Chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi trong sản xuất vụ lúa xuân năm 2021

06:12, 29/12/2020

Chủ động khắc phục khó khăn, bám sát diễn biến thời tiết, khí hậu, phấn đấu vụ xuân năm 2021 đạt kết quả cao về năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả, góp phần đạt chỉ số tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm từ 2,5-3%.

Lãnh đạo Sở NN và PTNT, huyện Vụ Bản kiểm tra công tác vận hành các tổ máy bơm tại Trạm bơm Cốc Thành, xã Tân Thành phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2021.
Lãnh đạo Sở NN và PTNT, huyện Vụ Bản kiểm tra công tác vận hành các tổ máy bơm tại Trạm bơm Cốc Thành, xã Tân Thành phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2021.

Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2021 toàn tỉnh gieo cấy khoảng 72.100ha lúa, giảm 365ha so với vụ xuân năm 2020. Các địa phương tập trung gieo mạ trước Tết Nguyên đán, từ ngày 2 đến 5-2-2021; gieo cấy từ ngày 16-2 và phấn đấu hoàn thành trước ngày 25-2. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm nay lượng nước trên hệ thống các sông tiếp tục thiếu hụt từ 20-40% so với bình quân hàng năm, lượng dòng chảy về các hồ chứa thiếu hụt so dung tích thiết kế; trong khi đó mực nước triều năm nay dâng cao hơn từ 60-70cm so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập rất sâu gây khó khăn cho việc lấy nước đổ ải, làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2021. Dưới tác động của hiện tượng La Nina, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm; đặc biệt các đợt rét đậm, rét hại kéo dài tập trung đúng vào thời kỳ gieo cấy lúa xuân. Bên cạnh đó, các đối tượng sâu, bệnh, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên cây trồng và vật nuôi, nhất là bệnh lùn sọc đen, sâu keo mùa thu và dịch tả lợn châu Phi; dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp; giá các loại vật tư có xu hướng tăng, thị trường và giá nhiều loại nông sản không ổn định ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của các hộ nông dân cũng như hiệu quả sản xuất… Vì vậy, Sở NN và PTNT, các địa phương đang tập trung cao cho nhiệm vụ lấy nước, làm đất gieo cấy lúa xuân bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất. Theo báo cáo của các công ty TNHH một thành viên KTCTTL thuộc tỉnh thì tổng diện tích sẽ gặp khó khăn về nước tưới ước khoảng 24 nghìn ha; trong đó khó khăn nhất là gần 15 nghìn ha thuộc địa bàn phục vụ của 2 Công ty thủy nông Xuân Thủy và Nghĩa Hưng.

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ cuối tháng 11-2020, các huyện, thành phố và các công ty thủy nông của tỉnh đã đồng loạt tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, tập trung nạo vét cửa cống, bể hút trạm bơm, kênh mương, tôn cao bờ vùng bờ thửa; Tu bổ, sửa chữa kênh mương, công trình xây đúc, máy móc thiết bị; kiên cố hóa kênh cấp III... Ðồng chí Nguyễn Văn Dân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 787/UBND-VP3 ngày 21-9-2020 và Công văn số 2861/SNN-CCTL ngày 22-10-2020 của Sở NN và PTNT, tranh thủ thời tiết khô ráo toàn hệ thống đã tổ chức ra quân nạo vét 1.015 kênh cấp III, 15 kênh khoảnh, đắp 104 bờ vùng, bờ thửa với tổng khối lượng đào đắp ước trên 335 nghìn m3. Một số đơn vị làm tốt chiến dịch thủy lợi nội đồng như các HTX: Nam Hồng, Ðồng Sơn, Tân Thịnh, Nam Dương (Nam Trực); Trực Nội, Liêm Hải (Trực Ninh)… tạo thuận lợi cho việc lấy nước đổ ải, làm dầm. Trong chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, các công ty thủy nông và các địa phương đã cơ bản hoàn thành đào đắp 4.840 bờ vùng, kênh khoảnh, kiên cố hóa 85 kênh với tổng khối lượng đào đắp gần 1 triệu 476 nghìn m3 bùn đất, 7.469m3 gạch đá và 1.500m3 bê tông; làm mới 3 công trình thủy lợi đầu mối, 40 cống đập cấp II; sửa chữa 45 công trình đầu mối; nạo vét 36 cửa cống, 34 bể hút trạm bơm, 25 kênh cấp I... Ðến thời điểm này, việc đào đắp, nạo vét kênh mương, bể hút đã cơ bản được hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ gieo cấy. Cùng với việc thực hiện tốt chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, căn cứ kế hoạch gieo cấy, lịch thời vụ, các địa phương, các công ty thủy nông đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch lấy nước phù hợp với các đợt xả nước hồ thủy điện, bảo đảm có đủ nguồn nước. Ðồng chí Trần Ðức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Rút kinh nghiệm từ những vụ xuân trước, lường trước khó khăn do thiếu hụt nguồn nước ngọt, mặn xâm nhập, Sở NN và PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân, trong đó yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành sớm các công trình trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo thông nước từ công trình đầu mối đến mặt ruộng. Sở NN và PTNT cũng thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo các công ty thủy nông tập trung các biện pháp lấy nước phục vụ gieo cấy lúa xuân. Chỉ đạo, đôn đốc các công ty KTCTTL các huyện tập trung xây dựng chi tiết kế hoạch và tích cực triển khai các biện pháp lấy nước vào các kỳ triều cường, nhất là thời điểm cuối tháng 12-2020 và đầu tháng 1-2021 để nâng mực nước trong tất cả tuyến sông nội đồng, tiến hành thau chua, rửa mặn và cấp nước cho đồng ruộng; phối hợp với các HTX nông nghiệp chuẩn bị máy bơm dã chiến bơm nước tạo nguồn và sử dụng nước tiết kiệm; đồng thời chủ động bám sát lịch xả nước của các hồ chứa để lấy đủ nước làm đất và bảo đảm gieo cấy lúa xuân theo đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung sử dụng các giống thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ tốt như Bắc thơm số 7, LP5, Lộc Trời 183, TBR225, TBR279, NÐ5, HDT10, Hương cốm 4, T10, ÐH12; những chân ruộng chua, mặn hoặc úng trũng sử dụng các giống lúa lai chất lượng cao: Nhị ưu 838, CT16, TX111, Tej vàng, TH3-3, Lai thơm 6... Các huyện, thành phố lựa chọn sử dụng tập trung 1-2 giống lúa lai và 2-3 giống lúa thuần chất lượng trong cơ cấu giống của địa phương; đồng thời chủ động mở rộng mô hình trình diễn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, hạn, mặn như: Thiên Trường 900, QL301, QS88, Koji, Nếp Ðài Loan, Hana112, VNR20, LT2 kháng bạc lá, TBR89. Việc tuân thủ và sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, giá trị và sản lượng cả vụ lúa xuân.

Việc tích cực triển khai các giải pháp ứng phó chủ động với những bất lợi của thời tiết, khí hậu, sâu bệnh và đưa ra những khuyến cáo kịp thời là tiền đề quan trọng để các địa phương tổ chức gieo cấy lúa xuân năm 2021 trong khung thời vụ tốt nhất, tạo tiền đề giành vụ xuân thắng lợi./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com