Xuất khẩu lao động gặp khó khăn

08:09, 03/09/2020

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động xuất khẩu lao động. Nhiều địa phương trong tỉnh có nguy cơ không đạt chỉ tiêu xuất khẩu lao động.

Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Thị trường xuất khẩu lao động sụt giảm 

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐ-TB và XH), trong quý I năm 2020, cả nước có hơn 32 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 4 tới nay, hầu như không có lao động nào của Việt Nam được xuất cảnh. Nguyên nhân do nhiều đường bay quốc tế phải tạm ngừng hoạt động; nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam chưa mở cửa trở lại bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, năm 2019, toàn tỉnh có 1.950 lao động xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài, đạt 150% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thị trường xuất khẩu lao động tập trung chủ yếu ở: Đài Loan 467 người (chiếm 23,95%); Nhật Bản 1.420 người (chiếm 72,82%) và một số nước khác. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn tỉnh chỉ có 284 lao động xuất cảnh, trong đó 231 người làm việc tại Nhật Bản, 48 người làm việc ở Đài Loan, 2 lao động tại Romani và Ba Lan, 3 lao động xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc). Từ nhiều năm nay, chương trình EPS là một trong những kênh xuất khẩu lao động hiệu quả của tỉnh. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB và XH), năm 2019, toàn tỉnh có 153 lao động xuất cảnh Hàn Quốc theo chương trình EPS. Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ có 3 lao động sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc theo chương trình EPS, còn lại hầu hết đều đang ở chế độ “chờ”, trong đó không ít lao động đã có doanh nghiệp tiếp nhận, thậm chí đã có lịch bay cụ thể nhưng lại phải hoãn. Tình hình giới thiệu việc làm đi lao động ở 2 thị trường Nhật Bản, Đài Loan của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng có nhiều biến động do dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, đến nay chỉ có 111 người được giới thiệu đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (đạt 48% so với cùng kỳ năm 2019), 1 lao động trúng tuyển đơn hàng (đạt 0,08% so với cùng kỳ năm 2019), không có lao động xuất cảnh đi thị trường Nhật Bản, Đài Loan (cùng kỳ năm 2019 có 7 lao động được xuất cảnh). Tình trạng xuất khẩu lao động bị đình trệ kéo dài khiến nhiều người đang chờ xuất cảnh đứng ngồi không yên bởi họ đã phải vay mượn số tiền lớn; thời điểm xuất cảnh càng bị lùi lại đồng nghĩa người lao động chưa thể có thu nhập để trả nợ mặc dù việc tạm dừng là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19. 

Những giải pháp tình thế

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Sở LĐ-TB và XH chỉ đạo phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố tăng cường cập nhật thông tin, tuyên truyền đến người dân về tình hình dịch bệnh ở các thị trường lao động nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục cập nhật tình hình dịch bệnh tại các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… để tư vấn chương trình xuất khẩu lao động cho những người có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động nắm bắt thông tin. Bên cạnh duy trì hoạt động của sàn giao dịch việc làm vào ngày mùng 10 hàng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tư vấn thị trường lao động trong và ngoài nước ở các xã Nam Hồng (Nam Trực) và 2 phiên giao dịch tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định (cơ sở 1 và 2) thu hút hơn 1.000 lượt người tham gia. Để giúp người lao động giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động có thể chủ động đăng ký thông tin tuyển dụng, ứng tuyển ở mọi nơi, mọi lúc qua hệ thống internet, qua điện thoại. Khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, Trung tâm sẽ liên hệ với người lao động. Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đều được triển khai miễn phí tạo thuận lợi cho người lao động có cơ hội tìm được việc làm. Bên cạnh đó, Trung tâm duy trì phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tham dự thi tiếng Hàn Quốc theo đúng quy định của Trung tâm Lao động ngoài nước. 

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH), trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Nhật Bản thực hiện các biện pháp từng bước nhằm kích cầu nền kinh tế, hướng tới tái mở cửa đi lại quốc tế. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ xin cấp mới Visa cho công dân Việt Nam kể từ ngày 29-7-2020. Theo đó, người mang quốc tịch Việt Nam sinh sống trong nước, sử dụng chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được cấp Visa vào Nhật Bản với mục đích lao động, lưu trú dài hạn theo các tư cách: kinh doanh, quản lý; thuyên chuyển công tác nội bộ; kỹ sư, trí thức, nghiệp vụ quốc tế; điều dưỡng; lao động có trình độ cao; hoạt động đặc định (khởi nghiệp, hộ lý, điều dưỡng EPA - chương trình được ký kết giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản), ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng EPA. Đối với công dân Việt Nam xin cấp visa với tư cách lưu trú thực tập kỹ năng, thực tập kỹ năng đặc định, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chỉ cấp giới hạn nên sẽ tiếp nhận hồ sơ theo hướng ưu tiên ngành nghề và tăng dần số lượng theo nhu cầu của người lao động. 

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, Sở LĐ-TB và XH tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động trong thời điểm dịch bệnh nhằm hạn chế những hành vi lừa đảo, tiêu cực. Về phía người lao động, trong thời gian chờ đợi cần củng cố thêm kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đối tác, tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế khi dịch bệnh được đẩy lùi./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com