Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn

07:08, 07/08/2019

Thực hiện đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp", thời gian qua xã Giao Lạc (Giao Thủy) đã mở 12 lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, may công nghiệp cho hơn 1.000 học viên là các chủ gia trại, các hộ dân. Ðến nay, trên diện tích 15ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại các xóm 8, xóm 9, xóm 10 và 21, sau khi chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng từ nuôi các loài thủy sản nước ngọt, nước lợ ở Giao Lạc đạt 50 triệu đồng/mẫu/năm, trong đó diện tích nuôi cá đạt khoảng 2 tấn/mẫu và nuôi tôm ước đạt 1 tấn/mẫu. Bên cạnh đó, xã phát triển nghề may áo cưới và các nghề mộc, hàn điện, xây dựng... giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nhiều lao động. Hiện nay, xã có khoảng 200 hộ sản xuất váy áo cưới bán thị trường trong nước và xuất khẩu. Nghề may áo cưới đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương với mức thu nhập cao và ổn định, nâng cao đời sống của người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới vùng ven biển. Với sự đa dạng ngành nghề đã nâng cao thu nhập, mức sống trong từng gia đình, số hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Ðể giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, xã Bạch Long đã xây dựng được khu sản xuất tập trung với tổng diện tích 14ha ở các xóm 3, 4, 5 để các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng diện tích sản xuất phát triển các nghề: mộc, cơ khí, may, chế biến nông sản. Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã được giữ vững với vùng sản xuất tập trung diện tích hơn 365,1ha, trong đó có 74ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp công nghiệp. Thu nhập bình quân trên đầu người của xã năm 2019 đạt trên 40 triệu đồng.

Sản phẩm Dây thìa canh Xuân Thịnh (Hải Hậu) được công nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP 2 sao.
Sản phẩm Dây thìa canh Xuân Thịnh (Hải Hậu) được công nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP 2 sao.

Thực hiện Ðề án “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Ðịnh đến năm 2020”, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp; thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2010 đến tháng 6-2019, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 54.219 lao động nông thôn. Trong đó 19.221 lao động học nghề nông nghiệp, 34.998 lao động học nghề phi nông nghiệp. Ða số lao động sau khi hoàn thành khóa học đều nắm được kiến thức kỹ năng nghề cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có 47.912 người lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%, với mức thu nhập ổn định từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có ở cả 10 huyện/thành phố trong tỉnh, tạo thuận lợi cho người lao động đăng ký tham gia học nghề. Với ngành nghề đào tạo đa dạng, giúp người lao động có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Năm 2018, toàn tỉnh có 33.750 lao động tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 44%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được triển khai; bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 6.000 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm, hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn từ nghề đã học đạt trên 85% góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, lao động có việc làm qua đào tạo, thu nhập lao động nông thôn tăng.

Cùng với thực hiện Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các huyện, thành phố đều tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp như: Hỗ trợ người lao động học nghề, giải quyết việc làm sau học nghề; quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Vụ Bản, Nam Trực mỗi năm đầu tư 300-500 triệu đồng tổ chức dạy nghề, đưa nghề mới về địa phương; khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Các huyện cũng tập trung phát triển các cụm, điểm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động. Tại huyện Hải Hậu, triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tăng từ trên 40% (năm 2015) lên trên 60% (năm 2018). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đến năm 2018 đạt 95%. Các chương trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đào tạo nghề đã tạo thêm nhiều việc làm ổn định và thu nhập khá cho lao động nông thôn, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo thêm nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Hiện nay trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp, 44 làng nghề với trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập cho trên 33 nghìn lao động. Việc chuyển đổi các vùng sản xuất theo quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới và cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giá trị nông sản được hình thành. Sản lượng lương thực của huyện bình quân đạt 12.600 tấn/năm, lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 35% (năm 2010) lên 73,5% (năm 2018). Toàn huyện có 10.500ha sản xuất lúa, 1.800ha sản xuất cây màu, 647ha trồng cây dược liệu, 541ha trồng hoa cây cảnh, 2.320ha nuôi trồng thủy sản, có 880 phương tiện khai thác hải sản (tổng công suất trên 70 nghìn CV); sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 20 nghìn tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 8.000 tấn. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi tôm thẻ chân trắng đạt bình quân giá trị 1,5 tỷ đồng/ha/năm, nuôi cá diêu hồng đạt gần 600 triệu đồng/ha/năm… Với 151 trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, 970 gia trại chăn nuôi, huyện đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản như: Chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ lúa gạo sạch 130 ha/vụ; chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ lúa đặc sản 500ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn 20ha, chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ cây dược liệu 185ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá nước ngọt 150ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thủy sản mặn lợ 300ha…). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của huyện đạt 45,16 triệu đồng/người (năm 2018).

Thời gian tới, các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các ngành chức năng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc "Ðẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn"; Ðề án "Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Ðịnh đến năm 2020". Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com