Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp

09:03, 09/03/2015

Thời gian qua, MTTQ các cấp đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong đó, công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp và các đoàn thể đã góp phần khắc phục các hạn chế, khó khăn thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước và việc chấp hành pháp luật ở các địa phương.

Cán bộ Ủy ban MTTQ tỉnh họp, bàn các biện pháp triển khai công tác giám sát.
Cán bộ Ủy ban MTTQ tỉnh họp, bàn các biện pháp triển khai công tác giám sát.

Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định 217/QĐ-TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia công tác giám sát như: LĐLĐ tỉnh giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật BHXH và quy chế dân chủ cơ sở tại 8 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đã đảm bảo việc làm ổn định cho 4.110 lao động, thực hiện tốt các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH, việc ký kết hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động cơ bản đảm bảo theo quy định, các doanh nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ... Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức giám sát tại 10 huyện, thành phố về việc thực hiện chính sách BHXH đối với cán bộ nữ chuyên trách cấp cơ sở, đồng thời tiến hành rà soát những cán bộ Hội không đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 để tham mưu với tỉnh có chế độ, chính sách phù hợp. Đặc biệt, MTTQ các cấp đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tỉnh triển khai việc tổng rà soát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Đến nay, đã có 229/229 xã, phường, thị trấn rà soát xong và tổng hợp chỉ đạo ngành chức năng tiến hành thanh tra, phúc tra một số đối tượng có đơn thư khiếu nại, tố cáo. MTTQ tỉnh cũng đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức giám sát thực hiện Luật HTX năm 2012 trên địa bàn tỉnh với các nội dung: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Liên minh HTX tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với hoạt động của HTX; khảo sát việc chuyển đổi HTX hoạt động theo Luật năm 2012; thu thập những đề xuất, kiến nghị của các HTX, tổng hợp báo cáo các ngành có liên quan nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập 3 đoàn khảo sát tiến hành khảo sát 5 HTX gồm: HTX Vận tải Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), HTX Nông nghiệp Hải Phú (Hải Hậu), HTX Hồng Phong (Giao Thủy), HTX Cơ khí, mộc Sơn Lâm, HTX Nước sạch, vệ sinh môi trường Sông Đào (Nam Trực). Qua công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các HTX cho thấy hoạt động của các HTX trên lĩnh vực phi nông nghiệp đều hoạt động ổn định, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên trong HTX với doanh thu ổn định, tổ chức bộ máy và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX cơ bản đảm bảo theo đúng quy định của Luật HTX năm 2003, đảm bảo và hoàn thành tốt các nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước, chăm lo đến quyền lợi người lao động và thành viên HTX, thu nhập của đội ngũ cán bộ, ban quản lý, xã viên trung bình từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng… Đối với kết quả hoạt động giám sát của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đảm bảo theo đúng quy định của Luật HTX năm 2003, các HTX đã tổ chức tốt một số dịch vụ cho bà con xã viên như: bơm, tưới tiêu, cung cấp vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất… Tuy nhiên, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, về cách thức sử dụng hoạt động, năng lực quản lý, tiếp cận thị trường, lương của đội ngũ cán bộ quản lý và thu nhập hằng năm của bà con xã viên rất thấp… Trong công tác giám sát việc cấp và sử dụng kinh phí của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, kinh phí đảm bảo cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn hoạt động, chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn, xóm. Ủy ban MTTQ tỉnh đã lựa chọn 12 xã, 1 phường, 7 huyện và Thành phố Nam Định để tổ chức giám sát. Kết quả cho thấy, việc kinh phí cấp cho Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư để triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo tinh thần Nghị quyết 145/2010/NQ-HĐND ngày 10-12-2010 của HĐND tỉnh năm 2013 có 2.605 Ban công tác Mặt trận được cấp đủ kinh phí, 892 Ban công tác Mặt trận chưa được cấp đủ kinh phí, năm 2014 có 2.993 Ban công tác Mặt trận được cấp đủ kinh phí, 504 Ban công tác Mặt trận chưa được cấp đủ kinh phí.

Nhận thức công tác giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đối với nhân dân, với Đảng. Thông qua công tác giám sát đã giúp các cơ quan Nhà nước thấy được những khó khăn, hạn chế, từ đó đề ra các biện pháp giải quyết, khắc phục. Vì vậy thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục triển khai nhiều hoạt động giám sát cụ thể, thiết thực hơn nữa, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com