Ý Yên hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề phát triển sản xuất, kinh doanh

08:06, 30/06/2020

Tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp làng nghề của huyện Ý Yên phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn đang ì trệ.

Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Dệt may Phương Lan, làng nghề may mặc Vĩnh Trị, xã Yên Trị.
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Dệt may Phương Lan, làng nghề may mặc Vĩnh Trị, xã Yên Trị.

Làng nghề La Xuyên xã Yên Ninh là một trong những làng nghề mộc mỹ nghệ nổi tiếng, sản phẩm không chỉ tiêu thụ nội địa mà cả xuất khẩu. Đến nay, sản xuất của làng nghề đã tái khởi động nhưng sức mua giảm sút; riêng thị trường xuất khẩu vẫn đang đóng băng. Tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn xã đều phải điều chỉnh giảm 80% công suất so với trước, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và thu nhập của người lao động ở 1.500 hộ gia đình làm nghề của địa phương. Bà Trần Thị Lan, đại diện Công ty Sản xuất đồ gỗ Huế Lan chia sẻ: Doanh nghiệp ở làng nghề hiện nay dù khó khăn vẫn phải lo ổn định việc làm để giữ chân lao động, bởi nếu cho công nhân nghỉ việc thì khi sức mua phục hồi sau dịch sẽ có nguy cơ thiếu hụt thợ tay nghề cao để khôi phục sản xuất. Do đó, các cơ sở sản xuất chấp nhận lỗ, linh hoạt chuyển đổi phương thức kinh doanh; tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ và đầu tư sáng tạo các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, để đón cơ hội sau khi nền kinh tế và sức mua phục hồi. Theo bà Nguyễn Thị Hà, đại diện Công ty TNHH Đúc đồng mỹ nghệ Dương Quang Hà, làng nghề đúc đồng thị trấn Lâm, là doanh nghiệp đã có thương hiệu, uy tín tại thị trường trong và ngoài nước với đa dạng sản phẩm đồ thờ cúng bằng đồng truyền thống chất lượng cao, mẫu mã tinh xảo như chén, đĩa, đỉnh đồng, lư hương, tranh đồng, tượng đồng… nhưng ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều đơn hàng đã ký trước đó bị tạm hoãn, khách hàng mua lẻ cũng ít đi. Để kích cầu tiêu thụ sản phẩm sau khi nền kinh tế phục hồi, Công ty cũng như các doanh nghiệp, hộ làm nghề đúc đồng thị trấn Lâm tiếp tục sáng tạo một số mẫu mã mới, cải tiến hình dáng, họa tiết kết hợp với nét tinh xảo thủ công của các nghệ nhân tài hoa, khéo léo, tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài các đơn vị kể trên, ngay khi trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội được thiết lập doanh nghiệp ở các làng nghề huyện Ý Yên như: làng nghề sản xuất hàng may mặc Vĩnh Trị xã Yên Trị, các làng nghề truyền thống đúc kim loại Tống Xá ở thị trấn Lâm, chế biến gỗ Lũ Phong, Ninh Xá, Trịnh Xá của xã Yên Ninh, sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến… đã nỗ lực khôi phục sản xuất, từng bước ổn định việc làm cho người lao động.

Bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, các cấp chính quyền, ngành chức năng của huyện Ý Yên cũng tích cực thực hiện đồng bộ các chương trình, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề gỡ khó, phát triển sản xuất, kinh doanh. Huyện đã chủ động rà soát, phân tích thực trạng lợi thế cũng như các bất cập từ đó đưa ra phương án, lộ trình hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Qua phân tích đánh giá thực trạng đội ngũ doanh nghiệp làng nghề của địa phương, huyện nhận thấy hơn 70% cơ sở, doanh nghiệp làng nghề chủ yếu xúc tiến thương mại theo hai phương thức truyền thống là marketing truyền miệng và bán hàng trực tiếp, vì vậy sản phẩm chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa nên chịu sự cạnh tranh lớn ngay ở “sân nhà”, nội ngành. Ngoài ra, dù có nhiều tiềm năng tiêu thụ sản phẩm làng nghề gắn với du lịch (do nơi đây là vùng đất cổ, còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa) nhưng số cơ sở, doanh nghiệp xúc tiến bán hàng qua du lịch chiếm tỷ lệ nhỏ… Hướng tới mục tiêu tiếp tục phát triển sản xuất làng nghề giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng NTM bền vững, huyện sẽ chủ động bố trí, huy động nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các chương trình, dự án có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề. Trước mắt, huyện đẩy mạnh phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp và thị trường cho các chủ hộ sản xuất, kinh doanh, chủ doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề đổi mới, quan tâm đầu tư hệ thống thiết bị, bố trí nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng phương thức xúc tiến thương mại, tham gia các hoạt động thương mại điện tử như quảng cáo bán hàng qua internet. Tiếp tục phát huy lợi thế quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các khu thương mại - dịch vụ tập trung đã hình thành và phát triển trên địa bàn huyện gồm: thị trấn Lâm, ngã ba Cát Đằng (Yên Tiến), Đống Cao (Yên Lộc), Bo (Yên Chính), đầu cầu Non Nước (Yên Bằng), Mụa (Yên Dương), Yên Ninh, Yên Xá, Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Cường... Về lâu dài, huyện tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sản xuất tại làng nghề theo hướng tập trung quy hoạch quỹ đất đảm bảo xây dựng mặt bằng và hệ thống xử lý chất thải, gắn liền với việc đảm bảo nguồn lao động và nguyên vật liệu để doanh nghiệp các làng nghề thuận lợi trong mở rộng sản xuất, kinh doanh; ưu tiên mặt bằng cho doanh nghiệp các làng nghề có thế mạnh như đúc đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Cát Đằng, làng nghề may mặc Vĩnh Trị. Huyện cũng tập trung xây dựng, phát triển các tour du lịch và chương trình quảng bá du lịch gắn với làng nghề;  xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề cùng với hoàn thiện hệ thống giao thông và cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch; tăng cường tập huấn, năng cao năng lực cung cấp, phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng để chính người dân, các hộ làng nghề có kỹ năng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề kết hợp với dịch vụ du lịch./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com