Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa: "Mệnh lệnh" từ cuộc sống (kỳ 2)

04:09, 01/09/2020

Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đời sống “tam nông” đang có những chuyển biến tích cực mở đường cho việc tập trung, tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tập trung, tích tụ ruộng đất để thực hiện các dự án nông nghiệp quy mô lớn.

Lựa chọn, phân loại, đóng gói sản phẩm rau sạch tại HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên).
Lựa chọn, phân loại, đóng gói sản phẩm rau sạch tại HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên).

Bài 2: Khó khăn cần tháo gỡ trong tập trung, tích tụ ruộng đất

Chủ trương khuyến khích tập trung đất đai, tích tụ ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, đó là: “Khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”. Vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, thực tế sau nhiều năm được xem xét thận trọng và có những mô hình gợi mở, vấn đề mở rộng hạn điền, tập trung, tích tụ ruộng đất ở tỉnh ta đã có những hướng đi mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách, phương thức và cách làm phù hợp với tình hình thực tế cũng như yêu cầu của quá trình phát triển để việc tập trung, tích tụ ruộng đất được thực hiện một cách chặt chẽ về pháp lý, hiệu quả về kinh tế và xã hội.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT khẳng định: Cùng với các chính sách của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn của từng giai đoạn, tỉnh ta luôn lựa chọn các lĩnh vực có tính đột phá để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM; khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; cơ giới hóa trong nông nghiệp... Tuy nhiên, quá trình thu gom, tích tụ ruộng đất gặp không ít khó khăn, trở ngại do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ cá thể có nhu cầu sử dụng nhiều đất ruộng áp dụng thực hiện. Đến thời điểm này, để có đất thực hiện dự án nông nghiệp, người dân, doanh nghiệp chủ yếu tự “vận động” chủ ruộng cho thuê đất. Với đặc thù bình quân ruộng đất theo đầu người không cao nên diện tích của nhiều hộ dù sau khi dồn điền, đổi thửa cũng không lớn nên muốn tích tụ ruộng phải đàm phán với quá nhiều người. Chẳng hạn Tập đoàn Vingroup, để “gom” được 140ha đất bãi ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường) phục vụ dự án sản xuất rau sạch đã phải phối hợp với các cấp chính quyền địa phương vận động, đàm phán việc thuê đất ruộng với khoảng 3.000 hộ nông dân ở địa phương. Trong số đó có nhiều hộ đồng ý nhưng cũng có hộ không nhất trí cho thuê. Để giải quyết khó khăn này, Huyện ủy, UBND huyện Xuân Trường, xã Xuân Hồng đã phải tiến hành dồn đổi ruộng đất của những hộ đồng ý cho thuê tập trung về một nơi, ruộng đất của những hộ không đồng ý về một nơi, sau đó mới có mặt bằng bàn giao cho doanh nghiệp khiến thời gian cho công việc này kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như thời cơ của dự án. Không thể phủ nhận sự nỗ lực, sáng tạo trong việc hỗ trợ chủ đầu tư của huyện Xuân Trường, song những khó khăn, phức tạp như vậy khiến không chỉ Tập đoàn Vingroup mà nhiều doanh nghiệp không thực sự mặn mà để đầu tư vào lĩnh vực vốn đã có quá nhiều rủi ro là nông nghiệp.

Với những nhà đầu tư lớn, có sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền còn khó khăn là vậy thì đối với hộ cá thể mong muốn tích tụ ruộng đất để “làm ăn lớn” cũng “trăm bề” khó khăn. Anh Vũ Tuấn Thịnh ở xóm 6, thôn Lam Sơn, xã Yên Hưng (Ý Yên) cho biết: Để có được hơn 3ha đất ruộng trũng, anh đã mất gần 1 năm để vận động, thuyết phục hàng chục hộ dân trong xóm, ngoài làng cho thuê để anh đầu tư cải tạo thành vườn trồng ổi lê Đài Loan. Điều đáng quan tâm hơn là số ít hộ, mặc dù để ruộng hoang nhưng cũng chỉ đồng ý cho anh thuê với thời hạn 1 năm “rồi tính tiếp”(?!). Điều này gây không ít khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho anh trong việc quyết định đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới, tiêu nước, giống, phân bón... bởi chu trình trồng cây ăn quả phải cần ít nhất 2-3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch.

Có một thực tế đang diễn ra đó là tình trạng người dân nông thôn đang “ly nông” ngày một nhiều do chuyển đổi ngành nghề sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; tuy nhiên lại chưa chuyển đổi về tâm lý “giữ ruộng” phòng khi thất nghiệp nên khiến tình trạng bỏ ruộng hoang ngày một gia tăng. Ngoài ra, tình trang bỏ ruộng còn bởi nguồn thu nhập từ “cây lúa, củ khoai” – sản phẩm của sản xuất nhỏ lẻ đã không thể đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đời sống sinh hoạt hàng ngày; thậm chí nếu không tính toán tốt còn thua lỗ do chi phí đầu vào liên tục tăng, trong khi giá bán, năng suất nông sản không ổn định, đó còn chưa kể đến rủi ro thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh...  Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, vụ xuân năm 2020, toàn tỉnh có gần 1.000ha ruộng bị bỏ hoang; vụ mùa 2020 diện tích ruộng bỏ hoang cũng không giảm, thậm chí số địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang còn có xu hướng gia tăng... Thực tế trên đang cho thấy: Người dân được giao quyền sử dụng ruộng đất nhưng không có nhu cầu canh tác tăng nhanh, trong khi những nhà đầu tư, doanh nghiệp, HTX có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến lại khó khăn trong tích tụ ruộng đất đủ lớn. Bên “bỏ ruộng” và bên “cần ruộng” vẫn chưa thể “gặp nhau” chủ yếu do tâm lý “giữ ruộng” phòng bị thất nghiệp. Sở dĩ còn tâm lý này bởi bộ phận nông dân chuyển đổi sang các ngành nghề khác nhưng tính chất lao động không chính thức, sự đảm bảo quyền lợi ổn định cho họ hầu như không có hoặc không đáng kể. Cơ chế bảo vệ cho người nông dân kể cả khi cho thuê hay góp cổ phần cũng chưa rõ ràng khiến người nông dân lo ngại mất ruộng, nguy cơ họ trở thành người làm thuê trên chính ruộng của mình. Việc thực hiện tập trung đất đai, tích tụ ruộng đất nếu không cẩn trọng sẽ dẫn tới việc đẩy không ít nông dân lâm vào cảnh bần cùng khi họ không còn tư liệu sản xuất là ruộng đất. Cùng với đó là nỗi lo về tình trạng lợi dụng chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp để đầu cơ đất, chờ dịp chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, tại các địa phương nhờ có diện tích ruộng lớn, nhiều nông dân đã trở thành những chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô sản xuất, thu nhập ổn định. Hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đang chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nên việc có diện tích canh tác lớn để tổ chức sản xuất chuyên canh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, HTX cho biết, Luật Đất đai 2013 quy định, hạn mức giao đất không quá 3ha đất trồng cây lâu năm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với các hộ gia đình, cá nhân các tỉnh còn lại. Trong khi đó, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đối với hộ gia đình và cá nhân (thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, xử lý nợ) không quá 10 lần hạn mức giao đất, tức là 30ha và 20ha theo hai khu vực kể trên... Quy định này chưa khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Vì vậy, việc xóa hạn điền là điều cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, từ đó có sự liên kết, tạo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng cho nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Đại
 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com