Những thanh niên của quyết tâm mới

08:03, 29/03/2012

I. Một tấm lòng mang nghề về với đất quê

Khi tôi gặp đoàn viên Nguyễn Thị Hương, chi đoàn 4, xã Hải Trung (Hải Hậu) là lúc chị đang chăm chú vào những sản phẩm “hoa nơ” nhỏ xinh với đủ loại màu sắc chuẩn bị cho chuyến hàng xuất khẩu đi Nhật. Xưởng hoa nơ của chị Hương được mở tại xã Hải Trung tính đến nay đã hơn một năm. Một năm với biết bao khó khăn, từ việc thuyết phục ban giám đốc Cty trên Hà Nội mở chi nhánh ở xã nhà, thuyết phục chính quyền UBND xã cho phép đến việc tìm lao động, nhà xưởng… đến nay xưởng của chị đã có 60 lao động nữ làm việc 8 tiếng/ngày. Người thu nhập thấp nhất cũng đạt 1,5 triệu đồng/tháng, lô hàng khó, người làm lành nghề có thể đạt tới 3 triệu đồng/tháng. Chị em làm ở đây ai cũng phấn khởi, vui vẻ và chỉ mong sao có việc làm đều đặn, nhiều đơn đặt hàng hơn nữa, bởi họ thấy việc làm này thực sự phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế. Để duy trì hoạt động của một xưởng không phải dễ dàng. Vốn là công nhân của Cty  Happy Lady, trụ sở chính ở Cầu Giấy, Hà Nội, với sự khéo tay, cần cù, ham học hỏi, chị nhanh chóng được phát hiện, bổ sung vào đội ngũ kỹ thuật của Cty chuyên làm hàng theo mẫu từ Nhật gửi về. Không muốn dừng ở việc làm thợ kỹ thuật đơn thuần, chị Hương tiếp tục học hỏi thêm và phấn đấu thành giáo viên chuyên dạy về kỹ thuật làm hoa nơ của Cty tại nhiều chi nhánh nhỏ trong cả nước. Đi dạy ở nhiều nơi, phổ biến lại những điều mình đã học hỏi được, Hương nảy ra ý định, sao không mang về quê mình mở thử? Quê mình còn nhiều chị em, bà con vất vả quá, hằng ngày đội cát, buôn thúng bán mẹt mà vẫn không đủ ăn. Nếu mang được nghề về quê, mở được xưởng thì nhiều người sẽ có thêm việc làm, đỡ được vất vả mà lại có thu nhập ổn định. Nghĩ là làm, một tuần trời Hương “năn nỉ” với giám đốc và sau đó là chặng đường Hà Nội - Nam Định - Hải Hậu, xuôi ngược tìm kiếm cách mở xưởng. Ban đầu xưởng mới có 20 người làm, sau đó thấy hiệu quả công việc nên nhiều người xin vào làm theo. Tất cả người làm trong xưởng của chị Hương đều là nữ trong độ tuổi từ 18-55. Chị Hương bảo, không cần họ phải nộp hồ sơ, cứ ai sáng mắt, thích cái nghề này thì chị nhận vào làm. Đang làm mà có công việc gia đình gì đó đột xuất, chị có thể cho nghỉ mấy tháng rồi quay lại xin làm lần sau vẫn được. Đối với Hương, niềm vui lớn nhất là mang được một cái nghề nhẹ nhàng, sạch sẽ mà lại có thu nhập ổn định về với bà con. Chị không đòi hỏi gì hơn, thậm chí chị chỉ nhận lương Cty trả như một nhân viên kỹ thuật cộng với tiền trách nhiệm nhân sự. Phần lương của mình chị trích thêm ra đóng góp vào các quỹ khuyến học của xã, những chương trình từ thiện trong xã mà chị biết. Bận rộn là thế nhưng chị bảo thỉnh thoảng nghe tiếng trống thiếu nhi chị vẫn thèm được chạy ra nhìn các em chơi, nô đùa. Chị kể, bây giờ nhiều người trong xã gặp vẫn nhớ những vai chị đóng kịch, hóa trang khi tham gia sinh hoạt văn nghệ xã đoàn. Chị vẫn nhớ như in mình đã từng đeo bộ râu giả, móc cả lông mi giả để đóng một vai hài kịch và đạt giải nhất hóa trang trong đợt hội trại hè năm nào. Khi nào cũng cười, khi nào cũng năng nổ trong những dự tính cho cả xưởng hoa nơ, cho thu nhập của công nhân, đoàn viên Nguyễn Thị Hương là niềm tự hào, tin tưởng cho nhiều thanh niên mới trên con đường lập nghiệp dám nghĩ dám làm. Phải xa quê bươn chải từ rất sớm, chỉ có tinh thần nghị lực ham học hỏi, một tấm lòng đối với đất quê thì mới có đủ sức mạnh để trở về quê giúp nhiều người khác.

Xưởng hoa nơ của đoàn viên Nguyễn Thị Hương.
Xưởng hoa nơ của đoàn viên Nguyễn Thị Hương.

II. Ước mơ về một nhà hàng lớn nhất huyện

Đến ngã tư Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) rất dễ tìm được biển hiệu nhà hàng Nguyên Hồng Ngọc của đoàn viên Trần Văn Nghiêm, nguyên là ủy viên BCH Đoàn Thị trấn Cổ Lễ. Hơn một năm trước đây khi quyết định mua lại toàn bộ nhà hàng của người bác, vợ chồng anh đã phải tính toán suy nghĩ rất nhiều. Đầu tư vào nhà hàng đặc sản liệu có làm ăn được nữa không? Rồi những áp lực về mặt tâm lý, người dân quê anh còn “ngại” với chữ “nhà hàng” nhiều lắm. Rằng thì nó “sang trọng” quá, rằng thì nó “đắt đỏ” quá. Rồi còn vốn liếng phải vay mượn ở đâu để mở nhà hàng… Khó khăn không làm vợ chồng anh nản chí. Anh quyết định cứ vay vốn của Quỹ tín dụng sau đó thì bắt tay vào làm. Mở nhà hàng ra rồi, phục vụ được bà con rồi thì dần dần mọi người sẽ hiểu. Anh bảo, nhà hàng của anh là để phục vụ cho số đông, theo nhu cầu của khách. Có những khách vào đặt những bữa ăn rất sang trọng nhưng cũng có thể đôi khi chỉ là cốc bia với đĩa lạc rang. Sau hơn một năm vừa làm vừa tính toán, vừa rút kinh nghiệm, hiện anh Nghiêm đã mở rộng được nhà hàng với 11 nhân viên phục vụ nhu cầu ăn uống tại chỗ và nhận đặt tiệc tại nhà. Anh trả lương cho họ theo năng lực công việc, người thấp nhất cũng 2 triệu đồng/tháng, cao là 6 triệu đồng/tháng. Vào những dịp lễ, Tết có chế độ lương thưởng, tổ chức cho gia đình nhân viên đi chơi xa để động viên họ sau một năm làm việc vất vả ở nhà hàng. Nhân viên của anh đa phần còn rất trẻ và rất “đa năng”. Bản thân anh là ông chủ nhưng có thể “làm tròn nhiều vai” trong lúc bận rộn,  MC tổ chức sự kiện, nấu ăn, trang trí phòng bàn…

Trong khuôn viên rộng khoảng 3.000m2, nhà hàng của anh Nghiêm vô cùng rộng rãi thoáng mát. Hiện tại, vợ chồng anh đã “cơi nới” thêm cho nhà hàng được 6 phòng ăn, trong đó phòng ít nhất có số bàn ăn là 2, phòng nhiều lên đến 14 bàn. Hội trường lớn của nhà hàng có khả năng phục vụ các hội nghị lên đến 450 ghế. Mùa hè năm nay nếu như thuận lợi anh sẽ mở thêm các phòng hát bên trong nhà hàng và một nhà nghỉ nằm ở sát mé sông tạo thành khu liên hợp, ăn, ở nghỉ dưỡng. Hiện nay, nhà hàng của ông chủ trẻ mới sinh năm 1981 này được coi như lớn nhất của Thị trấn Cổ Lễ. Nhưng anh Nghiêm bảo, đó chưa phải là tham vọng lớn nhất của anh. Anh mong hơn, nhà hàng của anh sẽ không chỉ là nơi phục vụ ăn uống đơn thuần, nó sẽ là một địa chỉ giao lưu văn hóa văn nghệ của bà con, đặc biệt là thanh niên trong huyện vì anh vốn sinh ra đã có “máu” văn nghệ, trưởng thành trên cái nôi hoạt động Đoàn. Trong nhiều năm anh luôn được Huyện Đoàn khen thưởng danh hiệu “Đoàn viên ưu tú”. Ngoài hoạt động đoàn thể tích cực, khi trở về với công việc kinh doanh của mình, anh luôn tạo mọi điều kiện ưu tiên nhất cho những hoạt động sinh hoạt đoàn thể tại nhà hàng của mình khi tổ chức hội nghị hoặc đơn giản là anh em thanh niên đến vui chơi, hát hò. Anh bảo, đang bận rộn công việc là thế nhưng hễ Đoàn Thị trấn triệu tập cần phải khuấy động phong trào ở chỗ này chỗ kia, là lại “lên đường” ngay không kể ngày đêm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com