Giờ Trái đất: Tất cả cùng hành động vì môi trường!

08:03, 29/03/2012

Cụm từ “Giờ Trái đất” bắt đầu xuất hiện từ năm 2006 trong bối cảnh: Năm 2004, các số liệu báo cáo khoa học cho thấy, mối hiểm hoạ do biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tới mức trầm trọng, việc giảm lượng khí thải để cải thiện tình hình trở nên vấn đề cấp bách.

Trước tình hình đó, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) Australia và Cty Tổ chức sự kiện Leo Burnett Sydney đã kết hợp để tìm kiếm một phương sách mới lôi cuốn được mọi người tham gia phong trào bảo vệ môi trường. Họ muốn chiến dịch phải được xây dựng trên nền tảng là trước hiểm hoạ đó, con người không được sợ hãi mà phải hy vọng, từng người phải thể hiện trách nhiệm cá nhân của mình đối với tương lai của hành tinh. Năm 2005, 2 tổ chức này triển khai ý tưởng tổ chức tắt điện trên quy mô lớn với tên gọi ban đầu là “The Big Flick” hàm ý là “một cú bật công tắc lớn”. Tiết kiệm điện năng thực chất cũng đồng nghĩa với việc giảm chất đốt và vì vậy giảm được lượng khí thải để cứu môi trường. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy tên gọi trên có trở ngại. Để thể hiện đầy đủ ý tưởng vận động của chiến dịch, tên gọi “Giờ Trái đất” ra đời.

Các bạn trẻ đạp xe để khởi động chiến dịch Giờ Trái đất 2012. Ảnh: Internet
Các bạn trẻ đạp xe để khởi động chiến dịch Giờ Trái đất 2012. Ảnh: Internet

Chiến dịch được mở màn hồi 19 giờ 30 ngày 31-3-2007 tại Sydney, với 2.100 trụ sở doanh nghiệp và 2,2 triệu người tình nguyện nhất loạt tắt bởi tất cả các ngọn đèn không cần thiết. Đơn giản vậy thôi mà cơ quan quản lý điện lực địa phương “EnergAustralia” (tương tự như EVN ở Việt Nam) thống kê thấy điện năng tiêu thụ do sự kiện này giảm được 10,2%. Tờ Herald Sun tính ra rằng điều đó tương đương với việc giảm được 48.619 chiếc xe chạy trên đường, giảm được 24,86 tấn khí CO2 cho trái đất… Kết quả bước đầu đã động viên mọi người tin tưởng. Thế là họ hẹn nhau cứ đến ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm rủ nhau cùng… tắt điện.

Năm 2008, 31 thành phố nữa xin chính thức tham dự, 182 thành phố hứa hỗ trợ phong trào. Liền sau đó, 400 tỉnh, thành phố khác của 35 nước trên toàn thế giới nhanh chóng hưởng ứng. Thế là “Giờ Trái đất” trở thành một sự kiện toàn cầu.

Năm nay, số người tham gia thật đáng kinh ngạc: 2.100 thành phố thuộc 96 quốc gia cam kết thực hiện với 1 tỷ người tham gia. Điều này nói lên rằng, BĐKH đã trở thành một vấn đề được mọi người quan tâm.

Theo tính toán, ngoài việc giảm đưa một khối lượng khí thải vào bầu khí quyển, các chuyên gia còn cho rằng, nếu mỗi năm toàn thế giới chỉ cần tiết kiệm được 3-5% lượng điện tiêu dùng thì ngành Điện sẽ tiết kiệm được 50 triệu USD đầu tư xây dựng nguồn cung mới.

Tại Việt Nam, trong chương trình Giờ Trái đất từ năm 2009 đến năm 2011, riêng Thành phố Hà Nội đã tiết kiệm được 293.326kWh điện. Năm 2011 tiết kiệm được 162.000kWh. Ngày 28-2 vừa qua, Bộ Công thương chính thức phát động chiến dịch Giờ Trái đất 2012, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc ứng phó với BĐKH và tiết kiệm năng lượng. Hiện tại, các Sở Công thương đang tích cực cùng các ban, ngành ở địa phương chuẩn bị cho chương trình triển khai “Giờ Trái đất 2012” của mình.

Ngày 31-3 giờ đang đến gần! Chúng ta chờ đợi và có quyền hy vọng chiến dịch ngày càng phát triển theo chiều sâu và mang lại hiệu quả lớn./.

Theo: Báo Công Thương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com