Tăng cường quản lý hoạt động vận tải khách đường bộ

08:06, 10/06/2013

Tỉnh ta có hoạt động vận tải khách bằng ô tô phát triển mạnh. Đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 55 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, có 33 đơn vị tham gia chở khách tuyến cố định ở 194 tuyến với tổng cộng 648 xe, 23.793 chỗ, thực hiện bình quân 482 vòng xe/ngày, tương đương 964 chuyến đi và đến bến/ngày; bình quân vận chuyển được 15,9 triệu lượt khách/năm. Để người dân được cung cấp dịch vụ đi lại bằng ô tô đạt chất lượng cao, an toàn, Sở GTVT đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý hoạt động vận tải hành khách như: Yêu cầu các đơn vị vận tải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Xây dựng thái độ phục vụ hành khách tận tình, hòa nhã, văn minh, lịch sự. Tăng cường quản lý về giá cước, nghiêm cấm các doanh nghiệp vận tải khách tự động tăng giá cước không đúng quy định, phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra giao thông, CSGT, cảnh sát trật tự… ngăn chặn tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, chở quá tải, chạy vòng vo bán khách, chèn ép khách, xếp hàng hóa trong khoang hành khách, vận chuyển các chất dễ cháy, nổ, chở hàng lậu, hàng cấm. Chủ động liên hệ với các bến xe trên địa bàn chuẩn bị lực lượng phương tiện và lái xe để giải tỏa khách trong các ngày cao điểm dịp nghỉ lễ, tết… Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố tăng cường chỉ đạo hoạt động vận tải khách; có kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các bến xe và các đơn vị tham gia vận tải khách trên địa bàn quản lý. Hằng năm, lực lượng Thanh tra giao thông đã chủ động chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải - phương tiện và người lái (Sở GTVT) và các phòng, ban, đơn vị có liên quan bố trí cán bộ trực thường xuyên tại các bến xe đầu mối quan trọng để kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về quản lý vận tải của bến xe và các lái xe, phương tiện hoạt động tại bến trước, trong và sau ngày nghỉ lễ; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, đảm bảo cho nhân dân đi lại được an toàn, nhanh chóng và thuận tiện.

Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là mục tiêu các doanh nghiệp vận tải luôn hướng tới.
Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là mục tiêu các doanh nghiệp vận tải luôn hướng tới.

Với việc tăng cường công tác quản lý, hoạt động vận tải hành khách ở tỉnh ta những năm gần đây có bước phát triển khá, bình quân tăng trưởng từ 8-10%/năm. Các đơn vị vận tải đã nỗ lực đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ chủ yếu là xe ô tô sản xuất dưới 10 năm; trong đó có 46,4% xe mới, xe tốt đưa vào sử dụng dưới 5 năm. Vận tải hành khách theo hợp đồng có 38 đơn vị với 147 xe; trong đó có 53,2% phương tiện mới đưa vào khai thác dưới 5 năm, 33,1% phương tiện đưa vào khai thác từ 6 đến 10 năm. Vận tải khách bằng taxi có 393 phương tiện, trong đó có 91,8% là ô tô sản xuất dưới 5 năm… Tiêu biểu như Cty CP 27-7 Hải Hậu, từ nhiều năm nay đã tăng cường quản lý lái, phụ xe, yêu cầu người lao động nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách. Cty đã đầu tư và thay thế 90% số lượng phương tiện bằng chủng loại xe mới, hiện đại, đạt độ an toàn cao; 42 lái xe và 36 nhân viên phục vụ của Cty đều có kinh nghiệm, bằng cấp, chứng chỉ đúng theo quy định của pháp luật. Hằng quý, Cty còn tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho lái, phụ xe, chấn chỉnh thái độ, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Ngoài ra, Cty sử dụng biện pháp khoán lương theo chất lượng phục vụ và khả năng thu hút, giữ khách, tạo động lực kích thích nhân viên từng xe chủ động nâng cao chất lượng phục vụ. Đối với các trường hợp lái xe vi phạm, Cty phê bình, kiểm điểm trước tập thể, phạt cảnh cáo những vi phạm nghiêm trọng. Chi nhánh Cty CP Quốc tế Mỹ Đình - Nam Định (Bến xe khách Đò Quan, phường Cửa Nam, TP Nam Định) đã thành lập một tổ giáo viên có trình độ chuyên môn cao tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ hành khách cho nhân viên 6 lượt/tháng, đồng thời lắp đặt "hộp đen" theo dõi hành trình phương tiện; thực hiện chở 1 người/ghế, nghiêm túc thực hiện đúng lộ trình, giờ giấc xuất bến đã đăng ký.

Tuy nhiên, hoạt động vận tải hành khách đường bộ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại bức xúc. Các doanh nghiệp vận tải ô tô ít quan tâm đầu tư phát triển bền vững. Trình độ quản lý của một số cán bộ điều hành doanh  nghiệp còn hạn chế... Nhằm khắc phục những tồn tại trong vận tải khách đường bộ, thời gian tới, Sở GTVT sẽ tập trung thực hiện Đề án "Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông" của Bộ GTVT; tiến tới có thể định kỳ đánh giá, công bố chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp vận tải ô tô khách; nghiên cứu, xây dựng bộ quy chuẩn chất lượng chấm điểm dịch vụ vận tải khách. Theo đó, sẽ có 5 loại “sao” với thang điểm cao nhất là 100 điểm, dựa trên năm tiêu chí cơ bản: chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ trên xe; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị vận tải, quyền lợi của hành khách. Bộ tiêu chí này sẽ được công bố công khai và sẽ có hội đồng chấm điểm sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký và doanh nghiệp được xếp hạng sẽ được cập nhật, công bố công khai để hành khách lựa chọn. Mục đích của việc đánh giá, gắn sao doanh nghiệp vận tải theo các tiêu chí trên nhằm sàng lọc, hạn chế doanh nghiệp vận tải yếu kém, đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp làm tốt. Việc phân loại này cũng là cơ sở để quy định doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trên các tuyến vận tải./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com