Tăng cường phát hiện, điều trị, quản lý bệnh nhân lao

05:03, 25/03/2017
Thực hiện Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh đang triển khai nhiều chương trình nhằm đem lại hiệu quả trong công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao. Các kỹ thuật, trang thiết bị tiên tiến được bệnh viện cập nhật, đáp ứng yêu cầu công tác chẩn đoán, điều trị như: máy X.Quang kỹ thuật số, máy nuôi cấy lỏng Mgit-Bactec 320, máy đo chức năng hô hấp, máy nội soi khí quản, màng phổi ống mềm, nội soi tai mũi họng, siêu âm màu, điện tim, máy xét nghiệm khí máu động mạch và các loại máy sinh hóa, huyết học tự động… Đặc biệt, bệnh viện đã đưa vào sử dụng máy Gene - Xpert để giúp chẩn đoán lao và lao kháng thuốc nhanh, chính xác sau 2 giờ. Với thiết bị này, trong năm 2016 bệnh viện đã phát hiện 997 bệnh nhân mắc lao và 54 bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc đưa vào điều trị theo phác đồ nhằm ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, từ tháng 1-2016, người có thẻ BHYT có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đang được theo dõi lao kháng thuốc sẽ được chuyển thẳng từ tuyến xã, phường, thị trấn đến Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh để khám, theo dõi và điều trị, đã tạo thuận lợi cho người dân đến khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời. 
 
Ngoài ra, với việc xây dựng, duy trì được mạng lưới phòng, chống lao ổn định ở 10 huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh nên những năm qua công tác phát hiện bệnh nhân lao được tăng cường, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị khỏi hằng năm đạt trên 90%, giảm tỷ lệ tử vong. Năm 2016, toàn tỉnh đã phát hiện được 1.947 bệnh nhân, trong đó phát hiện 1.076 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới (chiếm 55,2% tổng số bệnh nhân được phát hiện), 65 bệnh nhân lao là trẻ em, 31 bệnh nhân lao/HIV, 67 bệnh nhân lao kháng thuốc. Chất lượng phát hiện ngày càng được nâng cao nhờ đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ. Riêng trong công tác phòng chống lao/HIV, tỉnh đã thành lập ban điều phối lao/HIV tuyến tỉnh và tuyến huyện; phòng khám ngoại trú HIV của các huyện chuyển về quản lý và điều trị bệnh nhân tại khoa truyền nhiễm bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Năm 2016, các tuyến đã khám sàng lọc HIV cho 1.925/1.947 bệnh nhân lao, khám sàng lọc lao cho 72 lượt bệnh nhân HIV, phát hiện 7 trường hợp mắc lao. Được sự quan tâm của Bệnh viện Phổi Trung ương và Dự án phòng chống lao, năm 2016 toàn tỉnh tiếp tục quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc, triển khai hoạt động phòng chống lao trẻ em. Trong năm, tổng số bệnh nhân được quản lý trên địa bàn tỉnh là 2.940 bệnh nhân; 100% bệnh nhân phát hiện được quản lý, điều trị theo đúng quy định của Chương trình phòng, chống lao quốc gia; tỷ lệ điều trị khỏi đạt 94,6%, góp phần ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.
Cán bộ Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh vận hành máy nội soi khí quản, màng phổi ống mềm trong chẩn đoán, điều trị bệnh.
Cán bộ Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh vận hành máy nội soi khí quản, màng phổi ống mềm trong chẩn đoán, điều trị bệnh.
Đạt được kết quả trên, việc quản lý điều trị lao tại tuyến y tế cơ sở trong tỉnh được triển khai đều đặn, thường xuyên. Bệnh nhân được phát hiện, đưa vào quản lý điều trị theo Chương trình chống lao quốc gia, trong 2 tháng đầu bệnh nhân được quản lý điều trị tại bệnh viện, 4-6 tháng sau điều trị tại nhà dưới sự hỗ trợ của y tế cơ sở và người nhà. Công tác cấp phát thuốc tại tuyến xã được duy trì, thuận tiện cho việc nhận thuốc của bệnh nhân. Các kỹ thuật viên xét nghiệm đều có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm với công việc. Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định trong cả liệu trình 6 tháng và được đánh giá kết quả điều trị chính xác. Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng nên hiểu biết của người dân về bệnh lao đã được nâng lên. Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh luôn đóng vai trò chủ đạo trong công tác phát triển và ổn định mạng lưới chống lao từ tuyến tỉnh tới tuyến xã. Mỗi năm chương trình chống lao tỉnh phát hiện và điều trị cho khoảng 1.900 bệnh nhân lao các thể với kết quả điều trị khỏi cao từ 90-94%. Riêng tại bệnh viện, mỗi năm đón tiếp và điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân lao và khoảng 35-60 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Để tăng cường công tác khám phát hiện và điều trị cho bệnh nhân lao, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cận lâm sàng mới. Ngoài việc được trang bị máy Gene - Xpert để chẩn đoán lao và lao kháng đa thuốc trong vòng 2 giờ; máy MGIT - BACTEC 320 máy nuôi cấy lỏng, chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao sau 1 tuần, bệnh viện đã triển khai việc xét nghiệm khí máu động mạch để xác định được các rối loạn thông khí máu, rối loạn thăng bằng toan kiềm..., từ đó tìm được nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp những bệnh suy hô hấp, rối loạn toan - kiềm; nội soi phế quản ống mềm xác định tổn thương phế quản phổi, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm giúp chẩn đoán các bệnh hô hấp, nhất là u phổi… Năm 2016, bệnh viện đã được Bệnh viện Phổi Trung ương chuyển giao một số kỹ thuật như: xét nghiệm máu động mạch, nội soi màng phổi, phế quản ống mềm... Ngoài ra, bệnh viện cũng tổ chức tập huấn cho cơ sở về: Hệ thống quản lý và giám sát thông tin điện tử trong phòng chống bệnh lao Vitimes cho cán bộ chống lao tuyến huyện; Hoạt động lao trẻ em cho cán bộ chuyên trách lao tuyến xã, huyện; Quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc cho cán bộ chống lao tuyến tỉnh, huyện. 
 
Tuy nhiên công tác phòng chống lao của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn: Đa số bệnh nhân mắc lao là người nghèo, sự hiểu biết về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế nên việc phát hiện nguồn bệnh gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao thường được phát hiện khi bệnh đã nặng do tình trạng mặc cảm, kỳ thị của gia đình, xã hội, do mưu sinh nên người bệnh đến cơ sở y tế muộn. Di chứng của bệnh lao sau điều trị như bệnh tái phát cao, tàn phế phổi nặng nề, bệnh lao kháng thuốc… cũng gây khó khăn cho bệnh nhân và chương trình chống lao. Để duy trì hoạt động chống lao bền vững, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự “chung tay” của các ngành, đoàn thể và người dân trong cộng đồng. Cùng với việc duy trì mạng lưới chống lao, tăng cường đội ngũ thầy thuốc có năng lực chuyên môn, công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên để góp phần phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng. Áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán mới, tiên tiến để phát hiện kịp thời bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh lao trong nhóm đồng nhiễm HIV, vận động đưa bệnh nhân vào điều trị giảm bớt nguồn lây, góp phần đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một thế giới không còn người mắc bệnh lao vào năm 2035./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com