Xuân về cùng vốn "tam nông"

06:01, 30/01/2022

Cuối đông, trời rét ngọt. Chậu quất cảnh chín vàng ươm, nhành đào thắm đã khoe sắc khắp nơi. Một năm đầy khó khăn vì dịch COVID-19 cũng sắp qua, chuẩn bị đón Xuân mới Nhâm Dần 2022, chứng kiến không khí hối hả, tất bật của mọi nhà, chúng tôi cảm thấy thực sự ấm lòng với những đổi thay tích cực mà Nghị quyết “tam nông” đã đem lại trên những miền quê. Trong hành trình đó, không thể thiếu sự đồng hành gắn bó và nguồn vốn đầu tư hiệu quả từ hệ thống ngân hàng trên địa bàn toàn tỉnh.

Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Hải Hậu dịp cuối năm.
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Hải Hậu dịp cuối năm.

Agribank - Cánh chim đầu đàn dẫn vốn về nông thôn

Là ngân hàng gắn với sứ mệnh “tam nông” ngay từ những ngày đầu tiên, nhận thức toàn diện và đầy đủ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định luôn khẳng định vai trò chủ lực trong triển khai chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình tín dụng khác. Riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, Agribank Chi nhánh Nam Định kiên định gắn bó, luôn cam kết chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay phát triển khu vực kinh tế này. Đồng thời, từng bước đổi mới phương thức, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển “tam nông”.

Đến thăm trang trại của anh Lê Đức Thọ, ở xóm Hải Tiến, xã Hải Đông (Hải Hậu) giữa lúc anh đang tất bật chăm đàn gà phục vụ Tết Nguyên đán. “Tết năm nay, tôi dự kiến xuất 12 nghìn con gà trắng giống 3F của Công ty Cổ phần 3F Việt (Đồng Nai). Giá ổn định thì gia đình cũng có thêm khoản thu nhập 300 triệu đồng tiền lãi” - anh Thọ phấn khởi chia sẻ. Năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 khó khăn nhưng được Agribank Chi nhánh Hải Hậu vẫn tin tưởng tiếp vốn thêm 300 triệu đồng, anh đã mạnh dạn cải tạo đầu tư khu chuồng trại khép kín hiện đại đồng bộ. Trên diện tích 7.000m2, anh xây 2 khu chuồng trại kiên cố, khép kín bằng bê tông, khung thép. Tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh kết hợp lắp chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ chuồng ổn định. Bên trong trại gà, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn, quạt thông gió, đèn sưởi… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách. Dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại, anh Thọ cho biết: “Mô hình này tuy ban đầu chi phí đầu tư khá cao nhưng lại “chắc ăn”. Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên gà lớn nhanh, đều và hầu như không có bệnh tật gì. Công việc chăm sóc gà cũng khỏe hơn nhiều so với nuôi bằng chuồng hở”.

Hiện nay anh đang nuôi lứa thứ 2 và có thể xuất chuồng đúng dịp sát Tết. Nếu cứ tiến độ sinh trưởng và số lượng đàn gà 12 nghìn con/lứa như vậy, mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 1 tỷ đồng. Ngoài hệ thống chuồng nuôi gà, anh Thọ còn đầu tư hai ao nuôi tôm thẻ chân trắng xen lẫn cá trắm cỏ phục vụ Tết Nguyên đán 2022. Dự kiến mỗi ao sẽ đem về cho gia đình doanh thu hơn 200 triệu đồng. Chia tay anh Thọ, chúng tôi lại đến thăm gia đình anh Trần Văn Hảo, chủ xưởng may Hảo Nam tại xóm 9, xã Hải Hưng (Hải Hậu). Tiếng máy may, tiếng người huyên náo sôi động như báo hiệu 1 năm sản xuất thắng lợi của xưởng. Anh Hảo vui vẻ cho biết: “Dịch dã phức tạp nhưng xưởng vẫn hoạt động đều đặn với 50 máy may công nghiệp đảm bảo việc làm cho 30 công nhân với hơn 6.000 sản phẩm xuất xưởng mỗi tháng. Tết này, công nhân yên tâm ăn Tết bởi chúng tôi đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cả năm 2022 với Công ty TNHH Đồng Tâm Nguyện (Ninh Bình)”. Được Agribank Chi nhánh Hải Hậu hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, xưởng may gia đình anh Hảo đã vượt qua “bão” COVID-19, giữ chân được lao động, ký kết hợp đồng mới đảm bảo lo cho người lao động một cái Tết tươm tất.

Đến hết quý III năm 2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định đạt 12.238 tỷ 491 triệu đồng với 46.511 khách hàng còn dư nợ. Thông qua vốn Agribank, hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp vốn đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khai phá tiềm năng đất đai, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp mạnh mẽ vào kinh tế, hạ tầng nông thôn, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, trù phú, no ấm hơn. Và trên hết, từ nguồn vốn Agribank đã tiếp thêm ý chí, nghị lực, khát vọng cho người nông dân vươn lên làm giàu trên đồng ruộng quê hương, hiện thực hoá mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng trù phú.

Từ nguồn vốn ngân hàng, gia đình anh Trần Văn Quyên ở xóm 1, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã ổn định sản xuất nuôi cá trắm đen, cá quả phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Từ nguồn vốn ngân hàng, gia đình anh Trần Văn Quyên ở xóm 1, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã ổn định sản xuất nuôi cá trắm đen, cá quả phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Chắp cánh nông thôn vươn lên tầm cao mới

Với nỗ lực của toàn bộ hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, dòng vốn “tam nông” không ngừng chảy mạnh mẽ về nông thôn lan toả đến từng tận thôn, xóm, từng gia đình tạo đột phá về kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tính đến ngày 30-12-2021, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 45.869 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2008-2021, mỗi năm tăng trưởng 22,5%, chiếm tỷ trọng bình quân hơn 50% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tại 204 xã, thị trấn xây dựng NTM đều có mức độ sử dụng vốn ngày càng tăng. Năm 2008, bình quân mỗi xã có dư nợ 20,2 tỷ đồng, đến cuối năm 2021, bình quân mỗi xã có dư nợ 197 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội tăng từ 936 tỷ đồng năm 2008 lên 3.214 tỷ đồng năm 2020, bình quân mỗi năm tăng trưởng 14,8%.

“Trái ngọt” từ vốn tam nông đã giúp tỉnh ta gặt hái được thành quả trong xây dựng NTM, trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, về đích trước 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân các vùng nông thôn trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bất chấp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh ta vẫn có 106/204 xã, thị trấn (đạt 51%) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra với 251 sản phẩm được công nhận đạt từ hạng 3 sao trở lên, tăng 105 sản phẩm so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản duy trì ổn định và phát triển, giá trị sản xuất tăng 3,1% so với năm 2020, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh rất nhiều khó khăn.

Một mùa xuân mới lại về trên quê hương NTM, mùa xuân của hy vọng, no ấm, bền vững. Với trợ lực từ vốn “tam nông”, thế và lực NTM tỉnh ta đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, hứa hẹn sẽ vươn xa hơn tạo nên những mùa vàng bội thu. Để không chỉ mùa xuân năm nay, mà cả những năm sau nữa, chúng ta có thể tiếp tục được chứng kiến sắc xuân rạng ngời trên từng cánh đồng vàng, từng nếp nhà khang trang và những gương mặt hạnh phúc của mỗi người dân trên những miền quê Nam Định thân yêu./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com