Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn

07:09, 30/09/2019

Trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông thôn mới cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa là đầu tàu dẫn dắt sản xuất, vừa góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn, trực tiếp ủng hộ, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội, mang lại diện mạo mới đầy khởi sắc cho vùng nông thôn. 

Sản xuất các sản phẩm vải, sợi tại Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).
Sản xuất các sản phẩm vải, sợi tại Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, tỉnh luôn chủ trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người dân đảm bảo theo hướng “ly nông không ly hương”, để người dân nông thôn có việc làm ổn định tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tinh thần; từ đó có cơ sở để đóng góp xây dựng, phát triển bền vững nông thôn. Các doanh nghiệp trong các chuỗi liên kết giá trị sản xuất nông nghiệp đã phát huy vai trò dẫn dắt, kết nối các thành tố trong chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, tạo ra những cánh đồng sản xuất nông sản lớn, quy mô và khối lượng, chất lượng nông sản đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện đại. Điển hình như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) với chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao giữa các hợp tác xã ở các huyện Hải Hậu, Trực Ninh được mở rộng với quy mô trên 300ha, sản lượng tiêu thụ trên 1.000 tấn lúa/vụ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (Trực Ninh) đã liên kết với Công ty Ajichi Farm (Nhật Bản) triển khai mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica với quy mô 60ha; Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh (Trực Ninh) liên kết tổ chức sản xuất rau công nghệ cao… Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân và các tổ chức đoàn thể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản, tham gia phát triển chuỗi giá trị đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, phát triển thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đã có bước chuyển mạnh từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đất nông nghiệp thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phát triển với xu thế gia tăng cơ giới hóa, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp đặt ra yêu cầu giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp dôi dư. Trong những năm qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn, giúp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề khu vực nông thôn theo hướng tích cực. Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-7-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020; tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng khuyến khích phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Với chủ trương đó, đến nay trên địa bàn các huyện đã phát triển được hơn 5.000 doanh nghiệp (tăng hơn 3.000 doanh nghiệp so với năm 2010), giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 100 nghìn lao động nông thôn. Các doanh nghiệp đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất về nông thôn đồng thời thúc đẩy thương mại dịch vụ cùng phát triển, góp phần làm cho cuộc sống sinh hoạt và sản xuất tại địa bàn ngày càng sôi động, tăng thu nhập ổn định cho lao động, làm thay đổi cơ cấu thu nhập của hộ dân nông thôn. Số người dân nông thôn hoạt động trong các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm trên 65% tổng số lao động. Cơ cấu thu nhập của các hộ dân ở nông thôn có sự thay đổi đáng kể, hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Cộng đồng doanh nghiệp phát triển đã làm đổi thay cơ bản kinh tế - xã hội ở những địa bàn vốn là các xã thuần nông, xã “trắng nghề” kinh tế chậm phát triển của các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy… Các vùng nông thôn không còn cảnh nhàn nhã mỗi dịp “nông nhàn” mà làng xóm đã tất bật, sôi động quanh năm khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung và điểm công nghiệp, các làng nghề truyền thống phát triển ở khắp các địa phương. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, mức thu nhập bình quân thấp nhất của lao động trong các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đạt 4 triệu đồng/người/tháng; công nhân làm việc trong các doanh nghiệp thì cao hơn, tối thiểu 5-6 triệu đồng/người/tháng. Sự phát triển của các chợ truyền thống và siêu thị mi ni, cửa hàng tiện ích ở nông thôn cho thấy bức tranh sáng về thu nhập tăng lên của người dân nông thôn. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của tỉnh như: Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định, Công ty Cổ phần May Sông Hồng; Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam; Công ty Cổ phần May Nam Hà... đều đã đầu tư cơ sở, nhà máy về các huyện; dẫn dắt thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và lựa chọn đầu tư tại các địa phương trong tỉnh. Ngoài góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn cũng giúp nông dân thêm cơ hội gia tăng sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm, nâng cao thu nhập. Cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, từ năm 2011 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp còn trực tiếp hỗ trợ 2.613 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh) cho các địa phương đầu tư kiến thiết chỉnh trang diện mạo nông thôn: để làm đường giao thông, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. 

Để hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn Nam Định có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại kết nối đồng bộ với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan và môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, giàu bản sắc, quan hệ cộng đồng gắn bó; người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút và xây dựng lực lượng doanh nghiệp mạnh ở nông thôn, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên các lĩnh vực kinh tế nông thôn để phát huy tối đa vai trò của cộng đồng doanh nghiệp thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com