Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chắp cánh khát vọng làm giàu (kỳ 1)

07:09, 09/09/2021

Hưởng ứng Chương trình “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Chính phủ, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Nhiều mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đã thành công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều sản phẩm đặc trưng, việc làm, thu nhập cho người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển trong điều kiện thị trường cạnh tranh khắc nghiệt. 

Thu hái nguyên liệu chế biến nụ hoa hồng sấy khô tại trang trại Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thu hái nguyên liệu chế biến nụ hoa hồng sấy khô tại trang trại Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh). 

I. Từ những mô hình khởi nghiệp thành công 

Khác với những chương trình khởi nghiệp truyền thống, khởi nghiệp sáng tạo được xây dựng trên nền tảng bắt đầu từ ý tưởng, tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường… nhằm tạo ra sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao, có sự khác biệt với sản phẩm cùng loại và mang lại giá trị gia tăng cao. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như: Nghị quyết số 42/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa các chương trình, đề án UBND tỉnh, các cấp, các ngành chú trọng thúc đẩy phong trào KNĐMST nhằm khuyến khích phát triển, đổi mới tư duy sáng tạo, ý tưởng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ. Trong đó, Sở KH và CN đã triển khai hiệu quả việc hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH và CN cho các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, hệ thống quản lý chất lượng VietGAP và các công cụ quản lý LEAN, Kaizen, 5S, cũng như tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia… Đặc biệt, Sở KH và CN đã gắn việc thực hiện Đề án “Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST” với việc hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo khởi nghiệp nhằm tạo sự liên kết giữa nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN; thương mại hóa sản phẩm KHCN; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp; ưu tiên thu hút chất xám, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị cao; bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản… và một số lĩnh vực khác. Bên cạnh đó Sở KH và CN còn phối hợp với bộ, ngành Trung ương tổ chức các lớp tập huấn với nội dung: “xây dựng và vận hành hệ sinh thái KNĐMST tại địa phương”; “nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái KNĐMST”; “khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh chuyên sâu” để tuyên truyền, khuyến khích và trao kỹ năng KNĐMST cho hàng trăm học viên là cán bộ quản lý các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và trường đại học, cao đẳng; sinh viên tiêu biểu và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ trình diễn ứng dụng, giải pháp công nghệ trong xây dựng trường học thông minh, kết nối các doanh nghiệp tham gia Hội thảo phát triển doanh nghiệp KNĐMST do Bộ KH và CN tổ chức. Cùng với Sở KH và CN, Hội LHPN tỉnh, Hội Liên hiệp Thanh niên cũng tổ chức chương trình hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc tổ chức tập huấn, cung cấp “Cẩm nang hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh” và hỗ trợ hội viên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Trong đó Hội LHPN tỉnh liên tiếp tổ chức thành công “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” với các chủ đề hoạt động thiết thực khuyến khích hội viên có ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa giữa các doanh nghiệp nữ mới khởi nghiệp. Nhờ đó, đã có 102 hội viên khởi sự kinh doanh hiệu quả. Đoàn Thanh niên duy trì các câu lạc bộ “Sáng tạo khởi nghiệp Nam Định”, “Hợp tác xã Khoa học công nghệ Thanh niên Xuân Trường”… nhằm tập hợp những thanh niên tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi trên nền tảng KHCN trên địa bàn tỉnh làm nòng cốt trong việc truyền “lửa” đam mê công nghệ cho các bạn cùng trang lứa. Do đó, phong trào khởi nghiệp đã phát triển mang tính sáng tạo cao với nhiều mô hình, nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Anh Vũ Minh Ngọc (thành phố Nam Định) chọn con đường về quê lập nghiệp bằng nghề lên men giấm truyền thống của gia đình với ý tưởng phát triển sản phẩm để giấm ăn không chỉ là gia vị trong bếp mà trở thành đồ uống cao cấp, sản phẩm làm đẹp và là món ăn, bài thuốc hàng ngày của người dân. Công ty TNHH Nông sản Cô Tâm của anh Ngọc ra đời với một xưởng sản xuất nhỏ ngay tại gia đình. Ngay từ đầu anh Ngọc đã quan tâm xây dựng chuẩn hóa quy trình sản xuất và hoàn thiện nhãn hàng hóa “Giấm Cô Tâm” cho sản phẩm truyền thống của gia đình. Từ sản phẩm giấm mơ trà xanh truyền thống, anh Ngọc tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm giấm ngâm tiêu xanh, nước cốt mơ ngâm lâu năm cung ứng ra thị trường. Điểm nhấn trong quá trình lập nghiệp của mình là anh Ngọc không chỉ chủ ý nâng tầm sản phẩm mà còn đặc biệt ưu tiên việc phát triển các kênh bán hàng cả truyền thống và hiện đại gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người tiêu dùng sử dụng giấm hiệu quả nhất. Hiện tại ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, sản phẩm giấm mơ trà xanh đã lên sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Foodmap.asia. Anh Vũ Minh Ngọc chia sẻ: Con đường khởi nghiệp chưa bao giờ “trải hoa hồng”. Nhưng, chính những khó khăn, thậm chí thất bại ở một vài thời điểm trong quá trình khởi nghiệp đã giúp tôi trưởng thành hơn. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương và những tín hiệu tốt từ mô hình sản xuất, tôi tiếp tục có tham vọng thử nghiệm sản xuất chế tạo ra sản phẩm vang mơ đặc trưng từ quả mơ rừng Tây Bắc theo cách kết hợp công thức ngâm ủ gia truyền với công thức sản xuất rượu vang nho phương Tây. 

Được đào tạo chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch và kế toán doanh nghiệp nhưng giữa năm 2016, vợ chồng anh Trần Văn Khoa, hiện đang là chủ trang trại An Nhiên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) lại khởi nghiệp bằng việc về quê làm trang trại tổng hợp. Bỏ lại sau lưng những chuyến du lịch dài ngày ở trong và ngoài nước cùng mức lương khá cao, vợ chồng anh về quê bắt đầu với mô hình làm nông nghiệp sạch để cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Anh Khoa cho biết: “Tôi có thuận lợi rất lớn là gia đình gốc làm nông, qua quá trình tích lũy đã có sẵn cơ sở là trang trại nuôi thủy sản của gia đình với diện tích hơn 10ha. Tuy nhiên nếu sản xuất đơn thuần thì từ đời ông cha đã làm và hiệu quả kinh tế không cao, do đó nhiệm vụ lúc này là ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm riêng biệt có giá trị gia tăng cao”. Hiện tại trang trại có hàng chục sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như cá trắm đen nướng chậu, ruốc cá trắm đen và rất nhiều nông sản sấy khô, tinh dầu thảo dược. Đặc biệt các sản phẩm từ cá trắm đen nguyên liệu đến thành phẩm cá nướng, ruốc cá của trang trại được hỗ trợ xây dựng đạt sản phẩm OCOP. Với nỗ lực vượt khó, đầu tư đúng hướng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nông sản, trang trại của gia đình anh Khoa ngày càng có hiệu quả. Bình quân mỗi năm, trang trại của gia đình anh xuất bán hàng chục tấn cá trắm đen, 6-8 tấn cá cảnh, cá Koi và rất nhiều nông sản khác.  

Với việc đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tạo điểm khác biệt trong từng sản phẩm đã giúp những nhà đầu tư doanh nghiệp nông nghiệp đứng vững trên thị trường, khẳng định vai trò của đổi mới sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp cũng như sự hỗ trợ động viên kịp thời của các ngành, các địa phương. KNĐMST đang thực sự là động lực thay đổi tư duy lập nghiệp, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để làm giàu.

(còn nữa)

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com