Tác nghiệp trong bão

08:06, 21/06/2016
Nghề báo với tôi có một thú vị là được trải nghiệm các sự kiện, trọng đại có, nguy hiểm có, gian truân có… Trong đó lần trải nghiệm bão biển hơn 10 năm trước tại nơi bão đổ bộ, thật khó quên, cứ mỗi dịp 21-6 về, tôi lại bâng khuâng nhớ về nó…
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại biển Thịnh Long (Hải Hậu).
Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại biển Thịnh Long (Hải Hậu).
Năm đó bão số 7 (có tên quốc tế là Damrey, hay bão “Con voi”) được dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta. Đây được xác định là cơn bão mạnh nhất trong vòng gần thập kỷ trước đó, với sức gió mạnh trên cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 kèm theo mưa to, có khả năng gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với con người và tài sản 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng bởi lúc này cơ sở hạ tầng đê biển chưa được đầu tư nâng cấp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác do 3 đồng chí Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn trực tiếp xuống 3 huyện ven biển để chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 7. Ban biên tập họp gấp, tổ chức 3 mũi phóng viên, gồm 6 đồng chí theo các đoàn của tỉnh xuống địa bàn. Về công tác tại cơ quan được gần 4 năm nhưng đây là lần đầu tôi được phân công nhiệm vụ “tác chiến” về công tác phòng, chống bão tại thực địa nên kinh nghiệm tác nghiệp tình huống này gần như chưa có. Tôi được Ban biên tập cử đi theo đoàn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Tuấn xuống huyện Giao Thủy - là địa phương có nhiều đoạn đê biển xung yếu nhất tỉnh… Nhận được lệnh của Tổng Biên tập, tôi cùng các đồng nghiệp gấp rút chuẩn bị máy ảnh, phim, máy ghi âm, bút, sổ ghi chép… sẵn sàng lên đường. Cơ quan lúc đó chỉ có 2 chiếc xe 4 chỗ đã cũ nên rất khó đi trong điều kiện thời tiết và địa hình xấu. Anh em phóng viên đều phải tự túc phương tiện, chủ yếu là xe máy. Theo sự phân công, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với đồng chí Bí thư để xin đi cùng đoàn. Rất hiểu và thông cảm với công việc của phóng viên nên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhất trí ngay, dặn chúng tôi để lại số điện thoại khi nào lên đường sẽ thông tin… Được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cởi mở chia sẻ, chúng tôi vui như mở cờ. Nhìn đồng hồ, lúc đó đã gần 6h tối, trời đầy mây mờ, u ám, dự báo của một trận đại cuồng phong đang đến gần. Nhà xa nên tôi nghỉ tạm nhà một đồng nghiệp ở trong thành phố để khi có lệnh sẽ đến được nhanh nhất, vừa tranh thủ sạc điện thoại vừa ngóng chờ chuông điện thoại kêu. Mãi đến hơn 8h tối tiếng chuông điện thoại quen thuộc vang lên, tôi bắt máy nghe thì bất ngờ được đồng nghiệp thông tin: Xe của đồng chí Bí thư đã ra khỏi Thành phố Nam Định rồi! Mất một lúc trấn tĩnh trước nỗi lo làm thế nào để đi và hoàn thành nhiệm vụ đây. Tôi lần tìm các đầu mối để liên hệ. Lúc này công tác phòng chống bão ngay ở thành phố đã rất ráo riết, tìm phương tiện ngoài (xe ôm, xe khách) là bất khả thi. Tôi quyết định chạy sang Tỉnh Đội, rồi Công an tỉnh và cả Bến xe khách Nam Định để liên hệ xem có xe ô tô xuống Giao Thủy không để xin đi cùng nhưng đều không có. Trời đổ mưa tầm tã, gió bắt đầu mạnh dần. Sau gần 2 giờ đồng hồ tìm kiếm, liên hệ không được, tôi trở về nhà người bạn trong sự lo lắng tột cùng vì không xuống biển được. Suốt đêm tôi thao thức không ngủ! Nằm nghe thông tin dự báo được phát liên tục trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, thì bão số 7 sẽ trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Nam Định vào sáng mai (ngày 27-9). Thế nên, một mặt tôi điện thoại “nhờ” đồng nghiệp ghi chép toàn bộ thông tin chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối với các ngành chức năng và địa phương; một mặt tôi hạ quyết tâm, bằng mọi cách, sáng mai phải có mặt ở Giao Thủy sớm nhất có thể. Nghĩ là làm, sáng sớm hôm sau mới mờ sáng tôi đã nai nịt đồ đoàn cẩn thận rồi leo lên chiếc Wave Tàu cũ kỹ bắt đầu hành trình xuống Giao Thủy mặc cho những nguy hiểm đang rình rập trước mắt. “Họa vô đơn chí” lội nước chạy được một đoạn trong tình trạng đường phố ngập lụt xe của tôi đã bị thủng săm vì “dính” phải đinh. Tôi tìm gửi xe ở quán vá xe bên đường dù không quen biết, cũng chẳng kịp nghĩ đến an toàn tài sản rồi tiếp tục cuốc bộ ra chân cầu Đò Quan chờ đợi. Lúc đó cả đoạn gần 50m sát chân cầu Đò Quan đều bị ngập sâu gần mét nước, các lực lượng phòng, chống lụt bão của thành phố phải đắp con lươn để cho xe lên cầu. Thật may cho tôi khi vừa tới nơi thì có anh thanh niên đi xe máy cũng vừa tới. Tôi tranh thủ bắt chuyện và giúp anh đẩy xe máy qua đoạn đường đó lên cầu. Vừa đẩy xe giúp anh, tôi vừa hỏi chuyện thì được biết, anh đang làm trên Hà Nội nhưng nghe tin bão quá mạnh, anh phải tức tốc về quê Hải Hòa (Hải Hậu) vì có mẹ già ở nhà một mình. Vậy là tôi xin đi cùng đường với anh xuống đến Lạc Quần rồi tính tiếp. Gần 5 giờ sáng xuống đến Lạc Quần, tôi vào gõ cửa nhà dân ven đường có treo biển “xe ôm” trước cửa. Giới thiệu mình là nhà báo, giờ cần xuống Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) để đưa tin bão lụt, đưa Thẻ Nhà báo cho anh xem, đồng thời cam kết trả công cho anh cao hơn ngày thường, anh mới tin và đồng ý chở tôi xuống Ngô Đồng. Phải mất gần 4 tiếng đồng hồ sau lúc cơn bão đổ bộ mạnh nhất, tôi mới có mặt tại trụ sở chỉ huy phòng chống bão số 7 của huyện Giao Thủy, nơi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ngành và huyện Giao Thủy đang trực chiến. Liên tục có thông tin từ tiền tiêu báo về: Đê Cồn Tàu chạy qua xã Giao Lâm đã bị sóng biển dâng cao đánh sạt 15m, sâu 1,5m (tức là chỉ còn khoảng 0,5m nữa là đoạn đê này bị sóng san phẳng...). Đoạn đê ở phía tây cống Thanh Niên, đê Giao Phong đã bị vỡ. Tại huyện Hải Hậu, đê Cồn Tròn chạy qua xã Hải Hòa nguy cơ không giữ được. Đê Quần Khu, xã Nghĩa Sơn, phía sông Ninh Cơ bị sạt 3 hố… Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tiếng kẻng báo động vang lên dồn dập khắp các tuyến ven biển. Lực lượng cứu hộ được huy động tối đa nhằm ứng cứu kịp thời với quyết tâm cao nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng của người dân… Cứ thế, cơn bão tàn khốc và hung hãn như “Con voi rừng nổi đóa” quần thảo tàn phá những ngôi làng, những bãi triều, những con đê… suốt mấy giờ đồng hồ, đến hơn 2 giờ chiều. Đã có lúc tưởng như những cơn sóng biển cao hơn cả chục mét nước sẽ nhấn chìm và xóa sạch những con đê biển khiến tính mạng của hàng chục nghìn người dân các xã ven biển bị đe dọa. Cơn bão đi qua thiệt hại vật chất không thể tính đếm hết, quang cảnh nhiều làng ven biển hoang tàn nhưng rất may không có sự thiệt hại nào về người. Ngay sau khi bão suy yếu thành vùng áp thấp và đi sâu vào đất liền, chúng tôi lại tiếp tục tháp tùng đồng chí Bí thư cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy đi thực địa kiểm tra để chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão.
 
Báo Nam Định đã có loạt tin, bài, phóng sự ảnh kịp thời toàn diện về công tác phòng chống, khắc phục trước, trong và sau bão. Nhớ lại lần ấy, tôi cứ nghĩ giá không quyết tâm, không nhờ những người dân hỗ trợ, chia sẻ, tôi sẽ không có cơ hội quý được trải nghiệm và rèn luyện về nghề như vậy!
 
Bài và ảnh: Văn Đại


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com