Ý Yên xây dựng mô hình điểm nông thôn mới

07:06, 21/06/2012

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn 11 xã, thị trấn xây dựng điểm mô hình nông thôn mới (NTM) của huyện Ý Yên đã có nhiều khởi sắc song cũng còn không ít khó khăn. Hướng đi nào để các xã, thị trấn này xây dựng thành công NTM vào năm 2015 và nhân ra diện rộng?

I - Kết quả bước đầu

Xã Yên Ninh (Ý Yên) đầu tư 320 triệu đồng tu sửa cải tạo cảnh quan nghĩa trang liệt sỹ.
Xã Yên Ninh (Ý Yên) đầu tư 320 triệu đồng tu sửa cải tạo cảnh quan nghĩa trang liệt sỹ.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Ý Yên đã chọn 11 xã, thị trấn để xây dựng thí điểm mô hình NTM giai đoạn 2010-2015. Sau 1 năm triển khai thực hiện, nhiều địa phương tăng 3-5 tiêu chí so với trước khi xây dựng NTM như: xã Yên Phú tăng 5 tiêu chí, Thị trấn Lâm tăng 4 tiêu chí, xã Yên Hồng tăng 3 tiêu chí. Các tiêu chí nhiều xã, thị trấn xây dựng thành công trong năm qua là trường học, giáo dục, văn hóa… Đến hết năm 2011, tổng số vốn được huy động để xây dựng NTM ở 11 xã, thị trấn của huyện Ý Yên là 288 tỷ 412 triệu đồng; trong đó 120 tỷ 118 triệu đồng là vốn ngân sách Nhà nước (chiếm 41,65%), vốn nhân dân đóng góp 146 tỷ 042 triệu đồng (chiếm 50,64%), vốn doanh nghiệp 22 tỷ 252 triệu đồng (chiếm 7,71%). Ngoài việc huy động nhân dân góp đất, góp công, góp tiền của, các xã, thị trấn đều kêu gọi con em đang làm ăn trên cả nước và nước ngoài gửi tiền về đóng góp xây dựng NTM quê hương. Từ nguồn kinh phí huy động, ở 11 xã, thị trấn xây dựng NTM của huyện đã dành gần 9 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, gần 18 tỷ đồng xây dựng trường học từ mầm non đến THCS, gần 8 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa (nhà văn hóa thôn, xóm), trên 3 tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, gần 3 tỷ đồng xây dựng trạm y tế xã, gần 2 tỷ đồng xây dựng chợ nông thôn… Riêng kinh phí của các hộ dân tự đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà ở và các công trình phụ trợ theo tiêu chí nhà ở dân cư đã lên tới trên 115 tỷ đồng. Ngoài 11 xã, thị trấn điểm xây dựng NTM thì xã Yên Lương cũng tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Tại 11 xã, thị trấn xây dựng NTM, đến nay 93/173 thôn, đội đã xây dựng phương án DĐĐT; 67/173 thôn, đội đã họp dân để thống nhất phương án; 58/173 thôn đội đã tổ chức giao đất thực địa cho các hộ, đạt 33%. Các xã đã giao đất thực địa cho các hộ như Yên Hồng 9/10 thôn đội, Yên Phong 7/11 thôn, Thị trấn Lâm 7/9 thôn, Yên Cường 11/24 thôn, Yên Nhân 5/15 thôn, Yên Trung 4/12 thôn… Trong quá trình DĐĐT các xã, thị trấn xây dựng NTM đã huy động nhân dân góp 599.300m2 đất để làm giao thông và thủy lợi nội đồng. Nhiều địa phương, các hộ đóng góp đất lớn như Yên Ninh 123.200m2, Yên Phú 110 nghìn m2, Yên Phong 109 nghìn m2… Từ góp đất và góp vốn của các hộ, 11 xã, thị trấn xây dựng NTM đã thực hiện làm thủy lợi nội đồng đạt trên 112 nghìn m3 đất, trong đó riêng đào đắp đường giao thông nội đồng đạt trên 60.500m3, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong năm 2011 các xã, thị trấn xây dựng NTM đã mở 33 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 4.435 lao động, mở 3 lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 115 lao động. Nhiều xã đã phát triển thêm nghề mới như nghề chế biến gỗ mỹ nghệ ở Yên Hồng; nghề mây, tre, nứa sản xuất hàng xuất khẩu ở Yên Bình, Yên Hồng; nghề may xuất khẩu ở các xã Yên Tân, Yên Phong, Yên Cường… Xã Yên Hồng đã đưa nước sạch cung ứng cho 97% số hộ dân trên địa bàn xã; các xã Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Cường và một số xã khác đang tập trung xây dựng nhà máy cấp nước sạch tại xã Yên Nhân. Nhiều xã, thị trấn xây dựng và duy trì hoạt động thu gom, xử lý rác thải như: Yên Trung, Yên Ninh, Yên Hồng, Thị trấn Lâm… Công tác khuyến học, khuyến tài được duy trì, phát huy hiệu quả tốt là: Yên Nhân, Yên Phú, Yên Ninh, Yên Cường, Yên Tân, Yên Đồng, Yên Bình, Thị trấn Lâm… Các xã, thị trấn xây dựng NTM đã tập trung xây dựng để đạt được các tiêu chí và chọn những công việc, những phần việc cụ thể tạo sự thay đổi hơn hẳn so với trước khi địa phương chưa xây dựng NTM. Các xã Yên Cường, Yên Tân, Yên Trung, Yên Hồng… tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp. Các xã Yên Phú, Yên Cường, Yên Trung, Yên Ninh, Yên Phong, Thị trấn Lâm tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên thôn, đường trục thôn xóm. Việc nâng cấp, xây mới trường học được các xã Yên Phú, Yên Bình, Yên Cường, Yên Nhân, Thị trấn Lâm… tập trung đầu tư; riêng Thị trấn Lâm đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng như trường mầm non… Đồng chí Dương Mạnh Việt, Chủ tịch UBND Thị trấn Lâm khẳng định: "Xây dựng NTM phải tuyên truyền, vận động nhân dân cùng làm, cùng hưởng, cùng giám sát nên phải phát huy dân chủ. Khi cán bộ, đảng viên thông suốt, đi đầu, gương mẫu thì người dân cũng tự giác tham gia…". Thị trấn Lâm là một điển hình trong xây dựng NTM. Chỉ sau 1 năm thị trấn đã phấn đấu tăng được 4 tiêu chí: Trường học, nhà ở dân cư, giáo dục và văn hóa. Trong tháng 5-2012 Thị trấn Lâm đã khánh thành 2 nhà văn hóa của tổ dân phố số 7 và số 8, mỗi nhà văn hóa trị giá trên dưới 600 triệu đồng chủ yếu do nhân dân đóng góp. Chỉ tính riêng huy động sự hảo tâm của con em địa phương đang làm ăn xa đóng góp về xây dựng NTM đã đạt 4 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa và hệ thống đường giao thông. Ngoài ra, một doanh nghiệp dầu khí đã ủng hộ 2 tỷ đồng cho địa phương xây dựng NTM. Năm 2011, bình quân thu nhập chung của thị trấn đạt 19 triệu đồng/người, phấn đấu năm 2012 đạt 21 triệu đồng/người. Thị trấn phấn đấu đến năm 2013 sẽ có thêm 4 tiêu chí là: Y tế, hộ nghèo, giao thông và thủy lợi, đưa tổng các tiêu chí đạt chuẩn là 16/19 tiêu chí NTM để đến năm 2015 cơ bản đạt các tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí của Chính phủ ban hành.

Từ thực tế xây dựng NTM ở huyện Ý Yên cho thấy ngoài sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì công tác tuyên truyền vận động, thống nhất về nhận thức để tạo sự đồng thuận, chung sức, chung lòng, cùng nhau xây dựng NTM theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Việc xây dựng đề án phải sát thực với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo tính khả thi và khả năng huy động vốn. Những việc dân làm được thì giao cho dân làm, đồng thời phải công khai, nhất là trong xây dựng cơ bản. Trong quá trình triển khai đề án, ưu tiên các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề. Những việc của thôn, xóm do thôn, xóm bàn bạc, huy động nguồn vốn tại chỗ nhưng phải có sự kiểm tra, hướng dẫn của cấp trên. Xây dựng NTM từ hộ gia đình ra thôn, xóm đến xã luôn gắn lợi ích của nhân dân trong quá trình thực hiện. Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phải kế thừa các công trình đã có, kết hợp để cải tạo, nâng cấp với xây mới song bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và đúng quy hoạch. Trong quá trình xây dựng NTM, cần lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với địa phương./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com