Gỡ khó về vốn cho xây dựng nông thôn mới nâng cao

07:09, 30/09/2019

Nhằm xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, nông thôn phồn thịnh, phát triển hài hòa với đô thị, thực sự là vùng quê đáng sống, tỉnh ta đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ và đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Mục tiêu phấn đấu năm 2019 có 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến năm 2020 có 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 10 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu trở lên ở xã, thôn, huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025 có 70% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được các mục tiêu này, một trong các yêu cầu là nguồn vốn đầu tư mà hiện không ít địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn.

Nhờ thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực, huyện Ý Yên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. (Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Bảo Linh, xã Yên Hồng).
Nhờ thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực, huyện Ý Yên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. (Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Bảo Linh, xã Yên Hồng).

Huyện Nam Trực triển khai xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... cần nguồn lực đầu tư lớn, khó khăn trong bố trí vốn triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện Mỹ Lộc cũng là địa phương gặp nhiều vướng mắc trong bố trí nguồn vốn triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, năng lực của cán bộ, lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, điều hành chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương trong huyện còn hạn chế, chưa chủ động tìm giải pháp tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên; kinh phí huy động đóng góp từ nhân dân và các nguồn xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới ở một số nơi còn thấp. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa phát huy tốt lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chưa tích cực kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn vào địa bàn để giúp người dân tăng thu nhập từ đó có thể huy động đóng góp xây dựng quê hương. Hải Hậu là huyện đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2015 theo tiêu chí cũ nên đến nay một số tiêu chí cần phải nâng lên mới đạt theo quy chuẩn mới, đặt ra yêu cầu huyện phải tiếp tục huy động số lượng vốn lớn để vừa nâng cao chất lượng các tiêu chí theo chuẩn mới vừa tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu... Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, vốn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là nhu cầu chung ở tất cả các địa phương; đặc biệt là nhóm các xã có xuất phát điểm thấp. Mặc dù, tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục có cơ chế đầu tư, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và bền vững song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định, đối với các xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định tại Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5-6-2018, các địa phương phải chủ động xem xét ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách địa phương đối ứng, hỗ trợ một phần từ nguồn vốn dự phòng (10%) ngân sách Trung ương của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ), chủ động lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn, cũng như huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện. 

Do vậy để gỡ khó về vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đóng góp của các hợp tác xã, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đặc biệt tích cực huy động nguồn lực trong nhân dân theo phương châm “nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Chủ động tập trung đầu tư các tiêu chí kết cấu hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, sản xuất, ưu tiên các nội dung dễ làm, cần ít vốn để chỉ đạo thực hiện, hoàn tất trước. Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016-2020 và Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm để tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tinh thần cho người dân nông thôn tạo điều kiện để người dân tái đầu tư xây dựng, phát triển bền vững nông thôn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây huyện Hải Hậu đã chủ động bố trí trên 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ các xã, thị trấn tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và ưu tiên thực hiện các tiêu chí còn nhiều vướng mắc, khó huy động nguồn kinh phí đóng góp từ nhân dân. Cụ thể, hỗ trợ 500 triệu đồng/xã cho các xã cần đầu tư bổ sung hệ thống lò đốt rác thải công nghệ mới; hỗ trợ 150 triệu đồng/xã cho các xã đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý khói bụi của lò đốt rác cũ chưa đạt quy chuẩn và chỉnh trang khuôn viên khu xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường; hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà văn hóa kiểu mẫu để bổ sung trang, thiết bị, dụng cụ văn hóa thể thao. Huyện hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững. Bên cạnh đó, huyện tích cực tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn để tạo nguồn thu tái đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tiếp tục phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng để vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Điển hình là linh mục xứ Tân Bồi xã Hải Minh đã vận động bà con giáo dân đóng góp đầu tư nâng cấp kênh nước thải làng nghề ở trung tâm xã thành hệ thống cống hộp, mở thêm làn đường góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, không để xảy ra vi phạm, lấn chiếm đất đai. Linh mục xứ Tứ Trùng xã Hải Tân tự bỏ tiền và huy động thêm sự đóng góp của các giáo dân làm kênh thoát nước và trồng hoa góp phần cải tạo cảnh quan môi trường xứ đạo./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com