Giao Thuỷ nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa

08:06, 18/06/2012

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huyện Giao Thủy đã huy động các nguồn lực xây dựng, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hoá, thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hoá.

Toàn huyện có 131 NVH thôn, xóm, khu phố được xây dựng và đưa vào sử dụng, có 175 sân chơi với 112 tổ, đội bóng chuyền; 75 tổ đội bóng đá; 138 sân cầu lông; 78 sân bóng bàn; 50 câu lạc bộ TDTT. Các địa phương tiêu biểu trong phong trào huy động xây dựng thiết chế văn hóa là: Giao Tiến, Giao Châu, Thị trấn Quất Lâm, Giao Nhân, Giao Hải, Giao Long, Giao Phong, Giao Yến, Giao Thanh, Hồng Thuận, Giao Hương, Giao An, Bạch Long, Giao Thiện. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, huyện Giao Thủy luôn chú trọng phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, bồi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng phát huy khả năng sáng tạo. Tiêu biểu là Câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật Giao Thủy hiện có trên 30 hội viên, sinh hoạt ở 7 bộ môn nghệ thuật. Trong đó, bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh có 3 hội viên được kết nạp vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam với hàng chục tác phẩm ảnh nghệ thuật của các nghệ sỹ nhiếp ảnh trong huyện từng đạt giải quốc gia, quốc tế và tham gia các triển lãm uy tín trong nước và khu vực đồng bằng sông Hồng. Tiêu biểu là bộ ảnh “Chim Vườn Quốc gia Xuân Thủy” của tác giả Trần Hưng và một số tác phẩm ảnh của tác giả Chu Thế Vĩnh đã được chọn trưng bày tại triển lãm ảnh “Rừng Việt Nam” do Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tổ chức tháng 11-2011 tại Hà Nội. Các hội viên thuộc bộ môn văn xuôi, thơ, sáng tác âm nhạc đều có những tác phẩm đảm bảo nội dung và giá trị nghệ thuật. Tiêu biểu như các ca khúc: “Hội xuân”, “Biển ấm tình xuân” của Cao Thanh Cường; “Giao Thủy khúc hát mừng xuân” của Lê Thanh Thiêm; “Sắc xuân quê biển” của Doãn Thanh Liêm… đã được dàn dựng, biểu diễn ghi âm, ghi hình xây dựng thành chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng, Mừng Xuân” phát trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nghệ thuật hát chèo ở Giao Thuỷ phát triển mạnh. Toàn huyện có trên 40 tốp, đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn; trong đó có hơn 20 đội chèo hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương với các hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực như: tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi nghệ thuật hát chèo, phổ biến các tiết mục chèo đặc sắc trên hệ thống phát thanh, truyền thanh của huyện. Với các tiểu phẩm ngắn gọn, mang nội dung tư tưởng tốt, các đội chèo ở Giao Thuỷ đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giao Thủy phát triển các đội kèn đồng phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Giao Thủy phát triển các đội kèn đồng phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trên lĩnh vực xã hội hóa bảo tồn di tích, toàn huyện có hàng trăm di tích, trong đó có 20 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các lễ hội truyền thống đã được tổ chức nghiêm túc theo Chỉ thị 27, Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 681 của UBND tỉnh về quản lý lễ hội. Nội dung lễ hội truyền thống phong phú, lành mạnh qua đó khơi dậy được truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Các lễ hội đã chú ý khai thác các hình thức hoạt động văn hóa - TDTT truyền thống, kết hợp các hoạt động văn hoá - thể thao hiện đại, làm cho các lễ hội thêm phong phú và bổ ích. Nhiều lễ hội đã trở thành ngày hội văn hoá của cả cộng đồng dân cư như lễ hội chùa Chính xã Giao Tiến; lễ hội chùa Nổi làng Hoành Nhị, xã Hoành Sơn; lễ hội chùa Hà Cát, xã Hồng Thuận; lễ hội đình chùa Thanh Khiết - Đan Phượng xã Giao Yến, lễ hội Đình Vuông, xã Giao Phong… Các lễ hội tôn giáo được chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật. Lễ mừng thọ đầu năm cho các bậc cao niên tiếp tục được các xã, thị trấn quan tâm tổ chức trang trọng; qua đó đã phát huy được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính trên nhường dưới”, động viên người cao tuổi tích cực tham gia xây dựng quê hương đất nước. Việc quản lý các hoạt động văn hoá, lễ hội đã được các cấp, các ngành quan tâm. Trong những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Sở VH, TT và DL, Sở TT và TT tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh văn hoá, dịch vụ Internet, tạo môi trường văn hoá lành mạnh trên địa bàn. Lĩnh vực xã hội hóa các hoạt động bảo tàng, thư viện ở Giao Thủy cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tháng 5-2012, Giao Thủy là đơn vị đầu tiên trong tỉnh đưa vào hoạt động "Thư viện điện tử Khoa học công nghệ nông thôn". Thư viện điện tử của huyện hiện có 55.165 tài liệu (cuốn sách từ 100-300 trang) được số hóa. Các tài liệu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp: trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây; kỹ thuật nuôi và chăm sóc các loại vật nuôi, kỹ thuật nuôi các loại thủy sản. Thư viện điện tử còn có các tài liệu đề cập đến các vấn đề quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, kỹ thuật chế tạo và cải tiến máy móc nông nghiệp, kỹ thuật sửa chữa và chế tạo các loại máy móc cơ khí, điện, điện tử, xây dựng, kỹ thuật hạt nhân phục vụ các ngành kinh tế… "Thư viện điện tử Khoa học công nghệ nông thôn" còn bao gồm 10 máy tính để bàn được kết nối mạng Internet, 1 máy chiếu đa năng và hệ thống bàn ghế đọc tài liệu phục vụ độc giả tới tra cứu thông tin. Công trình đi vào hoạt động sẽ giúp bà con nông dân khai thác đầy đủ, kịp thời những thông tin khoa học, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm nuôi trồng các giống cây, vật nuôi có sản lượng và giá trị kinh tế cao để áp dụng vào sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với những kết quả đạt được, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở Giao Thủy đã phát huy tiềm năng, trí tuệ, sự sáng tạo, công sức của nhân dân trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com