Thầm lặng phía sau mỗi chiến công…

08:01, 24/01/2018

Có một chiến công được nhắc đến rất nhiều trong năm 2017, cũng được coi như mốc đánh dấu sự phát triển vượt bậc của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh nhà. Đó là chuyên án 117Q triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ 45kg ma túy đá, 30 bánh hê-rô-in cùng nhiều vật chứng liên quan. Đây là chuyên án có số lượng ma túy đá bị thu giữ lớn nhất trên toàn quốc tính tới thời điểm những tháng đầu năm 2017.

Ai cũng nói đến thành công của chuyên án, nói đến những rủi ro, nguy hiểm mà trinh sát của ta phải đối mặt. Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu, để đi đến thành công đó không thể thiếu phần đóng góp của những cán bộ làm công tác hậu cần. Âm thầm chuẩn bị kinh phí, vật tư, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho tất cả chiến sĩ tham gia phương án, họ không chỉ đáp ứng hai yếu tố đầy đủ, bí mật mà còn phải đảm bảo hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng thắng lợi.           

117Q cũng như hàng trăm, hàng nghìn chuyên án khác đã được xác lập và đấu tranh thành công ở Nam Định trong nhiều năm qua. Đâu đó phía sau mỗi thắng lợi đều thấp thoáng bóng dáng của những người làm công tác hậu cần. Cần mẫn, thầm lặng nhưng không thể thiếu trên con đường đi tới thành công chung - đó là những gì người ta có thể hình dung ban đầu về lực lượng này. Song công việc của người cán bộ hậu cần không chỉ đơn giản như thế.

Những năm qua, Phòng Hậu cần kỹ thuật (Công an tỉnh) đã chủ động tham mưu xây dựng nhiều công trình đáp ứng nhu cầu cấp thiết của công tác giữ gìn ANTT trong tình hình mới.
Những năm qua, Phòng Hậu cần kỹ thuật (Công an tỉnh) đã chủ động tham mưu xây dựng nhiều công trình đáp ứng nhu cầu cấp thiết của công tác giữ gìn ANTT trong tình hình mới.

1. Cán bộ hậu cần thời kỳ đổi mới

Chúng tôi tìm đến Phòng Hậu cần kỹ thuật - đơn vị có chức năng tham mưu quản lý Nhà nước về tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản; phục vụ kịp thời, đầy đủ mọi điều kiện để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cũng như chăm lo cho đời sống cán bộ, chiến sĩ. Với 8 đội công tác mang từng chức năng, nhiệm vụ cụ thể, đây là đơn vị chịu sự điều chỉnh của nhiều luật và các văn bản dưới luật. 82 cán bộ, phần lớn được đào tạo chuyên sâu từ các trường đại học chuyên ngành, về nhận công tác hầu hết đều mang tính độc lập cao, làm việc hiệu quả.

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Ngô Mạnh Hà, Trưởng phòng, cởi mở chia sẻ: một trong những bí quyết dẫn đến thành công của đơn vị là áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Từ nhiều năm qua, đơn vị đã chú trọng đổi mới, cải tiến công tác lãnh đạo, chỉ huy theo hướng bám sát cơ sở, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những khó khăn, vướng mắc, phức tạp mới nảy sinh, đồng thời cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo chủ động hậu cần, sẵn sàng phục vụ công tác chiến đấu mà cụ thể là ưu tiên tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc cho công an cấp huyện và các đơn vị trực tiếp chiến đấu.

Khó có thể kể tên hết các công trình đã được thi công trong suốt chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của lực lượng hậu cần kỹ thuật. Chỉ biết rằng mỗi góc sân, khoảng trời, mỗi căn phòng, trụ sở làm việc đều in đậm dấu ấn của những con người đã và đang lặng lẽ cống hiến ấy. Thầm lặng nhưng chủ động, thế nên giữa bối cảnh Bộ dừng đầu tư tất cả các dự án, đơn vị đã tham mưu cho cấp trên trình UBND tỉnh đầu tư, phê duyệt thiết kế xây dựng nhà làm việc chống phản động khủng bố, phòng an ninh chính trị nội bộ, nhà huấn luyện võ thuật quân sự và sân điều lệnh thể thao Công an tỉnh. Cùng thời gian này tiến hành khởi công xây dựng Trung tâm Phòng cháy chữa cháy KCN Bảo Minh, triển khai đấu thầu và thi công đường dẫn từ Trạm cảnh sát giao thông ra Quốc lộ 10, đồng thời đẩy nhanh quá trình cải tạo, mở rộng Trại tạm giam Công an tỉnh. Đến nay, nhiều hạng mục đã được xây dựng, nâng cấp với tiến độ vượt mức đề ra. Suốt quá trình ấy, không thể thiếu sự theo sát, đồng hành của lãnh đạo phụ trách cũng như cán bộ Đội Xây dựng cơ bản.

2. Quản lý chặt chẽ chi tiêu, tài sản công

24 năm trực tiếp làm và quản lý công tác tài vụ, công việc của Thượng tá Trần Đức Hoài, Phó trưởng phòng hậu cần kỹ thuật tưởng chừng rất khô khan khi xoay quanh những con số và được chế định bởi Luật Ngân sách với những kế hoạch phân bổ, dự toán, điều hành theo quy định. Làm thế nào có thể dung hòa luật với thực tế cuộc sống - đó là cái tài, cũng là cái tâm của người làm tài vụ. Trong mọi tình huống, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết phục vụ chiến đấu luôn là ưu tiên hàng đầu, song cũng không thể coi nhẹ việc đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, chiến sĩ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật và Thường vụ Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh.

Để chủ động tài chính đảm bảo đồng thời nhiều mục tiêu, phòng đã tiến hành giao chỉ tiêu kinh phí cho mỗi đơn vị; đồng thời bám sát dự toán được duyệt của từng nguồn ngân sách, từ đó lên kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng nguyên tắc các yêu cầu cụ thể của lực lượng công an trong toàn tỉnh. Nhận xét về quy trình, kết quả công tác của lực lượng hậu cần - kỹ thuật, kết thúc quá trình kiểm tra vào tháng 5-2017, đoàn Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IB đã đánh giá Công an tỉnh Nam Định là một trong những đơn vị quản lý tài chính - tài sản công tốt nhất cả nước. Đó là kết quả của việc tăng cường cán bộ đôn đốc, kiểm tra, làm tốt việc hướng dẫn quản lý tài sản đảm bảo thống nhất, tiết kiệm mà vẫn đủ đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu trong tình hình hiện nay.

Không chỉ trang bị mới máy móc, thiết bị hiện đại, căn cứ vào thực tế kiểm tra, Đội Quản lý tài sản công còn mạnh dạn đề xuất điều chuyển giữa các đơn vị những tài sản, dụng cụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng hoặc sửa chữa để tái sử dụng tài sản thanh lý của một số đơn vị, hạn chế việc mua mới không cần thiết, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Đây thực sự có thể coi là cách làm hay giữa bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường quản lý, thắt chặt chi tiêu công.

3. “Hậu cần chủ động” trên hành trình phía trước

Nhắc đến công tác hậu cần, có lẽ nhiều người vẫn nhớ câu khẩu hiệu nằm lòng “yêu xe như con, quý xăng như máu”. Đã qua rồi những năm tháng chiến tranh, cũng qua rồi thời kỳ bao cấp khó khăn của đất nước, nhưng lời Bác dạy năm nào vẫn thấm sâu trong tâm khảm mỗi cán bộ, chiến sĩ lái xe - những người được đồng đội trân trọng gọi tên “cán bộ đường lối”. Không phải ngẫu nhiên mà tên gọi vui ấy xuất hiện và nhanh chóng phổ biến. Đó là kết quả thành hình từ sự tin tưởng, tín nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong toàn Công an tỉnh trước hàng chục nghìn chuyến xe mỗi năm phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu, tham gia đấu tranh chuyên án với hàng triệu km bí mật, an toàn, góp phần vào thắng lợi chung của các đơn vị nghiệp vụ.

Trong thành tích chung đó, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của những cán bộ phụ trách vật tư. Từ cung cấp xăng dầu mỗi chuyến xe đi, sửa chữa, bổ sung phương tiện, đảm bảo luôn có 100% đầu xe hoạt động tốt phục vụ yêu cầu thường xuyên và đột xuất cho đến công tác tiếp nhận, cấp phát và lưu kho quân trang, thiết bị nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác, chiến đấu đảm bảo tuyệt đối an toàn. Những công việc thầm lặng, những vất vả cũng khó biểu đạt bằng lời, chỉ biết rằng, nỗ lực của họ thể hiện qua chính những việc làm cụ thể.

Với phần đông cán bộ, chiến sĩ, người cán bộ hậu cần gần gũi nhất có lẽ thông qua công tác tổ chức nuôi quân và phục vụ khách nghỉ dưỡng theo đúng chế độ, tiêu chuẩn của ngành. Quán triệt phương châm “chu đáo, tận tình, văn minh, khoa học”, trên tinh thần cầu thị, mỗi cán bộ, công nhân viên được phát huy hết sở trường, tính sáng tạo để nâng cao chất lượng phục vụ. Với cơ sở sạch sẽ, thoáng mát, dụng cụ cấp dưỡng đảm bảo vệ sinh, những bếp ăn tập thể từ Công an tỉnh đến các đơn vị cơ sở, nhà nghỉ dưỡng Thịnh Long được tổ chức đã phần nào giúp cán bộ, chiến sĩ đảm bảo sức khoẻ thường trực công tác và chiến đấu. Nhất là tại trụ sở mới Công an tỉnh, khi phần lớn lượng rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày được hái trực tiếp từ khoảnh vườn do chính cán bộ nhà bếp ở đây tự tay trồng trọt, chăm sóc.

Còn biết bao công việc không tên khác để duy trì cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại các trụ sở làm việc hay thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp, lắp đặt hệ thống điện nước, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, công tác theo tiêu chuẩn đơn vị công an văn hoá. Tất cả đều cho thấy sự trách nhiệm và tình yêu công việc của mỗi người lính hậu cần xuất phát từ những việc làm nhỏ nhất. Đó cũng là yếu tố tối quan trọng trong quá trình chuyển từ hậu cần phục vụ sang hậu cần chủ động. Khó, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của cả tập thể từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ chiến sĩ, công nhân viên, quá trình chuyển đổi đó đang ngày một phát huy ưu điểm. Đó cũng là kết quả của việc quan tâm đầu tư đúng mức tới công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn, hội, từ đó động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, những Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba; cờ thi đua xuất sắc trong phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở” do Bộ Công an trao tặng cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương… có lẽ đủ để phản ánh phần nào những cố gắng thầm lặng nhưng bền bỉ của lực lượng này. Và năm nay, ngay trước Ngày truyền thống của lực lượng, Phòng Hậu cần kỹ thuật - Công an tỉnh Nam Định đã vinh dự được Bộ Công an đề nghị Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” năm 2017. Đây có thể coi là mốc son đánh dấu chặng đường không ngừng trưởng thành, lớn mạnh của đơn vị, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của ngành và cấp trên trước những nỗ lực, cố gắng của họ, là sự đồng lòng suy tôn của 41 đơn vị khác trong toàn Công an tỉnh, cũng chính là sự ghi nhận cao nhất của đồng đội trước đóng góp âm thầm nhưng thiết thực, bền bỉ theo tháng năm của những cán bộ hậu cần luôn luôn “đi trước, về sau”./.

Bài và ảnh: Ngọc Thương
PX15 Công an Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com