Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở

07:06, 19/06/2012

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, do nhiều nguyên nhân, các mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nhân dân thường xuyên xảy ra. Vì vậy công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết tình làng nghĩa xóm, duy trì khối đại đoàn kết toàn dân và góp phần ngăn chặn tình trạng khiếu kiện phức tạp, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

I - Để các tổ hòa giải hoạt động đúng luật

Trên địa bàn tỉnh ta, các tổ hòa giải được thành lập theo mô hình gắn với thôn, xóm, tổ dân phố. Để các tổ hòa giải hoạt động hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức, phong tục, tình cảm của nhân dân, đòi hỏi các thành viên trong tổ hoà giải phải có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong cộng đồng dân cư, đồng thời có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách, pháp luật và tham gia trên tinh thần tự nguyện. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm hoặc trưởng Ban công tác Mặt trận và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể. Để công tác hòa giải hoạt động đúng pháp luật, cơ quan Tư pháp các cấp thường xuyên phối hợp với MTTQ, các tổ chức thành viên của MTTQ, các cơ quan hữu quan trong việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải. Hằng năm, Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố thực hiện rà soát, thống kê số liệu về công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, kịp thời hướng dẫn, có biện pháp củng cố, kiện toàn, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải và hòa giải viên ở địa phương. UBND các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn triển khai việc thành lập các tổ hòa giải ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố, chú trọng đến chất lượng, số lượng, đảm bảo sự ổn định về tổ chức của tổ hòa giải ở cơ sở. Tại cấp xã, căn cứ vào đề án của UBND, Ban Tư pháp và Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên lựa chọn, giới thiệu và tổ chức hội nghị nhân dân để bầu tổ viên tổ hòa giải. Số hòa giải viên này đều được UBND cấp xã ra quyết định công nhận. Ban Tư pháp xã thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động của các tổ hòa giải, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các tổ viên tổ hòa giải và hòa giải viên, từ đó đề xuất UBND cùng cấp, cơ quan Tư pháp cấp trên có biện pháp giải quyết. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng và duy trì hoạt động của mạng lưới tổ hoà giải ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố gồm 3.773 tổ hoà giải với 22.676 hoà giải viên, bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Các tổ hòa giải đều được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Cán bộ hoà giải phường Ngô Quyền (TP Nam Định) bám sát địa bàn dân cư, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân.
Cán bộ hoà giải phường Ngô Quyền (TP Nam Định) bám sát địa bàn dân cư, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân.

II - Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, bên cạnh việc quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức tổ hòa giải của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, ngành Tư pháp đã tổ chức tốt việc biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật cho hòa giải viên; tổ chức các cuộc thi hòa giải viên giỏi ở cấp cơ sở thu hút hàng trăm tổ viên tổ hòa giải các địa phương tham gia. Do đó, kiến thức, cách thức tiến hành hòa giải, kỹ năng hòa giải của hòa giải viên không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao, công tác hoà giải ở cơ sở luôn đạt được kết quả cao. Theo thống kê của ngành Tư pháp, từ năm 2009 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 14.755 việc; chủ yếu ở các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, dân sự, đất đai. Các tổ hòa giải đã hòa giải thành 12.109 việc, đạt tỷ lệ 82% số việc phải hòa giải. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, đã kịp thời giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Các vụ, việc xảy ra chủ yếu là mâu thuẫn hàng xóm, gia đình, tranh chấp đất đai; nhiều vụ phức tạp tưởng chừng phải nhờ đến cơ quan pháp luật nhưng vẫn hòa giải thành công nhờ có sự vào cuộc tích cực của tổ hòa giải cơ sở. Điển hình như vụ tranh chấp đất giữa gia đình ông TVK và anh NĐT ở thôn Dương Thiện, xã Trực Nội (Trực Ninh). Gia đình anh K và anh T vốn là hàng xóm liền kề đã nhiều năm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Tuy nhiên khi gia đình anh K có nhu cầu sửa nhà và chuyển mục đích sử dụng một phần đất sát với gia đình anh T nên hai bên đã xảy ra tranh chấp. Sau nhiều lần xảy ra xô xát giữa hai bên, mâu thuẫn đã đẩy lên tới đỉnh điểm. Tổ hòa giải thôn đã có mặt kịp thời khi hai gia đình đang cãi vã, giúp mỗi bên kìm chế sự nóng giận, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn để tìm cách tháo gỡ. Tổ hòa giải đã nhờ cán bộ tư pháp tư vấn về pháp luật giúp cả hai bên thấy được sự đúng sai của mình; đồng thời huy động sự vào cuộc của đôi bên gia tộc khuyên giải hai gia đình giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật và tình nghĩa xóm làng. Cuối cùng anh K và anh T đã chấp nhận phân định danh giới theo phương án của tổ hòa giải.

Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tổ hòa giải căn cứ vào nguyên nhân phát sinh để lựa chọn cán bộ hòa giải cho phù hợp. Đối với mâu thuẫn là đối tượng thanh, thiếu niên thì vai trò nòng cột trong công tác hòa giải là Đoàn Thanh niên; giải quyết các vụ mâu thuẫn gia đình thì vai trò quyết định là do Hội Phụ nữ và các mâu thuẫn khác trách nhiệm chính thuộc về Ban công tác Mặt trận, Hội CCB, Hội Người cao tuổi... Tại phường Ngô Quyền (TP Nam Định), công tác hòa giải được cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện đồng bộ từ khâu tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của các tổ chức đoàn thể trong công tác hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành công tại khu dân cư luôn đạt trên 90%. Nhiều vụ việc mâu thuẫn phức tạp, có liên quan đến quyền lợi của nhiều hộ trong khu dân cư nhưng đều được hòa giải thành công ngay tại cơ sở. Điển hình như vụ tranh chấp quyền sử dụng khu đất công cộng của 5 hộ dân ngõ 79, tổ dân phố số 7. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa các gia đình, tổ dân phố đã tổ chức họp, phân tích nguyên nhân vụ việc và tìm phương án giải quyết, đồng thời huy động các tổ chức hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Người cao tuổi… cùng vào cuộc tiếp cận các thành viên do tổ chức hội trực tiếp quản lý để phân tích sự việc trên cơ sở pháp lý và tình cảm bà con khối phố nhằm hóa giải mâu thuẫn. Được tư vấn pháp lý và hỗ trợ cách giải quyết mâu thuẫn có lý có tình nên các hộ gia đình đã ngồi lại cùng thống nhất phương án giải quyết mà tổ hòa giải đưa ra.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thấy hết được vai trò của công tác hòa giải nên trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chưa cụ thể; việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hòa giải còn chậm; số lượng vụ việc, hiệu quả hòa giải chưa cao. Bên cạnh đó, công tác tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật mới cho đội ngũ hòa giải viên chưa đầy đủ, kịp thời. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác hòa giải ở một số địa phương chưa chặt chẽ; còn tình trạng một số nơi khi sự việc xảy ra chưa phát hiện kịp thời hoặc giải quyết qua loa nên kết quả hòa giải chưa bền vững… Để công tác hòa giải phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và trật tự, an ninh ở địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải. Tăng cường nguồn lực cho công tác hòa giải và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trang bị tài liệu pháp luật cho hòa giải viên. Cơ quan Tư pháp phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở; phân công đầu mối phối hợp thực hiện theo dõi, quản lý, tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải. Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Trong đó, chú trọng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân, góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật trong dân. Có như vậy, công tác hòa giải mới phát huy hiệu quả trong việc giữ gìn và tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng xã hội bình yên, giàu mạnh, xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com