Mỹ Lộc nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi

08:04, 12/04/2022

Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc có trên 12 nghìn hội viên. Thời gian qua, các cấp HND trong huyện đã triển khai đa dạng các hoạt động, hỗ trợ hiệu quả hội viên phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi.

Thu hoạch cá trắm đen tại gia đình anh Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà.
Thu hoạch cá trắm đen tại gia đình anh Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà.

Các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững”. Năm 2021, toàn huyện có 4.955 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong tổng số 9.344 hộ nông dân đăng ký. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 2.000 lượt lao động, trong đó có 700 lượt lao động có việc làm thường xuyên, 1.300 lượt lao động có việc làm theo mùa vụ, nhiều hộ tạo việc làm cho 20-30 lao động. Qua phong trào đã xuất hiện những mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của anh Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung; mô hình trồng hoa của anh Nguyễn Trọng Đại, xã Mỹ Tân... Bên cạnh đó, các cấp HND trong huyện đã chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị bền vững giữa 2 hộ dân xã Mỹ Thắng với Công ty TNHH Toản Xuân thu gom ruộng bỏ cấy để trồng lúa trên diện tích 15ha; mô hình liên kết giữa HTX Nguyễn Xá, xã Mỹ Tiến với Công ty Giống cây trồng Trung ương trên diện tích 30ha; mô hình trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty TNHH CJ VINA AGRI tại hộ ông Phạm Văn Khiêm, xã Mỹ Thịnh; mô hình chăn nuôi gà tại hộ ông Trần Công Lộc, xã Mỹ Hà... HND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện có 2 sản phẩm tham gia OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao là kẹo dồi và kẹo lạc Sìu Châu của cơ sở bánh kẹo Toàn Mỹ, xã Mỹ Thịnh; 4 sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định của tỉnh chấm điểm và cấp sao sản phẩm OCOP gồm trứng gà Tamago Mochimochi của ông Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung; ruốc cá trắm đen, cá trắm đen nướng, cá trắm đen cắt khúc của ông Trần Văn Khoa, thôn Nội, xã Mỹ Hà. Các cấp Hội còn tập trung tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo hướng sản phẩm nông sản an toàn, nông sản sạch để tăng giá trị nông sản, đến nay toàn huyện có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn huyện còn thành lập được 10 tổ hợp tác, 16 HTX nông nghiệp, 3 tổ hội nghề nghiệp, gắn kết hội viên hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện đã chủ động liên kết, phối hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân sau khi học nghề; tổ chức nhiều hoạt động cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân về nguồn vốn phát triển sản xuất. Trong đó, để hỗ trợ nông dân về vốn, HND các cấp trong huyện đã xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đạt 313 triệu đồng, nhận ủy thác Quỹ Trung ương 900 triệu đồng; Quỹ tỉnh 300 triệu đồng cho 36 hộ vay tại 6 dự án. HND huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hoàn thiện hồ sơ giảm 10% mức phí cho vay trong quý III, quý IV năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn đã thoát nghèo, trong đó nhiều hộ vươn lên khá giàu, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. HND các cấp còn phối hợp thực hiện tốt việc nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT về các chương trình vay vốn. Tổng dư nợ vốn vay qua hai kênh ngân hàng đạt trên 207 tỷ đồng cho 2.422 hộ vay. Các cấp HND trong huyện còn vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, Globalgap. Năm 2021, HND huyện phối hợp với Công ty Cổ phần supe hóa chất và phốt phát Lâm Thao, Công ty phân bón Bình Điền tổ chức 2 lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, chăm sóc lúa xuân; phối hợp với HND tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp cho 4.060 hội viên, nông dân.

Với các hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực của các cấp HND, hội viên nông dân trong huyện đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống nông dân. Diện tích lúa duy trì ổn định trên 3.100ha, cơ cấu giống lúa chuyển sang các giống lúa có năng suất, chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường; hình thành các vùng cánh đồng lớn, chuyên canh, liên kết với các doanh nghiệp; khôi phục một số vùng trồng lúa đặc sản tại xã Mỹ Thành, thử nghiệm các loại giống lúa mới... Vùng trồng hoa tập trung trên địa bàn xã Mỹ Tân được nông dân duy trì, từng bước mở rộng, diện tích trồng hoa khoảng 150ha, thu nhập từ trồng hoa cho hiệu quả kinh tế gấp từ 3-4 lần trồng lúa. Tại một số diện tích đất trồng lúa khu vực úng trũng kém hiệu quả, một số hộ nông dân đã chuyển sang trồng niễng (khoảng 50ha) cho hiệu quả kinh tế từ 2-3 lần trồng lúa. Diện tích cây ăn quả trên địa bàn khoảng 40ha, chủ yếu là các trang trại trồng trọt và trang trại tổng hợp, trong đó có một mô hình trồng trọt được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Nhiều hội viên tích cực trong việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định với các mô hình nuôi cá trắm đen, cá cảnh, cá diêu hồng, cá lăng ở các xã: Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Hưng. Các hình thức nuôi cá lồng bè duy trì ổn định, hình thức nuôi cá trải bạt ven bãi sông Hồng phát triển mạnh. Các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản phát huy vai trò trong việc định hướng chất lượng con giống, thức ăn, bước đầu phát huy vai trò trong kinh tế tập thể. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 705ha, sản lượng đạt 2.439 tấn. Toàn huyện có 5 hội viên có mô hình nuôi trồng thủy sản được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian tới, các cấp HND huyện Mỹ Lộc tiếp tục hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế; tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực sản xuất, tham gia xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng chất lượng, thương hiệu nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com