Tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản

08:12, 31/12/2020

Mặc dù phải chịu nhiều tác động xấu từ thời tiết, dịch bệnh nhưng năm 2020 kinh tế thủy sản của tỉnh vẫn có sự tăng trưởng so với năm 2019; đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi và sản xuất, cung ứng giống thủy sản.

Người dân huyện Nam Trực thu hoạch cá nước ngọt.
Người dân huyện Nam Trực thu hoạch cá nước ngọt.

Hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản diễn ra chính vụ từ tháng 3 đến tháng 7. Các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh đã triển khai sản xuất, ương dưỡng đa dạng các đối tượng: tôm sú, hàu, ngao, cua, cá bống bớp và các loài cá truyền thống cá nước ngọt, kịp thời phục vụ nhu cầu thả nuôi trong tỉnh. Ngay từ đầu năm, Sở NN và PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền và trực tiếp cử cán bộ hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ, thực hiện các thủ tục hành chính về nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp xác nhận nuôi đối tượng chủ lực cho 433 cơ sở/1.554 ao, bể; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho 49 cơ sở; cấp 1 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản; cấp 7 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thủy sản hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức nhận biết con giống chất lượng, đúng quy định cho người dân. Nhờ đó chất lượng con giống sản xuất trong tỉnh được nâng cao, đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Năm 2020, Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) đã triển khai kế hoạch quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tập trung với tần suất 2 lần/tháng đối với vùng nuôi nước ngọt, tôm nước lợ; 1 lần/tháng đối với vùng nuôi ngao. Kết quả quan trắc môi trường nuôi đều ổn định, thích hợp cho các đối tượng nuôi sinh trưởng, phát triển, nhất là đối với vùng nuôi ngao. Về sản xuất giống, Chi cục Thủy sản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống căn cứ lịch mùa vụ, nhu cầu thực tiễn để tiếp tục sản xuất, cung ứng các loại giống thủy sản đảm bảo chất lượng cung ứng kịp thời cho người nuôi; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Do đó, các hộ nuôi trồng thủy sản đều bám sát hướng dẫn, khung lịch thời vụ của Sở NN và PTNT, tập trung sửa chữa, cải tạo ao đầm trong 4 tháng đầu năm. Tại vùng nước ngọt, đa số là diện tích nuôi cá truyền thống. Thời điểm này, người dân các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh... vẫn đang thu tỉa, thả bù các loại cá nước ngọt như: cá trắm đen, diêu hồng, chép, trôi... Về xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) những ngày cuối năm, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy, ô tô đang “nối đuôi” nhau chờ người dân thu hoạch cá trắm đen đưa đi phân phối tại các địa phương khác nhau. Những con cá sau quá trình chăm vỗ cẩn thận, tỉ mỉ đến lúc thu hoạch nặng từ 4 đến 7kg, thậm chí có những con cá nặng cả chục cân. Thu hoạch cá trắm đen vào dịp này được coi là mùa thu hoạch chính và bội thu nhất của người dân xã Mỹ Hà. Tại vùng nuôi mặn lợ, người dân rải rác thả nuôi đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Nhiều mô hình nuôi thâm canh đạt hiệu quả cao, cho năng suất tốt nhờ thường xuyên chăm sóc tỉ mỉ, cải tạo ao đầm cũng như chủ động theo dõi môi trường nước, các yếu tố thời tiết để có những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như hộ các ông Trần Văn Giáp, xã Hải Lý (Hải Hậu); Nguyễn Đức Chỉnh, xã Hải Xuân (Hải Hậu)… Ngoài ra, các đối tượng nuôi như ngao, cá bống bớp, cua biển có dấu hiệu phát triển tốt. Với sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của Sở NN và PTNT, cùng sự nỗ lực của các hộ nuôi thủy sản mà đến nay, ước tính lượng con giống sản xuất đạt 13.585 triệu con, trong đó con giống nước mặn lợ là 12.615 triệu con, con giống nước ngọt là 970 triệu con. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 114 nghìn tấn, tăng hơn 10 nghìn tấn so với năm 2019. Trong đó sản lượng nuôi nước ngọt ước đạt 57 nghìn tấn, nuôi mặn lợ ước đạt trên 57 nghìn tấn.

Ngoài những tác động lớn do điều kiện thời tiết, dịch bệnh, ngành thủy sản tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn; trong đó hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi còn nhiều bất cập, còn chung với sản xuất nông nghiệp và muối; kênh cấp, thoát nước chưa tách biệt hoặc tách biệt chưa hoàn toàn. Do đó, việc điều tiết nước phục vụ nuôi thủy sản còn gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến kết quả vụ nuôi. Bên cạnh đó, việc sản xuất con giống thủy, hải sản trong tỉnh một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, cá trắm đen… vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người nuôi. Chất lượng giống các loài cá truyền thống chưa thực sự đảm bảo do đàn cá bố mẹ đã già và thoái hóa. Bên cạnh đó, ý thức của một số người nuôi vẫn còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng lạm dụng hóa chất, kháng sinh, xả nước bừa bãi ra môi trường không qua xử lý... Để khắc phục những khó khăn trên, Sở NN và PTNT, các cơ sở nuôi thủy sản đã đề ra biện pháp, chính sách đầu tư phát triển, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi. Đối với các vùng nuôi thủy sản mặn lợ tập trung, cần có dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét các ngòi tiêu để tiêu thoát nước. Với các vùng nội đồng, nâng cấp sửa chữa hệ thống cống đã hỏng. Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động quy hoạch chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả và tận dụng các diện tích ao, hồ, thùng đào, thùng đấu... để phát triển nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT chủ động hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo ao đầm, bãi triều, chuẩn bị tốt cho thả giống các đối tượng thủy sản. Các cơ quan chức năng phối hợp, chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện thực hiện quản lý chặt chẽ hệ thống cung ứng giống từ các nơi khác về tỉnh; kiểm soát toàn bộ nguồn giống nhập, đối chiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, đánh giá chất lượng giống, thu mẫu xét nghiệm đối chứng, xử lý vi phạm trong vận chuyển lưu thông nhằm ngăn chặn, loại bỏ những lô giống kém chất lượng, nhiễm bệnh./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com