Tích cực phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em

07:06, 21/06/2012

Nhiều năm nay, tỉnh ta là một trong những địa phương “nóng” trên cả nước về tai nạn đuối nước ở trẻ em. Tuy số vụ việc trẻ bị tai nạn đuối nước năm sau có giảm so với năm trước, song vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 50%) trong số các tai nạn thương tích ở trẻ em và hầu hết các vụ đuối nước ở trẻ em đều dẫn đến tử vong.

Nghĩa Hưng khai giảng lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại bể bơi xã Nghĩa Phúc. Ảnh: Trần Văn Bảy (Đài PT huyện Nghĩa Hưng)
Nghĩa Hưng khai giảng lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại bể bơi xã Nghĩa Phúc. Ảnh: Trần Văn Bảy (Đài PT huyện Nghĩa Hưng)

Những năm qua, nhiều kênh mương trong tỉnh đã được kè bờ quy củ, vừa chống sạt lở, thẩm thấu, giữ nước, vừa góp phần làm đẹp cảnh quan nhưng một số mương máng sát đường đi, có độ dốc cao, nếu chẳng may ngã xuống với người không biết bơi sẽ rất nguy hiểm. Theo phản ánh của lãnh đạo xã Yên Bình (Ý Yên), 2km kênh đoạn đi qua địa bàn xã đã được kiên cố hóa song tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước vì mặt kè bằng với đường đi. Địa phương đã kiến nghị xây cơi thành kè cao hơn mép đường để phòng ngừa đuối nước song đến nay vẫn không thực hiện được. Vào mùa hè năm nay, đã xảy ra 1 vụ chết đuối trên đoạn kênh này. Ở nhiều vùng nông thôn, ao hồ liền kề đường đi nhưng việc rào che chắn bờ hầu như rất sơ sài, thậm chí không có, như ở nhiều xã của huyện Mỹ Lộc. Vào sâu trong các làng ở các xã Mỹ Hưng, Mỹ Trung, Mỹ Tiến…, nhiều đường dong chỉ rộng khoảng 1m lắt léo hình chữ chi, hai bên đường là các ao cá, bờ ao không được rào chắn, thậm chí mặt đường đổ bê tông, qua quá trình sử dụng do sụt lún mặt đường cong sống trâu, gồ ghề mấp mô rất nguy hiểm. Một nguyên nhân khác là tâm lý chủ quan của người lớn trong phòng tránh đuối nước cho trẻ. Nếu ở thành phố, nhiều gia đình đã quan tâm cho trẻ học bơi thì ở nông thôn việc học bơi của trẻ em hầu như tự phát. Điều nguy hiểm ở chỗ, các em chỉ biết kỹ thuật bơi cơ bản, nhưng không biết các kỹ năng xử lý các tình huống rủi ro khi ở dưới nước như bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, hay cách sơ cứu người bị sặc nước… Nhiều trường hợp trẻ biết bơi vẫn chết đuối, nhất là tình trạng các em bị cuống khi có dấu hiệu nguy hiểm và phản ứng tự phát níu vào nhau hoặc cứu người bị đuối nước không đúng cách. Việc cho trẻ học bơi, người lớn cũng nhận thức không giống nhau. Đa số các bậc phụ huynh muốn cho con học bơi nhưng có nhiều người lại lo lắng khi con biết bơi, sẽ theo các bạn đi tắm sông mà người lớn không thể quản lý, kiểm soát sẽ rất nguy hiểm. Trong khi đó, các bể bơi có đầy đủ các điều kiện an toàn đáp ứng nhu cầu bơi lội của trẻ em trong mùa hè ở tỉnh ta rất ít. Ở Thành phố Nam Định hiện có 3 bể bơi: Trần Khánh Dư, Thắng Lợi, Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố. Riêng huyện Nghĩa Hưng có hai bể bơi ở trung tâm huyện và một bể mới khánh thành ở xã Nghĩa Phú. Vào mùa hè các bể bơi trên địa bàn thành phố luôn trong tình trạng quá tải. Tại bể bơi Nhà văn hóa thiếu nhi, liên tục mở các lớp dạy bơi cho trẻ em. Thời gian qua, ngành TDTT và ngành giáo dục đã phối hợp tổ chức một số chương trình dạy bơi trong trường học nhưng số lượng không nhiều, hiện có 2 Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến và Trường THCS Phùng Chí Kiên, còn ở các huyện việc dạy bơi cho học sinh lại càng hiếm hơn. Hè năm nay, huyện Nghĩa Hưng đã trích nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện và huy động các nhà hảo tâm tổ chức hai lớp dạy bơi cho trẻ em, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp dạy bơi thường xuyên, bảo đảm mọi trẻ em trong huyện đều biết bơi và nắm các kỹ năng xử lý tình huống dưới nước cũng như biết cách phòng tránh tai nạn đuối nước cho bản thân…

Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp trong chương trình phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, các địa phương có nhiều ao, hồ, kênh, mương cần đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cảnh báo về công tác phòng tránh đuối nước trong dịp hè. Mỗi gia đình cần tăng cường quản lý con em, cũng như có biện pháp che chắn đối với ao hồ, bể, giếng… của gia đình, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com