Hải Toàn mở rộng diện tích trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO

09:03, 09/03/2015

Xã Hải Toàn (Hải Hậu) là vùng quê thuần nông với diện tích tự nhiên 500,68ha, diện tích canh tác 325,8ha, trong đó chủ yếu là diện tích trồng lúa, riêng diện tích trồng cây dược liệu là 18,5ha. Là địa phương có truyền thống trồng dược liệu từ lâu đời, trên địa bàn xã có khoảng 19 loại cây dược liệu. Trước năm 2009 cây dược liệu trồng phân tán, diện tích nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự đầu tư thâm canh nên năng suất và chất lượng dược liệu chưa cao, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu để sinh hoạt gia đình, một lượng nhỏ để bán cho các nhà thuốc đông y trên địa bàn với giá thành thấp.

Tham quan mô hình trồng cây đinh lăng làm dược liệu tại xã Hải Toàn.
Tham quan mô hình trồng cây đinh lăng làm dược liệu tại xã Hải Toàn.

Thực hiện đề án của xã về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, được sự chỉ đạo của UBND huyện, sự giúp đỡ của Tổ chức Helvetas, Cty CP Traphaco, từ năm 2010 đến nay, phong trào trồng cây dược liệu trên địa bàn xã Hải Toàn tiếp tục phát triển. Thực hiện Đề án xây dựng NTM của xã, đất canh tác của xã được quy hoạch thành từng vùng sản xuất chuyên canh, trong đó có vùng sản xuất cây dược liệu. Đặc biệt xã được Cty CP Traphaco và một số tư nhân Trung Quốc về ký hợp đồng thu mua cây dược liệu, giá thu mua sản phẩm thô năm 2011-2012 là 22-23 nghìn đồng/kg cây đinh lăng tươi, 90 nghìn đồng/kg hoa hòe khô. Từ năm 2013, vùng sản xuất cây đinh lăng xóm 12 xã Hải Toàn được Tổ chức Helvetas, Cty CP Traphaco, UBND huyện chọn xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu sạch theo hướng dẫn Thực hành tốt trồng và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Theo đó, tổ hợp tác trồng và chế biến dược liệu Hải Toàn được thành lập với 28 hộ xã viên tham gia, với diện tích sản xuất 5ha. Tham gia tổ hợp tác trồng và chế biến dược liệu, người dân được tập huấn kỹ thuật, thực hành chăm sóc và thu hoạch. Toàn bộ các khâu từ tuyển chọn giống, đất trồng, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, công tác tưới tiêu, chăm sóc, thu hái, vận chuyển, sơ chế và nhân sự đều thực hiện chuẩn mực và có sự giám sát chặt chẽ của Tổ chức Helvetas và Cty CP Traphaco. Tổ chức Helvetas cũng đầu tư xây dựng cho xã một lò sấy hơi trị giá 93 triệu đồng với công suất 2 tấn/ngày. Với việc thực hiện trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO, năm 2014, cây đinh lăng tươi của xã Hải Toàn đã xuất bán 26.500 đồng/kg, sản phẩm sấy khô được Cty CP Traphaco thu mua giá 105 nghìn đồng/kg. Các loại sản phẩm dược liệu khác cũng đã được thương lái thu mua với giá khá cao như gừng tươi 15.000 đồng/kg, hoa hòe khô 110-115 nghìn đồng/kg… Năm 2014 tổng sản lượng cây dược liệu tại xã xuất bán 160 tấn, thu nhập 3,2 tỷ đồng. Thông qua mô hình sản xuất này, hiện tại phong trào trồng cây dược liệu ở xã Hải Toàn phát triển mạnh cả về diện tích, sản lượng và chất lượng, đặc biệt là phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa theo quy hoạch. Từ nay đến 2020, xã phấn đấu mở rộng diện tích vùng trồng dược liệu lên 21ha tại xóm 5, xóm 11 và xóm 12.

Việc mở rộng và phát triển diện tích trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xã Hải Toàn đã và đang tạo ra thay đổi trong nhận thức của người dân địa phương về sản xuất dược liệu an toàn, chất lượng cao đi đôi với việc áp dụng các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào trồng trọt, thu hái, sơ chế và bảo quản; trong đó chú trọng khai thác hiệu quả mọi điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, con người, nguồn vốn để phát triển sản xuất dược liệu chất lượng cao theo hướng chuyên canh, ổn định, lâu dài. Bên cạnh đó, việc phát triển vùng trồng dược liệu cũng gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng hệ thống liên kết và tiêu thụ ổn định, bền vững theo hướng: Hộ nông dân (trong mô hình GACP-WHO) - sơ chế - Cty dược liệu. Theo “kênh” này, các hộ trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO được Cty thu mua toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng tiêu thụ. Sản phẩm được bán trực tiếp cho hộ sơ chế tại địa phương, sau đó được phân loại và sơ chế (sấy khô) rồi đóng bao và cung cấp cho Cty với chất lượng được đảm bảo.

Để thúc đẩy việc mở rộng và duy trì bền vững mô hình trồng dược liệu sạch theo Tiêu chuẩn GACP-WHO, thời gian tới, Cty CP Traphaco và các Cty sản xuất dược trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục ký hợp đồng và liên kết sản xuất với các hộ trồng dược liệu trong xã để thúc đẩy mô hình sản xuất này phát triển. Hiện nay trên địa bàn xã Hải Toàn mới chỉ sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng với diện tích 5ha với Cty CP Traphaco, còn 13,5ha tiêu thụ qua các thương lái khác. Các doanh nghiệp thu mua cây dược liệu cần gắn kết đầu tư chiều sâu để xã mở rộng diện tích trồng dược liệu sạch./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com