Giao Thủy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng

08:09, 08/09/2021

Những năm qua, cùng với việc đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường du lịch, huyện Giao Thủy đã không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tăng sự hấp dẫn cho các điểm du lịch trên địa bàn.

Du khách tìm hiểu về nghề đánh bắt cá của ngư dân vùng biển xã Giao Thiện (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Du khách tìm hiểu về nghề đánh bắt cá của ngư dân vùng biển xã Giao Thiện (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Huyện Giao Thủy có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Ngoài bãi biển với môi trường trong sạch khá nguyên sơ, có khu dự trữ sinh quyển thế giới tham gia Công ước Ramsa - Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng nền văn hóa “mở đất” tiêu biểu của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với hàng trăm di tích, công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng. Từ năm 2011, UBND huyện đã ban hành Đề án số 275/ĐA-UBND về “Phát triển du lịch Giao Thủy giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020”. Thực hiện Đề án, huyện Giao Thủy đã triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú phù hợp quy chuẩn kinh doanh trong hoạt động du lịch phục vụ du khách; đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh phê duyệt công nhận khu du lịch biển Quất Lâm là khu du lịch cấp tỉnh; du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy là điểm du lịch của tỉnh. Trên địa bàn huyện hiện có 196 cơ sở lưu trú với 1.209 phòng nghỉ; trong đó có 15 khách sạn được xếp hạng với 4 khách sạn 2 sao, 11 khách sạn 1 sao và một số nhà hàng, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch toàn huyện đạt từ 120-140 tỷ đồng/năm; tổng lượt khách tham quan, du lịch đạt từ 350-450 nghìn lượt/năm; toàn huyện có hơn 700 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch của huyện, tỷ lệ qua đào tạo đạt 45%. Những năm gần đây, huyện Giao Thủy đã và đang triển khai lập quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng tăng tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, để duy trì sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách, huyện quan tâm các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, khuyến khích các dự án có quy mô bằng hoặc lớn hơn 10ha có khả thi phát triển thành khu du lịch đa năng. Ngoài ra, vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cũng được huyện chú trọng. Huyện có nhiều chính sách ưu đãi phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, từ đó xây dựng các cơ chế đãi ngộ hấp dẫn để cạnh tranh thu hút vốn của các nhà đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở Giao Thủy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Huyện vẫn chưa có sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn và mang tính cạnh tranh cao; các loại hình dịch vụ phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí của du khách chưa được đầu tư; du lịch biển Quất Lâm vẫn còn mang tính mùa vụ, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy và du lịch cộng đồng, điền dã còn mang tính tiềm năng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ (trên 90% là hộ kinh doanh cá thể), chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư để phát triển du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 và thiên tai xảy ra liên tiếp đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực du lịch của huyện chịu những tác động rõ nét và sâu rộng nhất. Các doanh nghiệp du lịch bị tổn thất cả về lượng khách và doanh thu, các hoạt động du lịch bị “đóng băng” hoàn toàn dẫn đến kết quả kinh doanh dịch vụ du lịch của huyện giảm mạnh.

Mục tiêu phát triển du lịch Giao Thủy đến năm 2030 là khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện để phát triển du lịch bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội cao gắn với đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng; tạo ra sự gắn kết giữa các khu du lịch, điểm tham quan để hình thành các tour, tuyến du lịch trong và ngoài huyện. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc thù, kéo dài thời gian lưu trú, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn du khách, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng ngành du lịch địa phương. Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vùng quê biển; tôn tạo, khai thác và giữ gìn hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan môi trường… Các chỉ tiêu phát triển du lịch đến năm 2030, giá trị tăng trưởng bình quân tăng từ 15-20%/năm; tổng lượng khách du lịch đạt 900 nghìn lượt người; tổng doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng; tổng số lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch 2.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; 100% cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được thẩm định, xếp hạng; phấn đấu có khách sạn đạt chuẩn 3 sao.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Giao Thủy đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu để phát triển du lịch: Nâng cao chất lượng hoạt động Ban quản lý du lịch huyện và các khu, điểm du lịch. Tiếp tục tập trung khai thác, mở rộng quy mô, nâng cấp khu du lịch nghỉ mát, tắm biển Quất Lâm. Kêu gọi đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Giao Phong (đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch) thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy. Trên cơ sở mô hình Bảo tàng Đồng quê, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời tạo sự gắn kết giữa 4 cụm du lịch trên để xây dựng du lịch Giao Thủy trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, đối với du lịch nghỉ mát, tắm biển Quất Lâm, huyện có kế hoạch nâng cấp hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, quy hoạch lại khu vực ki-ốt theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo không làm phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển khu ẩm thực, khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, mua sắm, từng bước nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Đối với khu nghỉ dưỡng, tắm biển Giao Phong (tổng diện tích 235,78ha) sẽ phát triển hiện đại theo mô hình xanh, thân thiện với môi trường. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển đồng bộ các loại hình vui chơi, giải trí với tổng số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, dự án đang trong giai đoạn trình UBND tỉnh phê duyệt. Đối với du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy, huyện có chủ trương không quy hoạch xây dựng hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tập trung để giảm thiểu tác động của con người đối với rừng ngập mặn nguyên sinh tự nhiên, ảnh hưởng tới đời sống của các loài chim di trú, giữ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mở rộng dịch vụ phục vụ khách tham quan, nghiên cứu khoa học. Xây dựng bến tàu du lịch đón khách du lịch đi tàu biển từ Quất Lâm đến tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn Xuân Thủy; xây dựng các tuyến đường dẫn đi bộ, đi xe đạp, hệ thống nhà sàn, chòi quan sát, bãi cắm trại du lịch làm điểm dừng chân cho du khách trên đảo Cồn Lu (diện tích khoảng 2.500ha). Hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy đang trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện. Ngoài việc xây dựng các khu du lịch tiềm năng, huyện Giao Thủy tiếp tục duy trì, mở rộng loại hình du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm đời sống cộng đồng dân cư địa phương thân thiện, mến khách và những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng bản địa.

Thực tế hiện nay, để thích ứng và “sống chung” với diễn biến bất thường của dịch bệnh COVID-19, huyện Giao Thủy đã thực hiện nghiêm các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Với nhận định tình hình dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp kéo dài, thay vì quan tâm đến các yếu tố mới lạ, tiện nghi, hấp dẫn như trước đây thì trong thời điểm này, khách du lịch lại quan tâm hơn đến yếu tố an toàn của “điểm đến”, huyện Giao Thủy đã sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để thích ứng và duy trì, phát triển du lịch trong bối cảnh mới với những giải pháp kích cầu du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com