Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút đầu tư bảo vệ môi trường

04:02, 26/02/2021

Đẩy mạnh xã hội hóa là một trong những giải pháp được tỉnh tích cực triển khai nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), hỗ trợ và khắc phục khó khăn nguồn ngân sách eo hẹp.

Điển hình là việc huy động nguồn lực doanh nghiệp, cộng đồng nghiên cứu, chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt sử dụng ở quy mô cấp xã đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Lò đốt rác sinh học LOSIHO của Công ty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường) đã được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh lựa chọn sử dụng như: xã Hải Nam, Hải Hưng, thị trấn Yên Định (Hải Hậu), thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường)… góp phần giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn. Công tác thu gom rác thải sinh hoạt cũng được người dân các địa phương tích cực chung sức thực hiện, đóng góp kinh phí, tổ chức các tổ dịch vụ thu gom, xử lý rác thải. Các thôn, xóm định kỳ hàng tuần; các xã định kỳ 2 lần/tháng tổ chức các đợt dọn vệ sinh, phối hợp trồng và chăm sóc hoa lề đường để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Tại 9 huyện, đã hình thành các tổ, đội, hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường hoạt động thu gom, xử lý rác thải và có sự quản lý của UBND xã, thị trấn. Đến nay, đã có 182 xã, thị trấn đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có 73 xã, thị trấn xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh; 109 xã, thị trấn lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt.

Công nhân Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC vận hành lò đốt rác thải công nghiệp.
Công nhân Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC vận hành lò đốt rác thải công nghiệp.

Về phía tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng; miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các công trình BVMT; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động BVMT. Với các chính sách hỗ trợ và tạo môi trường đầu tư thông thoáng trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, tái chế rác thải... như Công ty CP đầu tư và kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ETC, Công ty TNHH Một thành viên môi trường xanh Nam Trực tại thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Công ty TNHH môi trường đô thị Trực Ninh tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư Nhà máy điện rác Greenity tỉnh Nam Định do Công ty CP năng lượng Greenity Nam Định làm chủ đầu tư với diện tích 5ha sử dụng công nghệ điện rác với công suất xử lý 300 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm (250 tấn rác sinh hoạt và 50 tấn rác thải công nghiệp).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại là Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC (KCN Hòa Xá) được Bộ TN và MT cấp giấy phép với công suất xử lý 15 nghìn tấn rác thải công nghiệp và 20 nghìn tấn chất thải nguy hại/năm. Đại diện Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC cho biết: Kể từ khi đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách thuế, miễn tiền thuê đất, tiền thuê tài sản gắn liền với đất của Trạm trung chuyển chất thải nguy hại tại KCN Hòa Xá. Để đảm bảo cung ứng dịch vụ thu gom, xử lý chất thải đúng quy chuẩn pháp luật, trên tổng diện tích đất thuê rộng 3ha, Công ty đã đầu tư xây dựng 1 xưởng xử lý chất thải nguy hại, 2 xưởng tái chế, 1 xưởng phế liệu cùng hệ thống nhà điều hành, nhà ăn quy mô và thân thiện. Công ty đã trang bị và lắp đặt hệ thống trạm xử lý nước thải hóa - lý kết hợp vi sinh đạt chuẩn theo QCVN 40:2011/BTNMT; lò đốt chất thải FB-1000E với nhiệt độ buồng sơ cấp từ 650oC đến 800oC và buồng thứ cấp từ 1.050oC đến 1.200oC; hệ thống Xyclon thu hồi bụi, xử lý và làm mát nước; hệ thống xử lý bóng đèn thải, dung môi, dầu thải; các thiết bị, công nghệ phá dỡ linh kiện điện tử, ắc quy, nhựa, kim loại nhiễm dầu, hóa chất nguy hại và hóa rắn chất thải... Phần lớn các thiết bị của Công ty được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Đức, Ý; lực lượng phương tiện xe ô tô vận chuyển các loại chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt của Công ty đều được trang bị hệ thống giám sát trực tuyến để giám sát lộ trình vận chuyển thông qua thiết bị định vị GPS với sự theo dõi chặt chẽ của Cục Quản lý chất thải nguy hại (Bộ TN và MT). Các loại chứng từ xử lý chất thải nguy hại được thực hiện trực tuyến nên luôn bảo đảm sự công khai, minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Công ty đảm bảo kiểm soát, tuân thủ nghiêm ngặt các thông số kỹ thuật về nhiệt độ, áp suất, nồng độ các chất thải có thể phát tán ra môi trường; không để xảy ra tình trạng có bất kể thông số nào vượt quy chuẩn cho phép trong quá trình xử lý và sản xuất các sản phẩm sau xử lý rác thải. Hiện tại, Công ty đang chuẩn bị lắp đặt hệ thống quan trắc tự động có sự giám sát trực tuyến của ngành TN và MT. Nhiều doanh nghiệp lớn ngành dệt may, y tế, xăng dầu trong tỉnh đã trở thành những khách hàng gắn bó của Công ty ETC. Ngoài khách hàng trong tỉnh, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng... cũng đã sử dụng dịch vụ thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại do Công ty ETC cung cấp. Sự tích cực hỗ trợ, tại điều kiện của tỉnh cũng giúp Công ty yên tâm, dự kiến tiếp tục bố trí các điều kiện đầu tư thêm thêm 1 nhà máy xử lý chất thải quy mô lớn hơn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên công tác thu hút xã hội hóa đầu tư vào công tác BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Toàn tỉnh mới chỉ thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường trước mắt như: thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư công trình xử lý các vấn đề môi trường lớn, bức xúc còn khó khăn như: xử lý nước thải, rác thải các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xử lý môi trường làng nghề, cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường. Nguyên nhân theo Sở TN và MT xác định là do: đầu tư cho BVMT vốn dĩ là lĩnh vực được rất ít doanh nghiệp quan tâm, khá dè chừng do đòi hỏi vốn lớn, thu hồi vốn chậm và lợi nhuận không cao. Bên cạnh đó, một số bất cập liên quan như trong công tác quy hoạch (vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác không nằm trong quy hoạch vùng huyện, quy hoạch vùng tỉnh) khiến nhà đầu tư mất nhiều thời gian xử lý, điều chỉnh quy hoạch để hoàn tất thủ tục mới được giao đất; vị trí thu hút đầu tư, xây dựng công trình xử lý rác thải đã quy hoạch chưa đảm bảo quy chuẩn về khoảng cách từ chân công trình đến nhà dân; nhiều hộ dân ở khu vực nông thôn còn chưa chấp hành đóng nộp kinh phí thu gom, xử lý rác thải mà vẫn tùy tiện xả rác bừa bãi ra môi trường khiến doanh nghiệp còn e ngại khi đầu tư dịch vụ thu gom, xử lý rác thải... 

Để nâng cao hiệu quả thu hút xã hội hóa đầu tư các công trình BVMT, mà trước mắt là thu hút đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các khu xử lý rác thải tập trung liên xã, liên vùng huyện, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục các bất cập tồn tại; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hiện hành về dịch vụ môi trường và tăng cường thực thi Luật BVMT. Thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân nông thôn hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực thi các quy định pháp luật liên quan đến BVMT, trong đó cần tự giác tham gia đóng phí chi trả cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, giúp các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có đủ nguồn kinh phí duy trì, vận hành, nâng cao hiệu quả, chất lượng thu gom, xử lý rác thải. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách đổi mới cơ chế giá dịch vụ trên nguyên tắc người xả thải gây ô nhiễm phải trả tiền, có tính đến khả năng chi trả của người dân tạo sự công bằng trong xã hội, đặc biệt là cơ chế giá dịch vụ môi trường, cơ chế lựa chọn dự án, nhà thầu, minh bạch thông tin và hỗ trợ người thu nhập thấp./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com