Chú trọng tái đàn phục hồi phát triển chăn nuôi

07:04, 12/04/2022

Trong những tháng đầu năm, đàn gia súc, gia cầm thương phẩm trên địa bàn tỉnh giảm nhiều do phục vụ tiêu dùng dịp Tết cổ truyền. Do vậy, việc tái đàn vật nuôi đang được ngành chức năng, chính quyền địa phương và người chăn nuôi quan tâm thực hiện nhằm phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Việc tái đàn lợn nuôi phải được thực hiện trong khuôn khổ cho phép để bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại (Trong ảnh: Chăm sóc đàn lợn tại trang trại chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu).
Việc tái đàn lợn nuôi phải được thực hiện trong khuôn khổ cho phép để bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại (Trong ảnh: Chăm sóc đàn lợn tại trang trại chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu).

Dịp Tết vừa qua, gia đình ông Lương Đức Chiến, xã Kim Thái (Vụ Bản) đã xuất bán khoảng 1.000 con gà. Ngay sau khi xuất bán, ông Chiến đã tiến hành vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị các điều kiện cho việc tái đàn. Ông Chiến cho biết: Việc tái đàn thường được tập trung từ đầu tháng 2 đến tháng 4, là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp nên các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm dễ lây lan phát triển. Vì vậy trong quá trình tái đàn phục hồi chăn nuôi cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với hệ thống chuồng trại, ông Chiến tổ chức dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thay lớp độn chuồng mới và xử lý chất thải theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để không làm lây lan mầm bệnh. Đồng thời khơi thông cống rãnh, dùng bơm tăng áp rửa sạch toàn bộ nền chuồng, sàn, tường, và phơi khô chuồng nuôi diệt mầm bệnh, hạn chế điều kiện phát sinh dịch bệnh. Trước khi đưa con giống vào nuôi, ông sử dụng vôi bột để vệ sinh chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chăn nuôi; chọn mua con giống tại các cơ sở có uy tín để bảo đảm con giống khỏe, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh, bảo đảm an toàn đàn vật nuôi.

Năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn với người chăn nuôi xã Yên Lợi (Ý Yên) khi giá cám tăng cao, giá lợn không ổn định cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện, xã có gần 200 hộ nuôi lợn với tổng đàn trên 2.000 con. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế triệt để, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Do vậy, xã khuyến cáo bà con thực hiện tái đàn vật nuôi trên cơ sở bảo đảm các yếu tố phòng dịch để hạn chế rủi ro, thiệt hại. Cán bộ Ban Nông nghiệp xã phối hợp với cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ý Yên thường xuyên bám sát cơ sở, nhất là các hộ chăn nuôi để hỗ trợ, hướng dẫn bà con áp dụng hiệu quả các biện pháp chăn nuôi, phòng dịch bảo đảm chăn nuôi an toàn, hiệu quả bền vững.

Mục tiêu của ngành chăn nuôi trong năm 2022 phấn đấu giá trị sản xuất tăng từ 3-3,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm đạt 198.089 tấn; thịt trâu, bò 4.060 tấn; các loại thịt khác 9.240 tấn. Các loại dịch bệnh nguy hiểm được giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời trong khoảng thời gian 3-5 ngày, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng. Tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 80% tổng đàn. Để thực hiện được mục tiêu này, cùng với ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương đang tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả nội dung Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 14-6-2021 của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã chuyên ngành. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín để hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường; chú trọng củng cố và phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại, gia trại với doanh nghiệp và thị trường. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tăng cường nhập các giống cao sản có năng suất, chất lượng phù hợp với từng vùng, từng phương thức chăn nuôi và nhu cầu thị trường; phát hiện, nhân và thuần các giống có đặc điểm sinh học quý, có giá trị nhằm tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu của địa phương. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác giống vật nuôi. Khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh. 

Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đánh giá: Thời điểm đầu năm, số lượng gia súc, gia cầm thương phẩm thường giảm nhiều do giết mổ cung cấp thực phẩm trong cuối năm, vì vậy việc tái đàn và phát triển chăn nuôi của người dân là nhu cầu tất yếu. Song đây cũng là thời điểm giao mùa, lạnh, ẩm làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi, dễ phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng ở gia súc, cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu, bò... Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, thực hiện tốt việc tái đàn vật nuôi đáp ứng mục tiêu, kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh đề ra, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố rà soát, thống kê số lượng, sản lượng, đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm tại địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch sát đúng, tránh tái đàn ồ ạt, tự phát, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường gây khó khăn khâu tiêu thụ, rủi ro cho người nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm các phương pháp vệ sinh chuồng trại khu chăn nuôi sau khi xuất bán vật nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng bằng vôi bột, dung dịch sát khuẩn... nhằm tiêu diệt mầm bệnh, phòng ngừa lây lan. Đồng thời, phát quang khu vực xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý chất thải, sát trùng dụng cụ chăn nuôi. Cải tạo chuồng trại bảo đảm cao ráo, thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa. Đảm bảo thời gian để trống chuồng ít nhất 15-20 ngày trước khi nhập con giống nuôi lứa mới. Khi nhập giống gia súc, gia cầm từ tỉnh khác cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan Thú y kiểm dịch, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh nguy cơ nhiễm dịch gây thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. 

Chủ động tái đàn phục hồi phát triển sản xuất chăn nuôi nhưng phải đảm bảo an toàn dịch bệnh để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra của ngành chăn nuôi trong năm nay là yêu cầu đối với các địa phương cũng như người chăn nuôi trong điều kiện hiện nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com