Tiếp bước thế hệ cha anh

10:04, 28/04/2015

Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp gặp 3 thanh niên, đảng viên trẻ tiêu biểu, đại diện cho trên 400 nghìn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Họ là những gương mặt trẻ xuất sắc vừa được vinh danh “Đảng viên trẻ tiêu biểu” trong Tháng Thanh niên 2015. Mỗi người một công việc ở các lĩnh vực khác nhau nhưng đều mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần xung kích của tuổi trẻ; tự khẳng định mình, để viết tiếp những trang vàng truyền thống của thế hệ cha anh đi trước.

Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Tuyên (áo xanh) thôn Nguyễn Huệ, xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc giới thiệu thành quả làm đường, kè ao của nhân dân trong thôn .
Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Tuyên (áo xanh) thôn Nguyễn Huệ, xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc giới thiệu thành quả làm đường, kè ao của nhân dân trong thôn .

Trục đường chính dẫn vào thôn Nguyễn Huệ, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) dài 1.326m, bây giờ rộng, đẹp khang trang hơn nhiều so với trước đây. Không còn tình trạng ổ voi, ổ gà nham nhở, đọng nước khi mưa gió. Ban đêm, hệ thống đèn điện chiếu sáng mọi con ngõ thuận tiện cho người dân đi lại. Con đường mới này mang nhiều “dấu ấn cá nhân” của Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Huệ, anh Nguyễn Văn Tuyên. Để làm “thay da đổi thịt” con đường, anh Tuyên đã bỏ nhiều công sức thuyết phục nhân dân trong thôn cùng chung tay làm đường. Họp dân, lấy ý kiến bà con, thành lập tiểu ban kiến thiết, khảo sát, lên kế hoạch đề án chi tiết, giải tỏa cây cối, kêu gọi các nguồn đóng góp…, công việc nào anh cũng sát sao vào cuộc. Anh Tuyên chia sẻ: “Không phải hộ gia đình nào cũng hiểu và ủng hộ ngay, vì vậy tôi phải kiên trì thuyết phục, giải thích để họ hiểu và đồng lòng thực hiện. Những nơi nào thuận chúng tôi làm trước để khích lệ những hộ gia đình còn chần chừ, chưa đồng ý”. Mưa dầm thấm lâu, toàn bộ nhân dân trong thôn đã hoàn toàn ủng hộ đề án làm đường, đóng góp kinh phí để làm đường mới của anh Tuyên. Không những chỉ làm đường, anh Tuyên còn động viên, kêu gọi các hộ gia đình thôn Nguyễn Huệ kè, cải tạo những bờ ao bị sạt lở tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), anh Tuyên đã tích cực tuyên truyền để bà con trong thôn hiểu được lợi ích thiết thực của công tác DĐĐT, từ đó việc DĐĐT của thôn diễn ra nhanh chóng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố anh  từng là một người lính chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Nguyễn Văn Tuyên cũng có thời gian tham gia rèn luyện trong quân ngũ 2 năm. Trở về địa phương, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, được kết nạp Đảng từ năm 2006 rồi được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Tuyên xứng đáng là một trong những đảng viên trẻ tiêu biểu được vinh danh.

Thuộc thế hệ 8X, tuổi đời còn khá trẻ nhưng Trần Tuyết Vân, cán bộ Đội quản giáo, Trại tạm giam Công an tỉnh trông rất chững chạc. Có lẽ nghề nghiệp đã tạo cho Vân một phong thái như vậy. Tốt nghiệp THPT năm 2002, Vân thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội, Nhân văn khoa Tâm lý học. Ra trường năm 2006, Vân có thời gian 3 năm làm công tác trị liệu tâm lý trẻ em tại Hà Nội. Năm 2010 Vân về nhận nhiệm vụ quản giáo tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định đóng trên địa bàn xã Đại An (Vụ Bản). Đây là môi trường hoàn toàn mới và nhiều thử thách với cô gái trẻ. Được phân công nhiệm vụ quản giáo phạm nhân nữ, những ngày đầu chập chững vào nghề, Vân cảm thấy rất khó khăn. Từ cách sinh hoạt, đến môi trường làm việc phải tiếp xúc hằng ngày với phạm nhân. Chưa kể đến, công việc mới cũng tương đối “nhạy cảm”, nếu không giữ vững bản lĩnh rất có thể bị mua chuộc. Tuy nhiên, vốn con nhà “nòi”, bố của Vân là cựu cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh, Vân nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Trường hợp bị án Phạm Thị Ngoan, xã Giao Tiến (Giao Thủy) bị bắt vì tội buôn bán hê-rô-in làm nữ quản giáo trẻ rất “ấn tượng”. Vào trại từ năm 2012, bị án Ngoan tỏ ra bất cần, hung hăng và thường xuyên có những hành vi không chấp hành nội quy, quy chế của trại. Vân kể: “Mặc dù biết bị án bị HIV giai đoạn cuối nhưng những khi ốm đau, tôi vẫn trực tiếp chăm sóc, động viên”. Cảm động trước sự tận tình của Vân, bị án Ngoan đã có ý thức cải tạo tốt hơn. Không chỉ là một cán bộ quản giáo tận tâm, Vân còn giỏi nghiệp vụ. Năm 2013, Trần Tuyết Vân đạt giải nhất Hội thi quản giáo giỏi do Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức. Năm 2015, Vân là 1 trong 10 phụ nữ được vinh danh Phụ nữ Công an tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Nghệ sĩ Thanh Lan, Nhà Văn hóa 3-2 (ảnh trái); Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Tuyên (áo xanh) thôn Nguyễn Huệ, xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc giới thiệu thành quả làm đường, kè ao của nhân dân trong thôn (ảnh phải).
Nghệ sĩ Thanh Lan, Nhà Văn hóa 3-2.

Thanh Lan là nghệ danh của ca sĩ Nguyễn Thị Lan. Nhắc đến chị, nhiều người nhớ ngay đến giọng hát mượt mà, đằm thắm, có thể hát được mọi dòng nhạc, từ nhạc “đỏ”, nhạc nhẹ, dân ca cho đến chầu văn. Và cũng không hiếm khi, người xem bắt gặp chị trên sân khấu kịch nói, hài kịch… Được đánh giá là đa tài, từ hồi còn là học sinh THPT, Lan đã nổi tiếng ở nhiều hội diễn văn nghệ của trường rồi được phát hiện và được tuyển thẳng vào Đoàn ca múa Nam Hà. Năm 1998, chị được cử đi học lớp Cao đẳng thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia. Tốt nghiệp năm 2000, một năm sau chị chuyển công tác về Đoàn ca múa nhạc Nam Định, sau đó Đoàn sáp nhập vào NVH 3-2. Trong nghiệp diễn của mình, chị Lan cùng với đồng nghiệp đã giành được rất nhiều HCV tại các hội diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng. Năm 2003, đảm nhận vai nữ chính trong vở kịch “Tử thần trắng”, chị vinh dự nhận HCV đầu tiên trong nghiệp diễn tại Hội diễn duyên hải miền Trung. Cùng với các đồng nghiệp trong NVH, chị đóng góp công sức “gặt” về nhiều giải vàng khác. Năm 2010, tiết mục “Cô đôi Thượng Ngàn” có chị tham gia diễn xuất giành thêm giải vàng từ Liên hoan hát Văn khu vực sông Hồng. Năm 2013 là một dấu ấn khó quên của ca sĩ Thanh Lan qua ca khúc “Tình đất” với chất giọng ngọt ngào, chị một lần nữa giành HCV tại Hội diễn khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng. Chị Lan chia sẻ: “Niềm vui của một nghệ sĩ là được thể hiện mình ở nhiều dạng vai diễn khác nhau, lĩnh vực khác nhau. Tôi luôn cố gắng để có thể làm tốt mọi nhiệm vụ được giao. Muốn được như vậy, phải không ngừng học hỏi. Quan trọng hơn là một khát khao làm mới mình, được thử nghiệm và sáng tạo”.

Không ngừng học hỏi, cố gắng trên mọi lĩnh vực, dù công việc bận rộn, năm 2010 chị Lan vẫn quyết tâm hoàn thành chương trình học Quản lý văn hóa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Bên cạnh công việc biểu diễn, chị còn miệt mài đến với những thôn, xóm, trường học trong tỉnh để gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Trên lĩnh vực nào chị đều cố gắng làm “tròn vai” của mình. Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Dư, Giám đốc NVH 3-2 cho biết: “Thanh Lan là nghệ sĩ đa tài, một người có tâm với nghề. Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy từ chối một nhiệm vụ nào dù khó khăn hay vất vả. Đấy là một trong số ít những ca sĩ trong tỉnh hiện nay khẳng định được dấu ấn của mình trên con đường nghệ thuật”.

Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, hy vọng rằng, những gương đảng viên trẻ tiêu biểu chúng tôi đã gặp sẽ tiếp sức cho những người trẻ khác trên con đường khẳng định chính mình, xứng đáng với truyền thống của thế hệ cha anh./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com