Giao Thủy nâng cao thu nhập cho người dân

08:01, 11/01/2022

Xác định nhiệm vụ nâng cao thu nhập cho người dân là yêu cầu quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Giao Thủy tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, tạo việc làm, phát động thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, cải thiện đời sống nhân dân, đổi thay mạnh mẽ diện mạo nông thôn mới.

Thu hoạch thủy sản tại xã Bạch Long.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thu hoạch thủy sản tại xã Bạch Long. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện Giao Thủy đã chú trọng các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh các lĩnh vực thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của địa phương, chuyển định hướng sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, đạt giá trị gia tăng cao; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp khai thác, chế biến và khai thác tiềm năng du lịch. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết, gắn với xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, ngành nghề nông thôn có thế mạnh của địa phương, phát triển thành các sản phẩm OCOP. Tăng cường xúc tiến thương mại, thông tin kịp thời về giá cả, nhu cầu thị trường giúp các doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, huyện quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát động các hộ dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Toàn huyện có trên 50 nghìn hội viên Hội Nông dân thì có 60% đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng lớn; nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô trang trại, sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản thâm canh công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn huyện hiện có trên 100 trang trại (trong đó có 86 trang trại nuôi trồng thủy hải sản) tập trung ở các xã: Giao Phong, Bạch Long, Giao Thiện, Giao Long, Giao Hải, Giao Châu, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao An, Giao Thịnh... Một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, công nghệ, tổ chức sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và trực tiếp ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để ổn định sản xuất. Tiêu biểu như: Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản các xã Bạch Long, Giao Long, Giao Hải; Tổ hội nghề nghiệp gắn với Tổ hợp tác “Khai thác thủy hải sản xa bờ” xã Giao Thiện, Giao Long và thị trấn Quất Lâm; Tổ hợp tác kinh doanh hải sản, chế biến nước mắm truyền thống xã Giao Châu, Giao Hải, Giao An, Giao Xuân; Hợp tác xã sản xuất nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận… Nhiều cá nhân, tổ hợp tác được huyện hỗ trợ nâng cao giá trị, phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương và nâng cao kiến thức kỹ năng về kinh doanh dịch vụ, thương mại... Huyện tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại bằng các hình thức phù hợp, thu hút đầu tư và tổ chức giao lưu để các doanh nghiệp thu mua nông sản trực tiếp tìm hiểu, ký hợp đồng với nông dân. Năm 2021, toàn huyện có 50 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Tiêu biểu như các sản phẩm: nõn bề bề, nõn tôm hấp, cá mai tẩm gia vị của Công ty TNHH một thành viên Hùng Vương; cá thu 1 nắng, cá nục 1 nắng của Công ty TNHH Thủy sản Xuân Thủy; mật ong sú vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy... Ngoài việc hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP, huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các cửa hàng cam kết bán sản phẩm OCOP góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Giao Thủy liên kết, nhập gần 150 mặt hàng để trưng bày, giới thiệu và bán cho người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Cùng với sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện liên tục được đầu tư, hỗ trợ phát triển. Hiện nay, ngoài những doanh nghiệp lớn đầu tư tổ chức sản xuất tạo việc làm thu nhập cho người dân, nhiều ngành nghề như: chế biến thủy hải sản, lương thực thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí chế tạo… đã được các cơ sở, hộ sản xuất phát triển trở thành nét đặc trưng của sản phẩm địa phương. Đặc biệt, huyện định hướng gắn sản phẩm truyền thống với việc quảng bá, phát triển du lịch địa phương và yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch tập trung như Vườn quốc gia Xuân Thủy, bãi tắm Quất Lâm, khu Bảo tàng Đồng Quê xã Giao Thịnh đưa sản phẩm tiêu biểu của huyện vào trưng bày, quảng bá. Hiện tại nhiều sản phẩm tiêu biểu địa phương đã được đưa vào danh sách nhóm hàng đăng ký kinh doanh, góp phần đưa sản phẩm nông, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Giao Thủy được tiếp cận với người tiêu dùng nhiều hơn. Nhờ những giải pháp đồng bộ nên trong một năm nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19 kinh tế của huyện vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, một số lĩnh vực cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Diện tích lúa gieo trồng cả năm đạt hơn 14.600ha, năng suất đạt gần 65 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt gần 96 nghìn tấn. Sản lượng thủy sản ước đạt gần 65 nghìn tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2021 ước đạt 6.250 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 187,9% so với dự toán, bằng 172,7% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 70 triệu đồng. 

Năm 2022, huyện phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm và thủy sản chiếm 33,8%, công nghiệp xây dựng và xây dựng chiếm 66,2%. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 3.900 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục duy trì phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; đồng thời triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Rà soát, triển khai thực hiện các đề án, dự án về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm. Tập trung nâng cao hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp. Rà soát, kích cầu các dự án về du lịch, tập trung triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thúc đẩy kinh tế tư nhân, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi để kích thích tư duy sáng tạo, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com