Ngăn chặn tình trạng cháy nổ ở các địa bàn có nguy cơ cao

08:10, 03/10/2018

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế ngày càng ổn định, phát triển mạnh mẽ. Song song với sự phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng như điện, xăng, dầu, khí đốt hoá lỏng, hoá chất ngày càng nhiều; lượng nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng lớn; các trung tâm thương mại, siêu thị đua nhau hình thành nhằm phục vụ kịp thời các nhu cầu của nhân dân. Đó chính là những nguy cơ làm gia tăng tình trạng cháy nổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. 

Cty Điện lực Nam Định phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức diễn tập phương án chữa cháy tại trụ sở Cty.
Cty Điện lực Nam Định phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức diễn tập phương án chữa cháy tại trụ sở Cty.

Nhận thức rõ mối nguy hại tiềm ẩn và đặc biệt là những hậu quả nặng nề do cháy, nổ gây ra cho con người và xã hội, những năm qua, Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh đã chỉ đạo sâu sát các cấp, các ngành, các cơ quan doanh nghiệp và quần chúng nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC trong lao động, sản xuất, sinh hoạt; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC. Chính vì vậy, toàn tỉnh đã hạn chế đáng kể số vụ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh những mặt tích cực, thời gian qua, lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và nhiều người dân, người lao động chưa thực sự quan tâm, thực hiện triệt để các nội quy, quy định về công tác phòng chống cháy nổ trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, đã chủ quan, mất cảnh giác thậm chí vi phạm quy định an toàn PCCC nên để xảy ra một số vụ cháy, nổ gây hậu quả đáng tiếc. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 2.974 vụ cháy, làm chết 81 người, bị thương 198 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1.564,3 tỷ đồng và 1.209,4 héc ta rừng; xảy ra 31 vụ nổ, làm chết 21 người, bị thương 50 người. Mỗi năm, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PCCC, CNCH) thực hiện 1.371 vụ CNCH, tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng nghìn người, trực tiếp cứu được 452 người, tìm được 186 thi thể nạn nhân. Các vụ cháy tập trung chủ yếu ở địa bàn thành thị, chiếm trên 60% tổng số vụ; cháy nhà dân chiếm tỷ lệ 50%; cháy ở các cơ sở kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ 35%; còn lại là các thành phần kinh tế khác như Nhà nước, liên doanh, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Cháy nguyên nhân do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện vẫn chiếm chủ yếu trên 50%; nguyên nhân do vi phạm, sơ xuất trong quá trình sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 30%. Các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa và phát triển nhanh về kinh tế - xã hội. Số vụ cháy lớn mặc dù chỉ chiếm 1% tổng số vụ nhưng thiệt hại về tài sản chiếm khoảng 70% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Ở tỉnh ta, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 37 vụ cháy, làm chết 5 người, bị thương 6 người, gây thiệt hại về tài sản khoảng 12 tỷ đồng. Cụ thể, hồi 2 giờ 4 phút, ngày 22-4-2018 xảy ra cháy tại cửa hàng sửa chữa điện tử điện lạnh Phúc Thảo, địa chỉ thôn Tân Lập, xã Yên Tiến (Ý Yên) thiêu hủy toàn bộ 2 gian nhà thuê làm cửa hàng và nhà ở, 3 mẹ con chị Thảo bị chết cháy do không mở được cửa để thoát nạn. Hồi 9 giờ, ngày 25-5-2018, xảy ra cháy tại xưởng bông thuộc Cty CP Nam Tiệp, CCN An Xá (TP Nam Định) làm toàn bộ nhà xưởng bị thiêu trụi, thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng, nguyên nhân do sự cố máy móc. Tiếp đó là vụ cháy tàu đánh cá tại Cảng Ninh Cơ (Hải Hậu) gây thiệt hại 4 tỷ đồng. Vụ cháy máy biến áp tại Trạm biến áp 110KV Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng… Các vụ cháy nổ đã gây tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho quần chúng nhân dân.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, hưởng ứng Ngày Toàn dân PCCC (4-10) và Tháng An toàn PCCC (tháng 10 hằng năm), lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH (Công an tỉnh) đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện tốt các biện pháp an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội và toàn thể nhân dân cần tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong công tác phòng chống cháy nổ, các quy trình, quy định về an toàn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bảo đảm không để xảy ra cháy nổ. Các tập thể và từng cá nhân tăng cường công tác tự kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về phòng chống cháy nổ; chú trọng các khu vực tập trung đông người, các khu dân cư, cơ sở có sử dụng nhiều nguyên vật liệu dễ cháy, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Cộng đồng dân cư cần quản lý chặt việc sử dụng điện, ngọn lửa trần, các nguồn phát sinh lửa, sinh nhiệt, các chất dễ cháy, nổ, chủ động phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở; đồng thời bảo đảm có đủ nguồn nước, đủ phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ, sẵn sàng chữa cháy kịp thời, có hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về PCCC. Mỗi người dân hãy tự giác báo cháy và chủ động tham gia chữa cháy khi phát hiện cháy. Củng cố, duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng, bảo đảm để lực lượng này có đủ sức phát hiện kịp thời, xử lý tốt các tình huống cháy nổ ban đầu xảy ra. Các cơ quan chức năng, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, công nhân viên, các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, để mỗi người dân đều là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống giặc lửa.

Phòng chống cháy nổ là một việc làm thiết thực bảo vệ trực tiếp đời sống và sinh hoạt của nhân dân, là công việc không chỉ của các cấp, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp mà của toàn xã hội. Mỗi người dân hãy nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định để bảo đảm an toàn, không để xảy ra cháy nổ, gìn giữ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của mỗi gia đình./.

Bài và ảnh: Xuân Thu

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com