Hiệu quả từ các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp ở Nam Trực

08:10, 21/10/2021

Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân (HND) tỉnh về tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, thời gian qua, các cấp HND huyện Nam Trực đã tích cực tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Hội cơ sở và hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đã thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên.

Hội viên nông dân xã Điền Xá phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh.
Hội viên nông dân xã Điền Xá phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh.

Xã Nam Cường là vùng quê thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu từ thâm canh cây lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Trước đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thường nhỏ lẻ, manh mún. Để tạo điều kiện cho các hộ nông dân trong xã có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, HND xã đã lập dự án đầu tư xây dựng mô hình tổ hợp tác “Chăn nuôi gà lấy thịt”. Qua một thời gian hoạt động, tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả gắn kết hội viên nông dân trong phát triển sản xuất, góp phần tăng năng suất và giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập. Tại xã Nam Thắng, phát huy lợi thế của vùng bãi bồi màu mỡ ven sông Hồng, nhiều năm qua, các hộ dân đã đưa giống cỏ Nhật về vùng đất bãi trồng thay thế những loại cây kém hiệu quả; đồng thời tích cực trồng các loại cây cảnh ở vùng chuyển đổi và tại gia đình. Nhiều hộ đã trở nên khá và giàu từ trồng cây cảnh, cỏ Nhật. Để mở rộng quy mô sản xuất, gắn kết hội viên cùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tháng 9-2019, tổ hợp tác trồng cỏ Nhật gồm 11 thành viên, tổ hợp tác trồng cây cảnh gồm 10 thành viên được thành lập. Trong đó, mỗi thành viên tổ hợp tác trồng cây cảnh có từ 2 đến 5 sào cây cảnh với các loại cây giống: ngâu, sanh, tùng kim, tùng la hán, cho thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm. Hàng tháng, các tổ hợp tác duy trì sinh hoạt tạo điều kiện để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, từ đó áp dụng vào sản xuất cũng như nắm bắt, chia sẻ về thị trường tiêu thụ. Xã Nam Mỹ có 273ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 103ha diện tích chuyển đổi trồng hoa, cây cảnh. Với lợi thế về đồng đất và giao thông thuận lợi, nhiều năm nay, nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi các vùng đất kém hiệu quả sang trồng đào theo vùng quy hoạch. Đến nay, diện tích trồng đào có trên 85ha. Nếu thời tiết thuận lợi, sau khi trừ chi phí, người dân thu về trung bình từ 10-20 triệu đồng/sào trồng đào. Ngoài ra nông dân trong xã còn phát triển trồng quất cảnh với 1.120 hộ sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vay ưu đãi 500 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, năm 2018, cả 10 hộ của tổ hợp tác trồng quất cảnh đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, cho hiệu quả kinh tế cao. Sau 3 năm thực hiện dự án đã giải quyết việc làm cho từ 15-20 lao động có thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Tại xã Điền Xá, hội viên tích cực phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống, tập trung sản xuất các sản phẩm cây cảnh thế cổ đặc trưng, đồng thời nhập và tiêu thụ các sản phẩm hoa, cây cảnh của địa phương khác, hình thành nên các khu vực sản xuất, kinh doanh. Trong đó, khu vực cây cảnh truyền thống với các nhà vườn tiêu biểu tập trung ở làng Vị Khê, đường S6, đường 21B như hộ các ông Vũ Viết Hoa, Nguyễn Công Khanh, Đỗ Duy Bắc... Các sản phẩm hoa, cây cảnh nhập từ nước ngoài và các tỉnh tập trung ở khu vực thôn Trừng Uyên gồm các nhà vườn Trường Sâm, Thanh Sim. Khu vực xóm Tân Phú, thôn Trung, đường S8, đường 21B với gần 20 hộ sản xuất, kinh doanh cây bon sai mi ni. Khu vực sản xuất các cây hàng lá trồng bồn, cỏ Nhật tập trung ở bãi đê ven sông Hồng thuộc các thôn Lã Điền, Vị Khê, Phú Hào. Một số hộ phát triển các mặt hàng cây bóng mát, các loại cây trồng cho đường phố, biệt thự, resort, sân golf với đủ các loại kích cỡ tập trung tại các tuyến đường lớn quanh xã. Phát huy thế mạnh nghề trồng hoa, cây cảnh, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh của cán bộ, hội viên nông dân xã được thành lập tháng 10-2019, đến nay có 24 thành viên tham gia. 

Đến nay, HND Nam Trực đã xây dựng được 10 mô hình tổ hợp tác với 125 thành viên tham gia. Hoạt động của các tổ hợp tác không chỉ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật mới, cung cấp thông tin, tiêu thụ sản phẩm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hoá, là cơ sở để hình thành các HTX, liên hiệp HTX, các doanh nghiệp, các hiệp hội trong nông nghiệp, nông thôn… Để phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất, các cấp HND trong huyện đã hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư có uy tín, chất lượng cho hội viên. Thời gian tới, các cấp HND huyện Nam Trực tiếp tục vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng đơn vị, từng ngành nghề trong các lĩnh vực: chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông sản và các ngành theo sở thích đảm bảo theo hướng an toàn, bền vững. Xây dựng hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết theo các nhóm hộ cùng mục đích sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể./.  

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com