. Dù có chút chạnh lòng nhưng anh cũng luôn coi đó là động lực để không ngừng trau dồi tay nghề, khẳng định bản thân. Đến nay, trung bình mỗi năm cơ sở của gia đình sản xuất hàng trăm sản phẩm đồ thờ các loại, trong đó có nhiều đơn hàng làm cả bộ, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, anh đang tập trung xây dựng khu nhà xưởng để tiếp tục mở rộng sản xuất.

Bằng tài hoa và cái tâm với nghề, anh Vũ Đình Hùng đã tạo ra nhiều sản phẩm đồ thờ tinh xảo phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Đi lên từ nghề truyền thống, đến nay, vợ chồng anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con học hành, tích lũy vốn cho sau này. Vượt lên số phận, nghị lực của những người như anh thật đáng trân trọng./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com