Vụ Bản khai thác tiềm năng du lịch

09:03, 09/03/2015

Là vùng đất “Thiên Bản lục kỳ”, huyện Vụ Bản có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái, làng nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hoa trượng hội tại Phủ Tiên Hương trong Lễ hội Phủ Dầy.  Bài và ảnh: Đức Thiện
Hoa trượng hội tại Phủ Tiên Hương trong Lễ hội Phủ Dầy.

Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hoá, trong đó tiêu biểu là Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy (xã Kim Thái) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh gồm các đền, chùa, lăng, phủ trải rộng khắp diện tích gần 10km2, trong đó có 3 di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu đã được cấp Bằng Di tích lịch sử - văn hóa. Ngoài Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy, trên địa bàn huyện còn có các điểm di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng như đền Giáp Nhất (xã Quang Trung), đền Đông (xã Thành Lợi), đền - chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào), đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng). Các điểm di tích thờ các danh nhân văn hoá như Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo), các nhà lưu niệm của nhạc sĩ Văn Cao (xã Liên Minh), nhà thơ Nguyễn Bính (xã Cộng Hoà), nhà sử học Trần Huy Liệu (xã Kim Thái)… cũng là điểm đến của nhiều người. Ngoài du lịch văn hoá, tâm linh, huyện còn có Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm nằm trên địa bàn 2 xã Minh Tân, Kim Thái với cảnh quan độc đáo mang vẻ đẹp nguyên sinh; có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề với làng nghề mây tre đan Vĩnh Hào, làng nghề sơn mài Liên Minh... Để phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch đều thành lập Ban quản lý điều hành công việc, thường xuyên báo cáo các hoạt động với lực lượng chức năng. Công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh lễ hội, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di sản các lễ hội, di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, ATVSTP ở các lễ hội được các khu, điểm du lịch bảo đảm. Để làm tốt công tác quản lý 2 lễ hội lớn trong năm là Chợ Viềng Xuân và Lễ hội Phủ Dầy, huyện đã thành lập Ban tổ chức gồm các ngành chức năng, nhà đền, xây dựng kế hoạch thực hiện đúng các quy định về tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Ngoài việc khôi phục các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, thi hát chầu văn, biểu diễn văn nghệ…, Ban quản lý các di tích, các nhà đền còn tập trung khôi phục các môn thể thao truyền thống như chơi cờ người, đấu vật, kéo chữ (Hoa trượng hội) ở Phủ Vân Cát, Phủ Tiên Hương… để thu hút khách du lịch. Để lễ hội Phủ Dầy xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày 6-1-2015, UBND huyện Vụ Bản đã có Quyết định 06/2015/QĐ-UBND ban hành “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy” nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hoá trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hoá di tích; đảm bảo ổn định xã hội, phục vụ trực tiếp đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Quy chế đã nhận được sự đồng thuận lớn của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong công tác quản lý lễ hội. Với những cố gắng trong công tác quản lý, tổ chức, hoạt động du lịch ở huyện Vụ Bản, nhất là du lịch văn hoá, tâm linh có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tổ chức các lễ hội bảo đảm đúng quy định của Bộ VH, TT và DL và của UBND tỉnh. Cơ sở vật chất được tăng cường, một số di tích được trùng tu, tôn tạo. Đa số các thủ nhang, người trông coi di tích có tâm huyết, hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và quy định của địa phương. Chợ Viềng Xuân năm 2015 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức lễ hội. Các trò chơi cờ bạc trá hình, giả nhà tu hành, nạn hành khất xin tiền du khách hầu như không còn… đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, số lượng du khách tham dự lễ hội và tham quan du lịch năm sau cao hơn năm trước. Chợ Viềng Xuân Vụ Bản diễn ra vào tối mùng 7, rạng mùng 8 tháng Giêng thu hút 3-4 vạn người/ngày; Lễ hội Phủ Dầy mỗi năm thu hút khoảng gần 1,5 triệu lượt khách về du xuân, tham quan, lễ Mẫu thỏa nguyện tâm linh, đồng thời thưởng ngoạn quần thể kiến trúc truyền thống đền, chùa, lăng, phủ độc đáo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của huyện còn nhiều khó khăn. Hoạt động du lịch mới chỉ phát triển qua chợ Viềng Xuân, Lễ hội Phủ Dầy, còn ở các di tích, các điểm du lịch làng nghề, quê hương các danh nhân chưa được chú trọng phát triển. Cơ sở vật chất du lịch còn hạn chế. Hiện tại, toàn huyện chỉ có 12 nhà nghỉ lớn, trong đó có Khách sạn Hồi An đạt tiêu chuẩn 2 sao, hơn 20 nhà nghỉ nhỏ lẻ; Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm có khoảng 30 phòng nghỉ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách, nhất là vào thời cao điểm lễ hội Phủ Dầy. Đội ngũ nhân viên làm du lịch trình độ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Số lượng người dân tham gia hoạt động du lịch còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Để tiềm năng du lịch của huyện phát triển mạnh mẽ, thời gian tới huyện cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, huy động sự tham gia của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân vào cuộc; tăng cường công tác xã hội hoá du lịch để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng du lịch, các ngành chức năng của huyện cần tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên làm du lịch, nâng cao nhận thức cho những người dân làm du lịch có ý thức bảo đảm cảnh quan, môi trường sạch, đẹp. Đẩy mạnh việc phối hợp các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách về tham quan các điểm du lịch; tổ chức liên kết các điểm du lịch trong, ngoài huyện, tạo nên các tour du lịch hấp dẫn thu hút du khách..., đưa du lịch của huyện phát triển./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com