Nghĩa tình người lính hôm nay

11:04, 28/04/2015

Những ngày giữa tháng tư, chúng tôi có dịp cùng cán bộ chính sách Ban CHQS huyện Vụ Bản đến thăm gia đình cựu TNXP Nguyễn Hoài Sơn, ở thôn Vân Bảng, xã Liên Minh và cảm nhận được niềm vui, sự xúc động của ông về tình cảm, sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Ban CHQS huyện và Bộ CHQS tỉnh để giờ đây, vợ chồng ông được an hưởng tuổi già trong ngôi nhà vững chãi, khang trang. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Sơn chia sẻ về những năm tháng ông tham gia phục vụ chiến đấu ở nơi “túi bom, vựa đạn” của tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Bình), Khe Sanh (Quảng Trị), đường 9 Nam Lào.

Cũng như bao thanh niên cùng thời, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, ông Sơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP và được biên chế vào đơn vị C258, N39. Thời gian đầu, đơn vị ông được giao nhiệm vụ mở đường ở Nghệ An. Những năm 1966 đến 1968, đơn vị ông nhận lệnh hành quân vào tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị, tiếp tục nhiệm vụ làm đường thông tuyến cho những chuyến xe tải lương, tải đạn chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Đó là những năm tháng vô cùng ác liệt của cuộc chiến tranh, địch bắn phá đêm ngày, máy bay B52 quần thảo oanh tạc trên bầu trời không ngớt, dưới mặt đất bom nổ như rải thảm. Bọn chúng còn dùng chất độc hóa học phát quang cây cối, phá hoại mùa màng, cắt đứt đường giao thông, phá hoại các kho tàng, ngăn chặn sự tiếp viện của ta cho chiến trường miền Nam. Gian khổ, ác liệt là thế nhưng cả đơn vị của ông vẫn “kiên gan, bền chí” bám trụ ngày đêm để mở đường, giữ vững mạch máu giao thông cho xe qua. Trong một lần đang cùng anh em trong đơn vị làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị, ông bị sức ép bom B52 của địch và bị thương ở đùi trái. Sau khi được đưa đi chữa trị vết thương ổn định, ông tiếp tục tham gia phục vụ chiến đấu ở mặt trận Vĩnh Linh (Quảng Bình). Đến năm 1970, ông được cho về điều dưỡng ở Thanh Hóa rồi chuyển ngành. Trở về với cuộc sống đời thường, cuộc sống gia đình ông cũng gặp nhiều vất vả, ông có 3 người con thì 1 người con gái bị ảnh hưởng chất độc da cam. Vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế eo hẹp nên vợ chồng ông chưa có điều kiện để xây sửa nơi ăn chốn ở cho chắc chắn. Biết rõ hoàn cảnh của gia đình ông, Ban CHQS huyện Vụ Bản đã giúp ông làm các thủ tục và đề xuất với Bộ CHQS tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ gia đình ông xây dựng ngôi Nhà Tình nghĩa. Đầu tháng 10-2014, ngôi nhà được khởi công xây dựng và sau 2 tháng triển khai, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12, ngôi nhà mái bằng khang trang, diện tích 40m2 đã được hình thành trên nền đất cũ của gia đình, với tổng số tiền 110 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ trích từ Quỹ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh là 70 triệu đồng, số tiền còn lại do anh em trong gia đình giúp đỡ. Ông Sơn xúc động chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm của cơ quan quân sự huyện Vụ Bản, cơ quan quân sự tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương mà niềm mong mỏi bấy lâu của gia đình tôi đã thành hiện thực, giờ đây vợ chồng tôi đã yên tâm an hưởng tuổi già, sum vầy bên cháu con trong ngôi nhà ấm cúng, khang trang”.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện Vụ Bản trao tặng Nhà Tình nghĩa cho bà Trần Thị Là, vợ liệt sĩ, ở xã Đại Thắng (Vụ Bản).
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện Vụ Bản trao tặng Nhà Tình nghĩa cho bà Trần Thị Là, vợ liệt sĩ, ở xã Đại Thắng (Vụ Bản).

Chia sẻ, giúp đỡ, tri ân gia đình chính sách và những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, những nghĩa cử cao đẹp đó từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh. Không chỉ giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn xây dựng Nhà Tình nghĩa, mà LLVT tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời các chế độ cho các đối tượng chính sách, đồng thời cùng với ngành LĐ-TB và XH, chính quyền các địa phương tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh như: tham mưu, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND, đề nghị cấp trên trao tặng  huân, huy chương cho các trường hợp có công; xét duyệt hồ sơ giám định thương tật, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho các đối tượng; xác nhận, giải quyết quyền lợi cho thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, tử sĩ diện mất tin, mất tích và tổ chức đón hài cốt liệt sĩ đưa về quê hương. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh còn chủ động, tích cực tham gia các chương trình, hoạt động do Nhà nước, Bộ Quốc phòng và địa phương phát động về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đồng thời tổ chức phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” rộng khắp trong toàn lực lượng thông qua các phong trào, các hoạt động ý nghĩa và thiết thực như: nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, đóng góp quỹ “Ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam”, xây dựng “Nhà đồng đội”, thực hiện mua thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan tại ngũ, tham gia đóng góp giúp các đối tượng chính sách và quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang công tác tại LLVT tỉnh cải thiện đời sống… Từ năm 2014 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận và hoàn chỉnh 482 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh và 10 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã được cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hằng tháng cho 113 trường hợp; cung cấp thông tin liệt sĩ cho 348 lượt thân nhân của các liệt sĩ; xét duyệt, đề nghị truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 8 tập thể và 2 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến; đề nghị Quân khu xét duyệt trên 11 nghìn hồ sơ và tổ chức chi trả cho trên 10 nghìn đối tượng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc với tổng số tiền gần 42 tỷ đồng; tổ chức chi trả cho 249 trường hợp còn tồn sót theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương với số tiền trên 1,3 tỷ đồng; xây dựng 10 “Nhà Tình nghĩa” tặng thương, bệnh binh nặng và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 2 “Nhà đồng đội”…

Những việc làm thiết thực, tình nghĩa của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trong những năm qua thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân của những người lính hôm nay đối với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Bài và ảnh: Thu Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com