Nét duyên khăn xếp làng Giáp Nhất

06:01, 28/01/2022

Làng nghề làm khăn xếp Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) có từ trên 400 năm trước, tự hào là được chọn làm khăn xếp cho trang phục của các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 tổ chức tại Việt Nam. Đón năm mới 2022, người dân làng Giáp Nhất còn vui mừng vì sản phẩm truyền thống khăn xếp đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh.

Sản xuất khăn xếp tại làng nghề Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang.
Sản xuất khăn xếp tại làng nghề Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang.

Khăn xếp, áo the là những trang phục truyền thống của người Việt từ xa xưa. Không rõ chính xác từ bao giờ, người dân làng Giáp Nhất ngày nay biết rằng từ khi sinh ra đã thấy trong nhà, trong xóm có nghề làm khăn xếp, ông cha của họ cứ đời này qua đời khác trao truyền nghề cho con cháu với niềm tự hào đang lưu giữ một nét văn hóa Việt cổ cho đời sau. Theo các cụ cao niên trong làng thì nét đặc trưng của khăn xếp Giáp Nhất là đến nay vẫn giữ nguyên truyền thống cha ông truyền lại, không lẫn với khăn xếp của các vùng miền khác trong cả nước. Theo đó, khăn xếp có 3 loại cơ bản là: khăn dành cho nam giới, nữ giới và loại khăn chung cho cả nam và nữ. Khăn chủ yếu làm bằng vải lụa với 3 màu đen, đỏ và vàng, vành khăn được xếp từ 5-9 nếp tùy vào mục đích sử dụng và độ tuổi của người mang khăn.

Ví như đàn ông từ 50-60 tuổi sử dụng loại khăn xếp màu đen, có hoa văn tùy thích. Nhưng từ tuổi 70-89 được đội khăn xếp màu đỏ, có thêu hoa văn chữ Thọ ở trên đỉnh. Các cụ ông từ 90 tuổi trở lên đội khăn màu vàng, có đính chữ Thọ ở trên. Phần lưỡi trai được giữ lại nguyên bản như xưa các nếp khăn xếp đan nhau tạo thành hình chữ “Nhân”, nếp quấn dày và cốt khăn dựng ngang để nếp khăn đưa ra phía trước, vừa có tác dụng phản chiếu gương mặt, vừa cân bằng với phần dựng búi buộc tóc đặt ở phía trên đỉnh đầu… Chiếc khăn vì thế mà vừa chắc chắn lại sang trọng, quý phái cho người đội. Chắc cũng vì lý do này mà khăn xếp làng Giáp Nhất vinh dự được Chính phủ lựa chọn phục vụ các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2006.

Thời kỳ nghề hưng thịnh, khăn xếp làng Giáp Nhất có mặt tại khắp các tỉnh, thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và văn hóa tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên đến nay việc sử dụng khăn xếp không còn phổ biến trong sinh hoạt thường ngày mà chỉ dùng trong các hoạt động tế lễ truyền thống nên làng nghề trầm lắng. Quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống, giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, người dân làng nghề tìm cách đưa công nghệ vào thay thế dần những công đoạn đơn giản như may khăn, in hình, phun keo và phủ nhũ tạo hoa văn… để nâng cao năng suất lao động mà sản phẩm lại đều, chắc, đẹp hơn xưa. Trước đây, khâu tay, một người “thành thạo” chỉ khâu được khoảng 10 cốt khăn/ngày nhưng nay nhờ có máy móc mà một người làm nhanh có thể khâu được 100 cốt khăn/ngày. Đồng thời trên nền mẫu khăn cơ bản truyền thống, người thợ làng nghề sáng tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới tùy vào mục đích sử dụng của khách hàng, đặc biệt là kết hợp làm trang phục biểu diễn thời trang. Do đó, sản phẩm khăn xếp hiện nay có tới 40 loại khác nhau. Ngoài khăn hầu, khăn tế, người dân làng Giáp Nhất còn xếp được khăn thời trang lên tới 80 nếp, lớn gấp 3 lần so với khăn thông thường. Để chiếc khăn cải biên vẫn có hồn, mang dấu ấn làng nghề hàng trăm năm tuổi thì người thợ Giáp Nhất phải dùng mắt ước lượng, căn chỉnh từng nếp khăn sao cho cân đối; rồi tính toán cốt khăn sao đủ giữ vững hàng chục vòng xếp so với khăn theo kiểu cũ chỉ 5-9 vòng xếp. Những người chưa có kinh nghiệm hay cẩu thả thì không thể làm ra được những chiếc khăn chắc chắn, đẹp, mang đúng dáng dấp xưa. Năm 2018, khăn xếp làng Giáp Nhất lại vinh dự được lựa chọn làm trang phục cho sự kiện thời trang người đẹp quốc tế tổ chức tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Đến nay, ở Giáp Nhất có khoảng 200 hộ làm nghề, tạo việc làm, thu nhập cho trên 500 lao động. Nhiều gia đình có quy mô sản xuất lớn thành lập xưởng, liên kết với nhau và mỗi gia đình sẽ đảm nhận một công đoạn riêng. Khăn xếp làng Giáp Nhất đã tìm được hướng đi để vừa lưu giữ nghề cổ truyền vừa phát triển sản phẩm.

Ngày nay, mặc dù giá trị kinh tế của nghề làm khăn xếp có phần kém hơn so với các nghề khác trong thị trấn nhưng người dân làng nghề vẫn giữ tâm huyết không bao giờ từ bỏ nghề bởi vì chiếc khăn xếp mang một giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của dân tộc, còn quý hơn cả tiền bạc. Thế hệ thanh niên làng Giáp Nhất ngày nay dù nhiều người không sinh sống bằng nghề làm khăn xếp, nhưng họ đều được truyền dạy và thông thạo quy trình, cách làm hoàn chỉnh một chiếc khăn xếp đúng chuẩn. Năm 2021, các cấp chính quyền đã hỗ trợ làng nghề hoàn thiện quy trình công nhận sản phẩm khăn xếp đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Đây là “cú hích” quan trọng để ghi nhận hiệu quả của sản phẩm và khuyến khích người dân tiếp tục sản xuất và giữ nghề truyền thống. Đồng thời mở ra hướng phát triển nghề làm khăn xếp theo mô hình du lịch trải nghiệm nghề truyền thống và gắn kết làng nghề với các điểm du lịch sinh thái, các khu di tích tâm linh trên địa bàn. Hiện tại nhiều hộ dân trong làng nghề đang ấp ủ định hướng mở rộng sản xuất các sản phẩm cùng “dòng” với khăn xếp như các loại khăn chầu, trang phục biểu diễn, tế lễ (áo ngự, áo hầu đồng, áo the)… để làm phong phú thêm sản phẩm, thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng và cho làng nghề thêm sôi động./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com