Bố trí hiệu quả nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội

08:01, 06/01/2022

Tỉnh ta chưa có nguồn thu ngân sách cao và ổn định, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế rất lớn, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng, các dự án đê điều, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai.

Công ty Cổ phần May Sông Hồng thi công xây dựng nhà máy may Sông Hồng - Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng).  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Công ty Cổ phần May Sông Hồng thi công xây dựng nhà máy may Sông Hồng - Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng). 

Năm 2021, tỉnh đã thực hiện phân bổ, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để ưu tiên đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp. Trong đó, đã bố trí đủ vốn hoàn ứng ngân sách Trung ương theo chỉ tiêu Chính phủ giao; đối ứng các dự án ODA theo Hiệp định đã ký kết; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành (có hoặc chưa có quyết định quyết toán) sau đó mới bố trí cho các dự án chuyển tiếp, khởi công mới theo khả năng cân đối vốn. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn theo hướng tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành các công trình trọng điểm gồm: đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I), xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, các tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C, đường trục trung tâm phía Nam thành phố Nam Định, khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, khu đô thị mới phía Nam sông Đào. Tiếp tục phân cấp tăng quyền tự chủ cho các huyện, thành phố trong lựa chọn công trình đầu tư phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: cấp trở lại 100%  tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sau khi bố trí cho GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị và 50% số thu từ tiền đấu giá đất các khu (điểm) dân cư tập trung cho các công trình trên địa bàn các huyện; cấp trở lại 100% tiền đất tái định cư cho các công trình trên địa bàn thành phố Nam Định.

Triển khai các biện pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp như làm tốt công tác lập, phê duyệt và quản lý các quy hoạch trên địa bàn để thực hiện các dự án đầu tư công, đồng thời làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư như triển khai các bước lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chuẩn bị các thủ tục xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo các quy hoạch xây dựng chung đã được phê duyệt (điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040...); triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn các huyện đến năm 2030; triển khai xây dựng quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070. Tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác xúc tiến và thu hút đầu tư nên trong năm 2021 đã gia tăng cả về số dự án, số vốn đăng ký đầu tư, trong đó có một số dự án đầu tư lớn như dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định có tổng vốn đầu tư 66 nghìn tỷ đồng, dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư 1.621 tỷ đồng.

Nhờ huy động, bố trí hợp lý nguồn vốn nên tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 ước tăng 15,5% so với năm 2020; trong đó tổng nguồn vốn đầu tư công đã giao chi tiết là 4.157 tỷ đồng, ước giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đảm bảo theo đúng quy định. Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành và đang triển khai thi công, khi hoàn thành sẽ góp phần tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, để tiếp tục bố trí hiệu quả nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh chú trọng thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương là nguồn lực chủ yếu, lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn ODA… Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; chú trọng bố trí vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong đó, tập trung bố trí vốn cho một số dự án giao thông có tính kết nối vùng, tác động lan tỏa, góp phần xúc tiến và thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh; các dự án thủy lợi phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; dự án giáo dục, y tế trọng điểm; dự án phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, cải cách hành chính; dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; dự án văn hóa thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ; dự án đảm bảo quốc phòng - an ninh; đầu tư xây dựng, phát triển thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển tạo động lực tăng trưởng mới; hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương. Không bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác đã đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với các phương án kể trên, toàn tỉnh hướng tới mục tiêu phân bổ vốn gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo định hướng từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com