Liên đoàn Lao động Thành phố Nam Định chăm lo đời sống người lao động

09:01, 23/01/2018

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Nam Định hiện quản lý 200 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với tổng số 7.741 CNVCLĐ. Những năm qua, mặc dù quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động (NLĐ) từng bước được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ ngày càng tốt hơn song CNVCLĐ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn: vấn đề việc làm, nhà ở, BHYT, BHXH, BH thất nghiệp, chính sách tiền lương, điều kiện việc làm và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, thực hiện các nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc, hằng năm, LĐLĐ phối hợp với UBND thành phố hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức (HNCBCC), hội nghị người lao động (HNNLĐ) và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Sản xuất tại Cty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (TP Nam Định).
Sản xuất tại Cty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (TP Nam Định).

5 năm qua, bình quân có 99,26% cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức HNCBCC; 75,41% Cty CP, Cty TNHH, doanh nghiệp tư nhân tổ chức HNNLĐ. Thông qua hội nghị, đại diện tập thể NLĐ đối thoại, thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với chủ doanh nghiệp, xây dựng thang bảng lương và định mức lao động, thỏa thuận những điều có lợi hơn cho NLĐ để đưa vào TƯLĐTT nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Trong đó, 100% công đoàn khối GD và ĐT thành phố đã phối hợp với chuyên môn tổ chức hội nghị công chức viên chức, HNNLĐ trong các trường học với chất lượng ngày càng tốt hơn, phát huy được quyền dân chủ của CNVCLĐ. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố chỉ đạo các CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện Nghị định 122/2015/NQ-CP ngày 14-11-2015 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên tuyên truyền và giám sát việc thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp đối với NLĐ. Thành lập Ban t­ư vấn pháp luật thành phố, hư­ớng dẫn chỉ đạo CĐCS thành lập các tổ t­ư vấn pháp luật tại các doanh nghiệp, triển khai Nghị quyết 04 ngày 27-12-2010 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Đổi mới và nâng cao hoạt động t­ư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, các tổ tư vấn pháp luật đã tư vấn cho trên 1.000 lượt CNLĐ về Luật Công đoàn, giúp cho CNLĐ nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật; hiểu rõ hơn về một số chế độ chính sách cần thiết. Hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS phối hợp với chuyên môn xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, nâng cao vai trò đại diện của chủ tịch CĐCS tại đơn vị. Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chấp hành pháp luật lao động tại 25 đơn vị. Qua kiểm tra, có 100% CNLĐ ký hợp đồng lao động, 65% doanh nghiệp ký TƯLĐTT. Hằng năm, LĐLĐ thành phố còn phối hợp với chính quyền và các phòng, ban chức năng của thành phố thực hiện chương trình quốc gia về ATVSLĐ; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hộ lao động của Công đoàn các cấp; tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác bảo hộ lao động ở những doanh nghiệp có đông CNLĐ, thường xuyên phải làm việc ở nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Phong trào “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” đã được lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm hưởng ứng. Hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh viên được kiện toàn kịp thời; thường xuyên đầu tư trang bị, bổ sung hệ thống biển báo máy móc PCCN tại nơi sản xuất; phân công trách nhiệm cho từng thành viên, xây dựng chương trình và tổ chức những hoạt động thiết thực cụ thể. Đến nay, LĐLĐ thành phố đã tổ chức 25 lớp tập huấn ATVSLĐ-PCCN; thực hành phương án PCCN tại doanh nghiệp thu hút 2.450 lượt CNLĐ tham gia; treo 556 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền tại các cơ quan, doanh nghiệp, trên các tuyến đ­­ường của CCN và thành phố. Kết quả, 5 năm qua, các đơn vị thành phố quản lý không để xảy ra các vụ tai nạn lao động nặng, tai nạn lao động chết người hoặc đình công.

Cùng với đó, LĐLĐ thành phố đã phối hợp với chính quyền và các phòng, ban, cơ quan chức năng của thành phố kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách pháp luật đối với NLĐ tại 13 doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với đoàn giám sát liên ngành của tỉnh, thành phố tiến hành giám sát 8 doanh nghiệp trực thuộc LĐLĐ thành phố quản lý theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua kiểm tra, giám sát thực tế cho thấy, các đơn vị đã thực hiện tương đối đầy đủ các quy định của Nhà nước, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm và dần đi vào nề nếp. LĐLĐ thành phố còn hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS khối doanh nghiệp phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt Kế hoạch số 55 của UBND thành phố và Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về công tác an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp. Chỉ đạo CĐCS phối hợp với chuyên môn triển khai thực hiện Nghị quyết số 07c ngày 25-2-2016 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ, yêu cầu CĐCS đưa nội dung bữa ăn ca vào đối thoại tại nơi làm việc. Nhìn chung các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc nội dung nghị quyết với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức nấu bữa ăn ca, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí bữa ăn ca cho NLĐ... Tiêu biểu như các Cty: CP Nam Tiệp, TNHH Thắng Lợi, TNHH Châu Long, TNHH Maxport Limited (Việt Nam) chi nhánh Nam Định… đã thực hiện mức phí cho bữa ăn ca của NLĐ từ 17-20 nghìn đồng/người/bữa.

Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, nhiệm kỳ qua, LĐLĐ thành phố đã phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra bếp ăn tập thể của 17 đơn vị. LĐLĐ thành phố còn phối hợp với Ban Chính sách - Pháp luật của LĐLĐ tỉnh làm việc với Cty CP Micom và Cty TNHH EB Nam Định về ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn. Hằng năm dành 1 phần kinh phí từ lợi nhuận trong việc bán sản phẩm để hỗ trợ tổ chức Công đoàn thực hiện các hoạt động xã hội như: thăm hỏi đoàn viên công đoàn, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ quỹ “Mái ấm Công đoàn”. Chỉ đạo các CĐCS phối hợp với chuyên môn thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống NLĐ bằng hình thức thăm hỏi động viên khi bản thân và gia đình CNLĐ gặp khó khăn, ốm đau, hiếu hỷ. Trong 5 năm qua, Công đoàn từ thành phố đến cơ sở đã thăm và tặng 2.455 suất quà với tổng giá trị trên 1,5 tỷ đồng. Riêng khối Công đoàn GD và ĐT thành phố đã trao tặng 2.449 suất cho cán bộ, giáo viên và học sinh các trường học với tổng giá trị trên 775 triệu đồng. Ngoài ra, LĐLĐ thành phố đã vận động CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ các quỹ do tỉnh và thành phố phát động như quỹ ngày vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ uống nước nhớ nguồn, ủng hộ đồng bào lũ lụt với số tiền trên 1 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng quỹ “Vì công nhân lao động nghèo” tại đơn vị, hỗ trợ cho CNLĐ nghèo vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình, mua sắm phương tiện đi lại, sửa chữa nhà ở... Thông qua hoạt động này đã giúp CNLĐ khắc phục khó khăn, yên tâm làm việc.

Sự quan tâm chăm lo thiết thực đời sống NLĐ của các cấp Công đoàn thành phố đã động viên, khích lệ CNVCLĐ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com