Tăng cường các biện pháp giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt không an toàn

08:04, 28/04/2015

Dạo một vòng quanh các chợ lớn trên địa bàn Thành phố Nam Định, sẽ dễ dàng nhận thấy tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Tại chợ Phụ Long, trong tổng số hơn 200 quầy bán thực phẩm thì có 146 quầy bán thực phẩm kinh doanh rau tươi, hoa quả, còn lại là các quầy kinh doanh thịt, cá... Điều đáng quan tâm là, rác thải xả bừa bãi ở trong chợ. Tại khu vực bán hải sản tươi sống, các hàng rau, thịt, đồ tươi sống... được bố trí khá lộn xộn, có quầy còn bày ngay sát mặt đất, nước chảy lênh láng. Chợ Mỹ Tho có tổng số 310 hộ kinh doanh, trong đó 76 hộ kinh doanh hoa quả, rau tươi, 20 hộ kinh doanh thịt, cá tươi sống, cá khô. Việc quy hoạch các khu vực bán hàng trong chợ, đặc biệt là việc sắp xếp, quy hoạch các quầy kinh doanh mặt hàng rau quả, đồ tươi sống được thực hiện khá quy củ. Tuy nhiên công tác VSATTP vẫn còn nhiều điều đáng bàn bởi các hộ kinh doanh rau, thịt, đồ tươi sống, thực phẩm bày bán ngay sát nền đất, đồ sống cạnh khu vực thức ăn chín. Tại một số chợ nông thôn như Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), khu vực bán cá, nước chảy lênh láng; quầy bán thịt lợn, đồ tươi sống, quầy bán gia cầm ở ngay cạnh những vũng nước đọng không chỉ mất ATTP mà còn làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.

Rau, thịt là thực phẩm “chủ lực” và phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Tuy nhiên thực phẩm rau, thịt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao nếu như sản phẩm này lưu thông trong các chợ chưa đảm bảo ATTP. Ngoài ra các sản phẩm rau thịt còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cấp tính và mãn tính như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nitrat trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh trên rau, thịt… Sản phẩm rau, thịt không đảm bảo ATTP có thể dẫn đến NĐTP, gây ra các bệnh đường ruột, các bệnh mãn tính, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2014, toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 9.502 cơ sở, phát hiện vi phạm 2.526 cơ sở, xử phạt hành chính 66 cơ sở với số tiền phạt trên 225 triệu đồng; trong đó tuyến tỉnh xử lý 44 cơ sở, phạt tiền trên 174 triệu đồng, tuyến huyện và xã xử lý 22 cơ sở, phạt tiền gần 51 triệu đồng. Ngoài hình thức phạt tiền, một số cơ sở còn bị đóng cửa, thực phẩm không đảm bảo an toàn bị tiêu hủy. Kết quả giám sát mối nguy năm 2014 đã phát hiện 15,6% mẫu sản phẩm thực phẩm nguy cơ mất ATTP, trong đó phát hiện sử dụng hàn the trong giò chả, thịt quay... Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2015, toàn tỉnh đã thành lập 232 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó tuyến tỉnh có 3 đoàn liên ngành, 1 đoàn chuyên ngành; tuyến huyện có 10 đoàn liên ngành, tuyến cơ sở (xã, phường, thị trấn) có 218 đoàn. Các đoàn liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.465 cơ sở trong tổng số 10.118 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 2.877 cơ sở đạt tiêu chuẩn, chiếm 83% so với số cơ sở được thanh tra, kiểm tra; 588 cơ sở vi phạm, trong số đó có 303 cơ sở vi phạm bị xử lý.

Chế biến thức ăn tại bếp ăn tập thể Cty TNHH Dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh, Vụ Bản).
Chế biến thức ăn tại bếp ăn tập thể Cty TNHH Dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh, Vụ Bản).

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP tổ chức triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2015 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã phát động triển khai Tháng hành động vì ATTP từ 15-4 đến 15-5-2015 với mục tiêu: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hằng ngày; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối; Giảm thiểu NĐTP từ rau, thịt mất ATTP. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm rau, thịt an toàn; nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn sản xuất rau, thịt, quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm rau do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu NĐTP từ rau, thịt. Việc tuyên truyền tập trung vào các nhóm đối tượng như: người sản xuất, kinh doanh rau, thịt; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; nhà lãnh đạo, nhà quản lý, chính quyền các cấp; người tiêu dùng thực phẩm. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng thực phẩm, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong ATTP, đặc biệt là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm rau, thịt; hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt an toàn; tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt không đảm bảo ATTP; không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm rau, thịt không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng; khai báo khi bị NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Cùng với công tác truyền thông, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thịt, sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng, thức ăn chăn nuôi; các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở tiêu dùng rau, thịt như: khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể… thuộc địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Hải Hậu, Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản. Ngoài 3 đoàn liên ngành của tỉnh, các sở: Y tế, Công thương, NN và PTNT tùy theo tình hình thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo lĩnh vực được phân công. Riêng ngành NN và PTNT, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý sản phẩm thực phẩm rau, thịt ngoài việc tham gia thanh tra, kiểm tra liên ngành, cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất lĩnh vực được phân công quản lý. Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch hành động số 29/2015/KH-UBND của UBND tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành NN và PTNT tỉnh đang tập trung quản lý đồng bộ các khâu sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất bảo quản nông sản thực phẩm, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi, thủy sản. Quản lý chất lượng an toàn các loại rau, củ, quả, an toàn trong giết mổ vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm; Rà soát điều chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn phù hợp điều kiện kinh tế từng địa phương theo đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2014-2020 để phát triển bền vững. Lựa chọn xây dựng thí điểm 3 mô hình quản lý ATTP theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm rau, thịt, thủy sản nuôi để rút kinh nghiệm nhân rộng trong các năm sau…

Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, Tháng hành động vì ATTP năm 2015 sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân nói chung, các ngành chức năng nói riêng trong việc giảm thiểu tình trạng NĐTP về rau, thịt không an toàn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com