Những học sinh đam mê sáng tạo

07:04, 27/04/2018

Tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2017-2018 do Sở GD và ĐT tổ chức, sản phẩm “Bếp điện mi ni hai chiều” của Trần Minh Quang và Đoàn Đức Toàn, Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh) đoạt giải Nhất và được xếp thứ 4/249 sản phẩm tham dự tại cuộc thi cấp quốc gia.

Các em Trần Minh Quang (bên trái), Đoàn Đức Toàn với sản phẩm Bếp điện mi ni hai chiều.
Các em Trần Minh Quang (bên trái), Đoàn Đức Toàn với sản phẩm Bếp điện mi ni hai chiều.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp hai em Quang và Toàn là sự thông minh, nhanh nhẹn. Hai em hào hứng kể cho chúng tôi nghe về quá trình “sáng chế” chiếc bếp điện mi ni hai chiều. Là những học sinh giỏi từ bậc tiểu học, ngoài việc học tập, cả Toàn và Quang đều có chung sở thích khám phá những điều mới lạ. Những món đồ chơi ô tô, rô bốt được bố mẹ mua cho khiến các em tò mò, tháo ra lắp ráp lại và thổi vào đó bao ước mơ sáng tạo. Toàn từng là học sinh giỏi cấp tỉnh khi còn học tại Trường Tiểu học Trực Phương (Trực Ninh), còn Quang là học sinh Trường Tiểu học Cổ Lễ đã nhiều lần tham dự các kỳ thi tiếng Anh trên mạng internet. Khi được tuyển chọn vào Trường THCS Đào Sư Tích, các em đều có chung niềm yêu thích môn Vật lý. Ngay từ năm đầu tiên học tại trường, các em đã được nhà trường khuyến khích sáng tạo thông qua Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật được tổ chức hằng năm. Nhiều ý tưởng đã được ấp ủ nhưng phải đến năm học 2017-2018, các em mới mạnh dạn phối hợp thực hiện sản phẩm bếp điện mi ni hai chiều. Từ lúc có ý tưởng đến khi biến thành dự án là cả một quá trình các em tìm tòi, nghiên cứu và nhờ thầy cô giúp đỡ. Ngoài kiến thức trong chương trình, các em còn tham khảo thêm các tài liệu nâng cao của môn Vật lý. Bên cạnh sự say mê tìm tòi, các em được sự giúp đỡ tận tình của cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên dạy môn Vật lý trong thực hiện ý tưởng sáng tạo, lập kế hoạch, thiết kế, thử nghiệm sản phẩm, lập báo cáo dự án. Ý tưởng của các em là chế tạo ra sản phẩm bếp điện mi ni hai chiều làm nóng hoặc lạnh tùy theo yêu cầu sử dụng các loại thức uống, chủ yếu là các loại nước giải khát mà vẫn giữ lại đầy đủ chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Nguyên lý hoạt động của bếp là sử dụng tính năng làm nóng - lạnh của tấm bán dẫn siêu công nghệ còn gọi là sò lạnh hay chíp Peltier (là cấu kiện bán dẫn tích hợp có tính chất như một bơm nhiệt, làm lạnh một mặt và mặt còn lại được làm nóng). Miếng bán dẫn nhỏ, nhẹ, nhưng có công suất mạnh giúp hút nhiệt một bề mặt bên này và thải qua bề mặt bên kia. Lượng nhiệt năng ở bề mặt bên kia sẽ bằng tổng nhiệt năng hút từ mặt bên này và lượng nhiệt năng chuyển từ điện năng mà ta đặt vào hai đầu dây của miếng bán dẫn. Trong ứng dụng làm lạnh, khi tản nhiệt cho mặt nóng càng tốt thì mặt bên kia sẽ càng lạnh, có thể xuống âm độ và đóng tuyết (ứng dụng làm nóng cũng tương tự như thế). Do vậy, nếu sử dụng tính năng làm nóng - lạnh của tấm bán dẫn tích hợp cùng với một số thiết bị khác sẽ tạo ra một loại bếp nhỏ gọn, có tác dụng hai chiều, làm nóng hoặc lạnh theo yêu cầu sử dụng thức uống, đảm bảo nguồn năng lượng cung cấp tuyệt đối sạch. Để làm ra chiếc bếp này là biết bao công sức của các em trong việc đi tìm mua nguyên liệu cũ cũng như tháo ra lắp vào thử nghiệm rất nhiều lần. Trong khi đó, thời gian học ở trên lớp sáng và chiều nên các em chỉ có thể tranh thủ làm ngoài giờ học. Riêng với Toàn, nhà cách xa trường 4km, sau khi học trên lớp, từ 17-19h em lại tham gia bồi dưỡng tại đội tuyển học sinh giỏi Vật lý của trường nên gần đến ngày thi, nhiều hôm em lại đợi bạn để cùng nhau thử nghiệm, lắp ráp đến khuya. Đáp lại công sức và niềm đam mê, sản phẩm của các em đã được nhà trường chọn tham dự Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông do Sở GD và ĐT tổ chức và đã đoạt giải Nhất. Tham dự ở vòng thi quốc gia, dù không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng xếp thứ 4/249 sản phẩm tham dự. Từ cuộc thi trở về trong đêm, ngay sáng hôm sau Toàn tham dự kỳ thi học sinh giỏi Vật lý toàn tỉnh và em đã đoạt giải Ba. 

Thành công tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học dành cho học sinh phổ thông, bên cạnh sự nỗ lực, sự đam mê của các em, vai trò của gia đình và thầy cô rất quan trọng. Ngay từ nhỏ, các em đã được cha mẹ ủng hộ con đi theo sở thích, sẵn sàng cùng các em đi tìm mua phương tiện, công cụ, vật liệu cũ để nghiên cứu, sáng tạo. Tuy nhiên, gia đình và cô giáo xác định không làm thay con, thay trò mà chỉ tư vấn, hỗ trợ, động viên. Nói về cô Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên dạy môn Vật lý, kiêm người hướng dẫn, cả Quang và Toàn đều chia sẻ: “Chính cô đã tiếp sức cho chúng em có thêm niềm đam mê sáng tạo. Từ ý tưởng đến khi sản phẩm hoàn thành là cả một quá trình nhưng cô đã hướng cho chúng em phương pháp nghiên cứu, thử nghiệm trên sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Cô luôn động viên chúng em, giải thưởng không quan trọng bằng cách chúng em có ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực”. Được biết, trong suốt 5 năm Sở GD và ĐT tổ chức Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Trường THCS Đào Sư Tích đã tham dự 4 lần và cả 4 lần đều đoạt các giải cao, trong đó có 2 lần đoạt giải Nhì chung cuộc, một lần đoạt giải Ba và năm nay đoạt giải Nhất. Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn được nhà trường tin tưởng giao hướng dẫn các em học sinh thực hiện ý tưởng của mình. Trường THCS Đào Sư Tích là một trong những trường THCS của tỉnh có nhiều học sinh có đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả ứng dụng trong cuộc sống; tiêu biểu như các đề tài: “Phao cứu sinh”, “Sản phẩm rô-bốt kiểm tra an toàn điện”, “Sản phẩm cảm biến chống cận thị”…

Hiện tại, cả Quang và Toàn đều phấn đấu ôn tập để thi đỗ vào THPT với kết quả cao và đang ấp ủ những ý tưởng để mong muốn tiếp tục được tham gia các Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật trong những năm học tới./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com