Gặp những người con quê hương trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc

08:06, 21/06/2016

Thời điểm trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tôi vinh dự được Ban biên tập cử tham gia Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân để đi chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Chuyến đi này, với tôi lại khắc ghi một kỷ niệm về nghề. Và càng vui mừng hơn, khi tôi được gặp gỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ là người con quê hương Nam Định. Họ dù ở cương vị công tác nào nhưng luôn hướng về quê hương, hướng về đất liền, cùng có chung một ý chí, quyết tâm, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ sự bình yên, bảo vệ vững chắc từng tấc đất nơi biên giới, hải đảo trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển theo hải trình của tàu 624, điểm đầu tiên chúng tôi cập Nhà giàn DK1/14 trong cụm nhà giàn Tư Chính. Biết tin có đoàn công tác ra thăm, chúc tết, cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn rất phấn khởi. Ai cũng vui mừng, bởi đã mấy tháng liền mới được gặp người từ đất liền ra thăm. Trên nhà giàn này, tôi đã có dịp gặp gỡ, nói chuyện với Trung úy Lưu Văn Giới, quê xã Đại Thắng (Vụ Bản) hiện đang là nhân viên cơ yếu của nhà giàn. Tay bắt, mặt mừng đón chúng tôi, Trung úy Giới xúc động chia sẻ về quá trình học tập và rèn luyện của mình. Năm 2004, Giới là một trong những tân binh của tỉnh được nhập ngũ vào lực lượng Hải quân. Duyên nghiệp lính Hải quân càng gắn bó với Giới hơn khi anh hoàn thành nghĩa vụ, được đi học 2 năm Trung cấp cơ yếu và được điều động, phân công về tham gia công tác cơ yếu ở Vùng 2 Hải Quân. 32 tuổi đời nhưng Giới đã có hơn 10 năm thâm niên là lính Hải quân và là lính cơ yếu hoạt động qua 10 Nhà giàn DK1. Ở cụm nhà giàn nào, Giới cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài nhiệm vụ chính, Giới còn là một “anh nuôi” có nghề nên thường được anh em gọi bằng cái tên trìu mến “Vua đầu bếp”. Bởi mỗi khi anh vào bếp là bữa đó, cán bộ, chiến sĩ được ăn những món ăn rất ngon dù nguyên liệu cũng chỉ là rau xanh, thịt hộp. Hiện Giới có vợ là cô giáo Nguyễn Thị Hòa, là giáo viên Trường Tiểu học Đại Thắng A, xã Đại Thắng và 2 con gái (lớn 3 tuổi, bé 1 tuổi). Đây cũng chính là “hậu phương vững chắc” cho Giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi đang hoàn thiện bài viết này, Giới gọi điện cho tôi thông báo, khoảng giữa tháng 7 tới, anh sẽ được về phép thăm gia đình và hẹn ngày hàn huyên ở Nam Định.
Tác giả và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên.
Tác giả và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên.
Đến Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên, được biết có người Nam Định cùng đi trong đoàn công tác, Thượng úy Phạm Thành An, quê xã Xuân Ninh (Xuân Trường) vội vã tìm đến gặp chúng tôi. Sau phút gặp gỡ vừa lạ lại vừa quen ấy, chúng tôi tranh thủ kể chuyện quê hương, rồi hẹn ngày gặp nhau khi anh được nghỉ phép. Những người ở xa quê hương bao giờ cũng vậy. Đặc biệt, giữa trùng khơi sóng vỗ, bốn bề là sóng nước đại dương mỗi năm chỉ có vài bận tàu đến đây thì việc gặp mặt đồng hương không mừng sao được. Đêm ấy, dưới ánh trăng vằng vặc của bầu trời phương Nam, trên nhà giàn vững chãi giữa biển khơi, chúng tôi sôi nổi trò chuyện sau chuyến hải trình dài ngày. Thượng úy An cho biết, sau khi tốt nghiệp Trung cấp thông tin liên lạc, anh được điều về công tác trong lực lượng Hải quân. Trong thời gian 15 năm công tác thì đã có gần 13 năm phục vụ tại các Nhà giàn DK1 với nhiệm vụ thông tin liên lạc. Ban đầu nhớ quê nhà, nhớ đất liền lắm nhưng anh cố gắng vượt qua, quyết tâm rèn luyện cùng đồng đội trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió này. Hằng ngày anh cùng đồng đội thực hiện nghiêm mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu, tổ chức duy trì chặt chẽ các ca kíp trực canh, quan sát, không để sót lọt một mục tiêu trong khu vực quản lý, không bị động, bất ngờ. Nơi đây tàu thuyền nước ngoài thường xuyên hoạt động nên cán bộ, chiến sĩ đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Riêng năm 2015, đơn vị đã phát hiện gần 40 lượt tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực, kịp thời báo cáo cho chỉ huy các cấp. Trong những chiến công ấy, Thượng úy Phạm Thành An cũng góp phần nhỏ lặng thầm nhưng vô cùng ý nghĩa cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/15 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
 
Chia sẻ về cuộc sống trên nhà giàn, An tâm sự: Trước đây ở nhà giàn nước cho sinh hoạt rất quý nhưng bây giờ không còn là vấn đề quan trọng vì đã có máy lọc nước nên anh em đỡ khó khăn. Thực phẩm như rau xanh đã được cán bộ, chiến sĩ tự túc. Mỗi năm DK1/15 Phúc Nguyên, nhà giàn nơi An đóng quân trồng được gần 1.000kg rau xanh, câu được hơn 1.300kg cá, làm hàng trăm lít nước mắm, hàng chục kg giá đỗ, đậu phụ và chăn nuôi gần 300kg gà vịt. Cá câu được còn phơi khô để làm quà mỗi khi có dịp vào đất liền công tác. Ngoài ra, đơn vị cũng đã cung cấp cho bà con ngư dân làm ăn trên biển hàng nghìn lít nước ngọt, gần 100kg gạo, muối, dầu ăn, khám chữa bệnh cho 16 lượt người. Vật chất không quá thiếu thốn nhưng chỉ nhớ đất liền. Gần đây việc liên lạc với gia đình, bạn bè thường xuyên hơn nhờ có sóng điện thoại. Do ở rất xa đất liền nên tàu tiếp tế chỉ đến theo định kỳ, còn các đoàn công tác đến thăm thường vào những thời điểm khá đặc biệt như các ngày kỷ niệm hay dịp lễ, Tết. Lúc ấy, cả đơn vị mong ngóng suốt cả tháng trời. Và đêm hôm nay là một trong những đêm thật vui của người lính giữ biển. An nhắn gửi, khi về đất liền nhớ đến thăm nhà em và nói giùm rằng cuộc sống nơi đây dù có vất vả nhưng anh em luôn đoàn kết, đùm bọc nhau như ruột thịt để bố mẹ yên tâm.
 
Tạm biệt những nhà giàn mà tôi đã đặt chân đến, tạm biệt Thượng úy Phạm Thành An, Trung úy Lưu Văn Giới… và cán bộ, chiến sĩ trên các Nhà giàn DK1 với bao lưu luyến, mến thương. Chúng tôi thầm mong cho các anh luôn “chân cứng đá mềm” và có dịp sẽ trở lại những chuyến hải trình quen thuộc để lại gặp những chiến sĩ dũng cảm kiên cường đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com