Nhịp sống mới trên quê biển Giao Thủy

08:04, 27/04/2018

Trở về Giao Thủy trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi cảm nhận được không khí náo nức, hồ hởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương khi huyện nhà vừa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ  quyết định công nhận là huyện NTM thứ 5 của tỉnh và thứ 50 của cả nước. Đây là mốc son mới đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của vùng quê biển nhằm góp sức sớm đưa Nam Định trở thành tỉnh NTM vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Đại tá Vũ Văn Lợi, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Giao Thủy, người từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước phấn khởi: Giao Thủy là quê hương giàu truyền thống yêu nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, trên 24 nghìn người con Giao Thủy đã tình nguyện lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Toàn huyện có 2.734 liệt sĩ, 2.150 thương binh, 66 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 11.500 người đang hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công. Với những đóng góp to lớn của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Giao Thuỷ đã được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống thực dân Pháp; 11 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và Anh hùng Lao động.

Một góc Thị trấn Ngô Đồng.
Một góc Thị trấn Ngô Đồng.

Đồng chí Phạm Đức Tạ, TUV, Bí thư huyện ủy Giao Thủy khẳng định: Mạch nguồn truyền thống nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai là động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân Giao Thủy đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, trong những tháng đầu năm 2018, Giao Thủy đã hoàn thành việc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) và các chương trình hành động của BCH Đảng bộ huyện về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6; đẩy mạnh tuyên truyền học tập chuyên đề năm 2018 về thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Trung ương Đảng (khoá X) về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH”. Trong quý I, Đảng bộ Giao Thủy đã quyết định kết nạp 32 quần chúng ưu tú vào Đảng, đề nghị cấp trên xét tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng đợt 3-2 cho 147 đảng viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Về kinh tế, Đảng bộ huyện Giao Thủy xác định phải phát huy tốt thế mạnh của huyện nông nghiệp, trong đó nông nghiệp công nghệ cao là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của huyện. Hiện nay, Giao Thủy có 16.599ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa 7.491ha, đất nuôi trồng thủy sản 5.109ha, đất lâm nghiệp 1.776ha, đất làm muối 451ha. Thực hiện chủ trương của tỉnh, UBND huyện đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 và xây dựng kế hoạch triển khai. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng nông sản, thực phẩm hàng hóa tập trung với hàng chục cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao và các trang trại chăn nuôi lợn thịt, lợn sữa có quy mô lớn. Là huyện vùng chân sóng nên kinh tế biển trở thành mũi nhọn với thế mạnh tập trung vào khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Tính đến đầu năm 2018, Giao Thủy có 52 cơ sở sản xuất giống thủy sản, 177 trang trại, 1.900 hộ nuôi trồng thủy sản với 11 mô hình sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung. Sản lượng thủy sản hằng năm đạt hơn 45 nghìn tấn, chiếm gần 30% sản lượng của tỉnh; trong đó nuôi trồng đạt 31.500 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản hằng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm trên 50% giá trị toàn ngành nông nghiệp của huyện. CN-TTCN đang là lĩnh vực được huyện Giao Thủy đặc biệt quan tâm phát triển nhằm tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất CN-TTCN ở Giao Thủy đạt hơn 259 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010) bằng 23,8% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Về kinh tế du lịch, năm 2006, huyện đã phối hợp với Vườn quốc gia Xuân Thủy, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng triển khai mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Giao Xuân. Năm 2010, HTX Du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân được thành lập với 21 thành viên, nòng cốt là các hộ gia đình tham gia cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương. Trung bình mỗi năm, Giao Thủy thu hút trên 25 nghìn lượt khách trong nước, quốc tế tới tham quan, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy. Đến nay mô hình này đang được nhân rộng tại các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Hải tạo thành mạng lưới cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái khu vực ven biển. Kinh tế phát triển, huyện Giao Thủy đã nỗ lực đầu tư, xây dựng nhiều công trình, dự án mới như Nhà máy nước Giao Yến, khu đô thị mới Thị trấn Ngô Đồng, sân vận động trung tâm huyện, cầu Thanh Giáo và đang triển khai thi công dự án nhà truyền thống huyện, đường Tiến - Thịnh, đường Bình - Lạc, đường Bình - Thuận trị giá hàng trăm tỷ đồng. Những thành quả đạt được trong thời gian qua khiến người dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời là động lực để nhân dân Giao Thuỷ xây dựng huyện ngày càng phát triển, từng bước trở thành huyện NTM kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Xuân Thu

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com