Chủ động tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện chi ngân sách năm 2021

07:03, 01/03/2021

Năm 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, vì vậy các ngành, các địa phương phải chủ động phương án thực hiện hiệu quả dự toán ngân sách Nhà nước giao, trong đó có nhiệm vụ chi ngân sách. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, tỉnh đã quán triệt chủ trương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán chi. Đồng thời chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2021 (trên cơ sở nguồn ngân sách Nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác). 

Cán bộ Chi cục Thuế Nghĩa Hưng rà soát các khoản thu, tạo nguồn chi ngân sách Nhà nước.
Cán bộ Chi cục Thuế Nghĩa Hưng rà soát các khoản thu, tạo nguồn chi ngân sách Nhà nước.

Theo đó, Sở Tài chính đã hướng dẫn các ngành, các địa phương bám sát các chủ trương, định hướng, mục tiêu của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và các văn bản tổ chức triển khai, thực hiện công tác xây dựng dự toán chi ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Các huyện, thành phố đã chủ động chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thiết thực hiện năm 2021; triển khai lập dự toán ngân sách theo phương án triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, sự nghiệp công; đối với các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn cho các dự án thực sự cấp bách khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, dành nguồn vốn chi cho đầu tư xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện, thành phố. 

Căn cứ dự toán giao thu và số bổ sung ngân sách từ Trung ương, tổng chi ngân sách toàn tỉnh năm 2021 dự kiến là 13.028 tỷ 274 triệu đồng; trong đó phần ngân sách địa phương được điều hành là 13.026 tỷ 874 triệu đồng và trả nợ vay ngân sách Trung ương là 1 tỷ 400 triệu đồng. Tỉnh dự toán phân bổ chi 4.166 tỷ 997 triệu đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản, tăng 11% so với dự toán Trung ương giao; chi 1 tỷ 600 triệu đồng trả nợ lãi vay, bằng dự toán Trung ương giao; chi thường xuyên 8.295 tỷ 608 triệu đồng, bằng 98% so với dự toán năm 2020. Trong đó, ưu tiên chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu tiền sử dụng đất với mức dự chi là 2.220 tỷ đồng; chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu xổ số kiến thiết với mức dự chi là 34 tỷ đồng, bằng dự toán Trung ương giao và tăng 6% so với dự toán năm 2020... Tại Trực Ninh, dự toán chi ngân sách năm 2021 là 329 tỷ 921 triệu đồng, giảm 3 tỷ 485 triệu đồng so với dự toán năm 2020. Trong đó, huyện đã tích cực giảm chi thường xuyên với mức giảm ước là 3 tỷ 422 triệu đồng so với dự toán năm 2020; ưu tiên chi đầu tư phát triển và chi kế hoạch đầu tư công từ nguồn thu tiền sử dụng đất vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm là: công tác quy hoạch, đo đạc địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các công việc liên quan đến quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Dự toán chi ngân sách năm 2021 của huyện Hải Hậu là 843 tỷ 668 triệu đồng; trong đó ngân sách huyện chi là 580 tỷ 543 triệu đồng, ngân sách xã chi là 263 tỷ 125 triệu đồng. Theo đó, huyện Hải Hậu ưu tiên bố trí, phân bổ 29 tỷ 720 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện thu đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020 cho các nhiệm vụ trọng điểm gồm: hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 14 tỷ 500 triệu đồng; phân bổ cho 14 công trình của huyện 13 tỷ 184 triệu đồng; chi cho công tác chuẩn bị đầu tư và lập quy hoạch sử dụng đất, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa 2 tỷ 36 triệu đồng. Huyện Xuân Trường dự kiến dự toán chi ngân sách địa phương năm 2021 là 587 tỷ 559 triệu đồng; trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản là 122 tỷ 500 triệu đồng, chi thường xuyên là 465 tỷ 59 triệu đồng. Tại các xã, thị trấn đã xác định tăng cường trách nhiệm theo dõi sát tình hình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; chú trọng kiểm soát tình hình nợ công, xác định biện pháp xử lý nợ công làm lành mạnh tình hình tài chính ngân sách xã; kiên quyết không đầu tư mới các công trình khi chưa có nguồn vốn đảm bảo. Trong xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2021, các xã, thị trấn tập trung bố trí vốn chi cho: kinh phí hoạt động công tác Đảng của tổ chức; chi chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên; chi phụ cấp đại biểu và hoạt động của HĐND xã, thị trấn; đảm bảo tiền lương, các khoản phụ cấp, các khoản trích theo lương của cán bộ, công chức...

Trong năm nay, các ngành, các địa phương tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư để đảm bảo thực hiện đầu tư công đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt; quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng cơ bản;  thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng chế độ quy định; tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đẩy mạnh thực hiện các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh tra, kiểm toán. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí; hạn chế tối đa đề xuất ứng trước dự toán; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết không thực hiện chuyển nguồn đối với các nhiệm vụ do chủ quan các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chậm. Các huyện, thành phố chủ động bố trí ngân sách dự phòng để phục vụ chi các nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ phát sinh đột xuất; ngân sách tỉnh chỉ xem xét hỗ trợ trường hợp thiên tai diện rộng, gây hậu quả nặng nề và những nhiệm vụ giao thêm vượt quá khả năng của sở, ban, ngành, các huyện, thành phố./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com