Nam Trực khai thác tiềm năng du lịch

08:06, 11/06/2013

Trên địa bàn huyện Nam Trực còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng với hàng trăm di tích giàu giá trị lịch sử, văn hoá, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh. Gắn liền với các di tích là hàng trăm lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức hằng năm, tiêu biểu như lễ hội đền Xám (xã Hồng Quang), lễ hội làng Vân Chàng, Đồng Côi, chùa Bi (Thị trấn Nam Giang), lễ hội đền Din (xã Nam Dương), lễ hội làng Thanh Khê gắn với Thanh Am Động (xã Nam Cường)… Các lễ hội đều mang bản sắc văn hoá độc đáo. Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng thể hiện tri ân công đức của những nhân vật được thờ tại các di tích, phần hội ngày càng được chú trọng khôi phục, phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống như bơi chải, đấu vật, thi đấu cờ người, leo cầu ngô, bắt vịt, múa rối đầu gỗ… có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, lễ hội chợ Viềng xuân Nam Giang được tổ chức vào dịp đầu xuân mới trong 2 ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng bày bán đa dạng các loại hàng hóa đặc trưng của vùng miền như hàng nông cụ, đồ dùng sinh hoạt, cây cảnh… Bên cạnh đó, Nam Trực còn có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái, tiêu biểu là các làng hoa, cây cảnh ở các xã Điền Xá, Nam Toàn, Nam Thắng, Nam Mỹ…, trong đó, làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá đã nổi tiếng khắp cả nước. Giai đoạn 2008-2012, làng hoa, cây cảnh Vị Khê thu khoảng 200 tỷ đồng từ cây cảnh, nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Hằng năm, từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng, xã Điền Xá lại tổ chức lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê thu hút nhiều du khách trong nước, đồng thời mở ra cơ hội giao thương cây cảnh với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Chợ Viềng xuân Thị trấn Nam Giang - một địa chỉ lễ hội thu hút nhiều du khách.
Chợ Viềng xuân Thị trấn Nam Giang - một địa chỉ lễ hội thu hút nhiều du khách.

Với những thế mạnh về giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và độc đáo, những năm qua, huyện đã tích cực khai thác, phát huy tiềm năng du lịch. Thực hiện chỉ đạo của huyện, nhiều xã, thị trấn đã tranh thủ sự ủng hộ các cấp, các ngành, huy động các nguồn lực xã hội nhằm trùng tu, tôn tạo các điểm di tích văn hóa, lịch sử. Từ năm 2012 đến nay, các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện đã được Bộ VH, TT và DL, UBND tỉnh cấp hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Tiêu biểu như các dự án: trùng tu, tôn tạo chùa Bi giai đoạn I và II với tổng kinh phí 8 tỷ đồng; trùng tu đền Din (xã Nam Dương) trên 2 tỷ đồng; trùng tu, tôn tạo đền Thượng Lao, đền Xối Thượng (xã Nam Thanh) kinh phí 150 triệu đồng, Thanh Am Động (xã Nam Cường) 50 triệu đồng… Các địa phương trong huyện cũng huy động các nguồn lực xã hội trùng tu, tôn tạo các công trình văn hóa, các di tích lịch sử như chùa Bái Hạ (xã Nghĩa An) 200 triệu đồng, chùa Nho Lâm (xã Bình Minh) khoảng 500 triệu đồng… Phương thức khai thác các sản phẩm du lịch cũng được nhiều địa phương thay đổi để nâng cao hiệu quả thu hút du khách. Lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê 2 năm gần đây được tổ chức dài ngày hơn, mời gọi nhiều đơn vị sinh vật cảnh các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng tham gia nhằm tạo sự phong phú trong sản phẩm trưng bày thu hút và lưu giữ khách, đồng thời kích thích nhu cầu trao đổi và tăng khả năng quảng bá sản phẩm. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch của huyện có gần 20 khách sạn, nhà nghỉ được đầu tư nâng cấp tiện nghi, hiện đại đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ ngày càng cao của du khách. Những chuyển biến tích cực trong tư duy kinh tế du lịch của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương đã đem lại hiệu quả tích cực. Năm 2012, doanh thu về dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện đạt hàng chục tỷ đồng, tăng mạnh hơn so với năm trước. Trong đó, lễ hội chùa Bi đạt 460 triệu đồng, lễ hội đền Thôn Tư đạt 350 triệu đồng, đền Thôn Ba đạt gần 100 triệu đồng, lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê đạt gần 1 tỷ đồng…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng VH-TT huyện, hiệu quả khai thác du lịch của huyện chưa tương xứng với tiềm năng. Để tạo hướng đột phá trong phát triển du lịch, Phòng VH-TT đang phối hợp với các cơ quan chức năng, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh (Sở VH, TT và DL) xây dựng chương trình phát triển du lịch. Trước mắt, một số lễ hội của xã có khả năng quảng bá cao sẽ do UBND huyện tổ chức như lễ hội truyền thống đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (xã Nam Thắng)…; tổ chức hội thảo khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện, xây dựng các tour du lịch đặc trưng, trong đó có tour du lịch đường sông thăm làng nghề cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá) - xem rối (xã Hồng Quang) - tham quan cầu Ngói, phủ Bà (xã Bình Minh) mới được Bộ VH, TT và DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia; xuất bản sách giới thiệu về tiềm năng du lịch huyện nhằm quảng bá, kêu gọi đầu tư tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh để du lịch huyện ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com