Rau xanh giảm giá sâu - Nỗi lo của người trồng

03:02, 26/02/2021

Từ trước Tết Nguyên đán nửa tháng đến nay, giá rau xanh các loại giảm ngày càng sâu và khó tiêu thụ trong khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ khiến người trồng rau màu “đứng ngồi không yên”. Tình trạng rau màu để khô héo hoặc phá bỏ ngay trên ruộng làm phân xanh, thức ăn chăn nuôi đang diễn ra ở nhiều vùng trồng rau gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân.

Người dân Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) phân loại cà chua trước khi xuất bán cho thương lái.
Người dân Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) phân loại cà chua trước khi xuất bán cho thương lái.

Rau xanh giảm giá mạnh

Không khí buồn đang bao trùm khắp các vùng trồng rau lớn cũng như ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn bởi rau xanh giá quá thấp mà không có người mua. Giá rau bán lẻ trên thị trường ở mức trung bình 5.000 đồng 1 cây cải bắp, 8.000 đồng 1kg đỗ, su hào 2.000-3.000 đồng/củ, cà chua 2.000-4.000 đồng/kg; nhiều loại rau ăn lá khác cũng có giá từ 8-10 nghìn đồng/kg… giảm 70% so đầu vụ. Chị Trần Thị Thu, xã Nam Dương (Nam Trực) chở một xe rau cải bắp lên bán tại chợ Văn Miếu (thành phố Nam Định) cho biết: Rau xanh vào thời điểm này giá quá rẻ, mỗi chuyến đi chợ tôi chở hàng tạ rau, đi vài chục cây số, bán hết hàng thì trừ chi phí xăng xe, vé chợ cũng mới chỉ đủ tiền vốn chứ không có đồng công nào. Tại các vùng trồng rau màu kể cả vùng sản xuất rau an toàn như Yên Cường, Yên Dương (Ý Yên); Giao Phong (Giao Thủy) hay những vùng trồng rau truyền thống giá rau màu còn ở mức thấp hơn nữa... Anh Phạm Văn Chuyển, thị trấn Quỹ Nhất cho biết: là vùng sản xuất cà chua nổi tiếng của cả tỉnh với trên 55ha trồng luân canh cả cà chua sớm, đúng vụ và vụ muộn nhưng chưa bao giờ giá bán lại thấp như hiện nay và tiêu thụ rất khó khăn. Theo tính toán của người trồng, mỗi sào cà chua cho thu hoạch 1,5-2 tấn, bán với giá bình quân 5.000 đồng/kg mới đủ chi phí. Vậy nhưng thời điểm này loại cà chua đẹp nhất mới bán được giá hơn 1.000 đồng/kg, mỗi sào cà chua lỗ từ 3-4 triệu đồng. Thiệt hại nhất là những hộ trồng cà chính vụ và cà muộn. Tại vùng rau màu xã Yên Cường (Ý Yên), cả cánh đồng bắp cải quá lứa thu hoạch gặp nắng, gặp mưa nổ tung không còn bán được. Nhiều loại rau màu khác cũng trong tình trạng tương tự. Đồng chí Phạm Văn Dự, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Cường cho biết: Rau rẻ đã đành nhưng không xuất bán được, hiện tại riêng Hợp tác xã còn tồn khoảng 4 tấn cải bắp, chưa kể các loại rau màu khác. Chúng tôi đã tìm nhiều phương án thúc đẩy tiêu thụ rau màu nhưng không khả thi, phương án sơ chế không thực hiện được vì thiếu phương tiện, hơn nữa các loại rau ăn lá HTX trồng không phù hợp cho sơ chế, chỉ duy nhất có su hào có thể thái nhỏ phơi khô.

Người dân tìm mua sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Cường (Ý Yên).
Người dân tìm mua sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Cường (Ý Yên).

Bài toán khó cho tiêu thụ nông sản

Không chỉ rau xanh mà thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm, thủy sản cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện tại, tổng diện tích trồng rau màu hàng năm của tỉnh đạt khoảng trên 35 nghìn ha, trong đó vụ đông 12.417ha, vụ Xuân 14.530ha, tập trung nhiều ở hầu hết các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Năm nay thời tiết thuận lợi cho các loại rau màu sinh trưởng tốt, nguồn cung dồi dào nên giá bán giảm là phù hợp với quy luật. Bên cạnh đó do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện các quy định phòng chống dịch khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, việc tổ chức đình đám, hiếu hỷ hạn chế quy mô; các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa, bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, trường học tạm ngưng hoạt động hoặc giảm lượng khách nên giảm nhập hàng, sức mua của thị trường kém khiến giá rau màu giảm mạnh. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, các Hợp tác xã, chính quyền địa phương đã chủ động liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm; nhiều nhóm tình nguyện cộng đồng đã tham gia “giải cứu” giúp bà con… Tuy nhiên, những cách làm này chỉ là tình thế tạm thời bởi nông sản dư thừa đồng thời ở nhiều địa phương khác. Đây là vấn đề khó đối với cả cơ quan chức năng và người nông dân bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp chưa biết đến khi nào mới khắc phục được trong khi mùa vụ vẫn quay vòng quanh năm; người nông dân vẫn phải bám ruộng, bám vườn làm kế sinh nhai.

Giải pháp được đưa ra là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất với nông dân để góp phần cải thiện thị trường. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tổ chức lại sản xuất, từ việc chọn giống cây trồng đến đầu tư chế biến sau thu hoạch. Trong đó tập trung vào nhóm các sản phẩm có thời gian thu hoạch đến tiêu thụ kéo dài, có nhiều khả năng chế biến sâu thành thực phẩm, mỹ phẩm như các loại rau củ như củ cải, cà rốt, khoai tây, lạc, cần tây, đậu tương, ngô… Trước mắt cần sự hỗ trợ chia sẻ của các cơ quan liên quan đến vốn đầu tư, vật tư nông nghiệp giúp nông dân giảm khó khăn khi không thể tiêu thụ sản phẩm để thu hồi vốn trả nợ đầu tư vụ mới, chờ dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế, thị trường tiêu dùng từng bước tái hồi phục./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

   

 

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com