Nghịch lý thị trường thịt lợn

07:10, 21/10/2021

Thịt lợn là nhóm thực phẩm thiết yếu nên giá tăng hay giảm đều tác động nhanh đến người tiêu dùng. Từ khi bùng phát làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, giá thịt lợn hơi trên thị trường đã liên tục giảm. Đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi trên thị trường tỉnh ta đã “chạm đáy” với mức 35 nghìn đồng/kg đối với lợn nuôi lẻ trong dân và 45 nghìn đồng/kg đối với lợn nuôi quy mô trang trại, giảm 55-60 nghìn đồng/kg hơi so với trước đây trong khi giá nguyên liệu đầu vào là con giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao. Nghịch lý này đang khiến cả người nuôi và người dùng đều thiệt thòi. 

Khu vực bán thịt lợn tại chợ dân sinh xã Giao Tiến (Giao Thủy).
Khu vực bán thịt lợn tại chợ dân sinh xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Những ngày qua, ông Trần Văn Tiến, xã Nghĩa An (Nam Trực) không khỏi sốt ruột, lo lắng bởi giá lợn hơi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn không ngừng tăng. Gia đình ông Tiến hiện có 20 con lợn thịt đến kỳ xuất bán nhưng với giá chỉ từ 35-40 nghìn đồng/kg lợn hơi thì trung bình mỗi tạ lợn, gia đình ông lỗ vốn khoảng 300-400 nghìn đồng. Giữ lợn lại chờ giá lên cao thì không thể bởi đến giai đoạn này lợn không tăng trưởng nữa, nếu giá cám rẻ thì nuôi cầm chừng nhưng giá cám nguyên liệu đầu vào hiện tại cũng liên tục tăng với mức 70-100 nghìn đồng/bao nên gia đình ông đành phải chấp nhận bán lỗ vốn. Không chỉ gia đình ông Tiến, các chủ chăn nuôi lợn khác (trừ các trang trại chăn nuôi gia công) cũng đang lo ngại vì nguy cơ thua lỗ hiện hữu. Theo đại diện Sở NN và PTNT cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục hạ, hiện đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020 (xuống mức giá bình quân 45 nghìn đồng/kg), giá lợn giống cũng giảm mạnh (giảm hơn 50% so với cùng thời điểm năm ngoái) và ở mức thấp nhất trong hai năm qua. Nếu các hộ nuôi không tự sản xuất được con giống thì thời điểm này có lợn thịt xuất chuồng sẽ bị lỗ từ 200-300 nghìn đồng/tạ lợn hơi. Vì ngoài lý do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, còn do lợn thịt được bán ở thời điểm này đồng nghĩa với chủ nuôi phải nhập con giống từ hơn 3 tháng trước là thời điểm lợn giống đang ở mức cao, khoảng 2,3 triệu đồng/con (chưa kể chi phí nhân công, thuốc thú y, điện, nước…). Người nuôi lỗ vốn do giá bán hạ, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại trong tỉnh hiện vẫn ở mức cao (mặc dù đã giảm trung bình từ 20-30 nghìn đồng/kg so với thời điểm giữa quý II năm nay). Hiện tại giá bán lẻ thịt lợn tại một số chợ trên địa bàn thành phố Nam Định đều dao động trong khoảng 80-120 nghìn đồng/kg tùy từng loại thịt. Mức giá này còn cao hơn giá thịt bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch hay trong siêu thị, trung tâm thương mại. Trong đó giá sườn thăn (phần thịt được nhiều người thích mua nhất vẫn có giá bán trên 120 nghìn đồng), mỡ khổ có giá 55-60 nghìn đồng/kg. Với giá lợn hơi và giá thịt lợn tại chợ như vậy, khâu giết mổ và bán lẻ thu lãi hơn 3 triệu đồng/tạ lợn hơi. Đây là nghịch lý trong sản xuất và cung ứng đối với sản phẩm thịt lợn khiến người chăn nuôi, người tiêu dùng thiệt hại nặng, lợi nhuận thuộc về khâu thương mại trung gian. Nguyên nhân chính được ngành chức năng xác định là nguồn lợn nuôi trong dân còn nhiều do đồng loạt tái đàn sau đợt dịch tả lợn châu Phi cuối năm ngoái diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn; dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm cho việc vận chuyển đi tiêu thụ khó khăn; các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể hoạt động cầm chừng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm; sản phẩm nội tạng lợn không bán được do mặt hàng này trước đây các nhà hàng quán ăn tiêu thụ nhiều nên khi người dân hạn chế ra ngoài ăn sáng, các cửa hàng chuyên kinh doanh món ăn này ngừng hoạt động dẫn đến lò mổ phải tăng giá thịt để bù giá. Lợi dụng thực tế này, nhiều cửa hàng bán lẻ thịt lợn cố tình tăng giá để trục lợi. Người tiêu dùng không phải ai cũng có thời gian, kỹ năng phân tích để thấy mình bị trục lợi mà chỉ thấy người bán hàng nói giảm mươi nghìn/kg thịt là đã yên tâm. Bên cạnh đó, do nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu ở các doanh nghiệp chế biến đồ ăn nhanh vẫn còn lớn nên hạn chế nhập thịt từ các trang trại trong nước.

Dự báo trong thời gian tới giá lợn hơi và thịt lợn sẽ tăng vì giá thành chăn nuôi vẫn ở mức cao và dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp ở cả trong và ngoài nước, việc sản xuất và cung ứng thịt lợn thường tăng mạnh vào cuối năm. Để người chăn nuôi, đặc biệt là người tiêu dùng không bị trục lợi, thiệt hại về kinh tế, trước mắt Cục Quản lý thị trường tỉnh và ngành liên quan cần có biện pháp phù hợp, kiểm soát chặt, không để thương lái và lò mổ ép giá người chăn nuôi, đặc biệt là việc tiểu thương tự ý tăng giá bán lẻ một cách bất hợp lý. Đồng thời cử lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các điểm bán lẻ, yêu cầu các cửa hàng bán thịt phải niêm yết giá để người dân được biết và xử lý nghiêm nếu có vi phạm xảy ra. Về lâu dài, việc cốt lõi nhất vẫn là ngành chức năng phải hướng dẫn người dân tổ chức tốt chuỗi liên kết với nhau để chủ động “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm mà hoàn toàn phụ thuộc thương lái dẫn đến nghịch lý người chăn nuôi liên tục thua lỗ vì giá xuất chuồng giảm còn người tiêu dùng chịu thiệt vì mua thực phẩm giá cao. Trong đó, chú trọng khuyến khích người dân nuôi theo mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ để chất lượng sản phẩm được bảo đảm mà người nuôi cũng không còn phải lo lắng khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó người chăn nuôi cần có phương án tìm cách hạ giá thành sản xuất, có thể tự pha chế, phối trộn thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ, hướng dẫn liên kết thành các tổ hợp sản xuất để chủ động trong việc tìm đối tác, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm trong và ngoài nước. Mặt khác, Nhà nước cần tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thị trường để người chăn nuôi có định hướng đầu tư tái đàn hay tạm ngừng cho chuồng nuôi nghỉ để tránh thiệt hại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com