Vốn tín dụng chính sách thúc đẩy giảm nghèo bền vững tại xã Nam Hồng

07:10, 01/10/2019

Những năm qua, cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực sự trở thành điểm tựa “thoát nghèo” của người dân xã Nam Hồng (Nam Trực). Đặc biệt, sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, công cuộc giảm nghèo của xã đã có những kết quả bước đầu, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,17%, không còn nhà tạm dột nát.

Sản xuất sản phẩm đồ gỗ dân dụng tại gia đình chị Vũ Thị Hiền ở xóm An Thái.
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ dân dụng tại gia đình chị Vũ Thị Hiền ở xóm An Thái.

Đồng chí Ngô Minh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã Nam Hồng khẳng định: “Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh đối với hoạt động tín dụng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”. Xã đã bám sát các mục tiêu, giải pháp đề ra trong nghị quyết của Huyện uỷ và Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 31-3-2015 của UBND huyện về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40. Hàng năm, xã chỉ đạo các thôn, xóm làm tốt công tác họp bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo công khai, dân chủ; kịp thời lập, phê duyệt danh sách làm cơ sở cho ngân hàng bố trí giải ngân vốn. Đồng thời, xã chỉ đạo tổ chức nhận uỷ thác của ngân hàng là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ các nội dung được uỷ thác; phối hợp với ngân hàng và chính quyền địa phương từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn hiệu quả. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi tới người dân, thực hiện tốt việc huy động tiền gửi tiết kiệm để tạo nguồn bổ sung vốn để cho vay. Ngoài ra, xã cũng quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, tạo điều kiện về điểm giao dịch, phương tiện, thiết bị phục vụ, bảo vệ an ninh trật tự các buổi ngân hàng giao dịch vào ngày 19 hàng tháng tại trụ sở UBND xã; hướng dẫn thủ tục vay vốn, danh sách hộ được vay vốn tại UBND xã. Hàng tháng, Chủ tịch UBND xã tham dự giao ban giữa Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với 2 đoàn thể nhận uỷ thác và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ngay tại buổi giao dịch xã để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Năm 2018, mặc dù nguồn lực còn hạn chế nhưng UBND, HĐND xã đã ưu tiên chuyển 50 triệu đồng từ một phần ngân sách của xã sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với sự quan tâm sát sao đó nên sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã liên tục tăng trưởng qua các năm. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn đủ điều kiện đều được đáp ứng. Hiện tại, xã đang triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách của ngân hàng là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giải quyết việc làm. Tổng dư nợ từ các chương trình tín dụng này đạt 20 tỷ 769 triệu đồng với 653 hộ vay vốn; trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 1 tỷ 753 triệu đồng với 47 hộ; cho vay hộ cận nghèo đạt 5 tỷ 701 triệu đồng với 146 hộ; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 3 tỷ 238 triệu đồng với 86 hộ; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường đạt 5 tỷ 762 triệu đồng với 470 hộ… Không có nợ xấu, nợ quá hạn phát sinh, không có hiện tượng chiếm dụng vốn. Bên cạnh việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn; người vay vốn còn tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm đều hàng tháng để tạo thói quen tiết kiệm và tích luỹ đầu tư để giảm bớt gánh nặng khi đến hạn trả nợ. Hiện tại, đã có 21 tổ tiết kiệm và vay vốn, 100% hộ vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng. Tổng số dư tiền gửi thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 1 tỷ 159 triệu đồng. Đồng chí Ngô Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: “Nhân dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi và ngành nghề dịch vụ phụ khác. Trước đây, các ngành nghề đều phát triển chậm, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ kém hiệu quả vì thiếu vốn đầu tư nên nhiều hộ khó khăn, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì thế, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực sự là cứu cánh tiếp thêm nguồn lực giúp người nghèo tự tin phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”. Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Ngô Quang Lương, thuộc diện hộ cận nghèo ở xóm Hồng An. Tranh thủ có khách anh nghỉ tay trò chuyện: “Cách đây 3 năm, gia đình neo người, bản thân tôi lại mắc bệnh về phổi nên sức lao động kém, kinh tế gia đình gần như khánh kiệt vì phải lo chữa bệnh. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, tôi đã được vay 30 triệu đồng để đầu tư 1 cặp bò giống. Đến nay, nhờ gối lứa quay vòng, mỗi năm tôi tiết kiệm được hơn chục triệu đồng”. Còn đối với chị Vũ Thị Hiền, thuộc hộ cận nghèo ở xóm An Thái, nguồn vốn tín dụng được giải ngân đúng lúc đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn khởi nghiệp ban đầu trong sản xuất đồ gỗ dân dụng. Từ 50 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị đã đầu tư mua máy xẻ, máy cắt, máy mài bóng nâng cao chất lượng hoàn thiện sản phẩm cửa gỗ, tủ, bàn ghế, giường nên đồ gỗ dân dụng của gia đình chị sản xuất ngày càng được người dân tin dùng, đơn đặt hàng tăng thêm, giúp kinh tế gia đình từ chỗ “chỉ đủ ăn” đến có tích luỹ, vươn lên khá giả. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất của chị sản xuất được hơn 20 sản phẩm. Doanh thu đạt 350 triệu đồng/năm. Cùng với hỗ trợ tín chấp cho hội viên vay vốn tín dụng chính sách, Hội Nông dân xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận với các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, phù hợp với lợi thế địa phương. Nhờ vậy, đến nay, dư nợ vốn chính sách qua kênh Hội Nông dân xã đạt 12 tỷ 700 triệu đồng với 346 thành viên tham gia vay vốn. 

Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo các hội, đoàn thể chính trị - xã hội tích cực vào cuộc thúc đẩy nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến tận tay các đối tượng thuộc diện. Bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác cho vay ưu đãi theo các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã, phát huy vai trò nguồn vốn tín dụng chính sách là công cụ thiết thực giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao ở các địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com