Góp phần giúp người nuôi lợn giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh

07:08, 02/08/2019

Tại tỉnh ta, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 10/10 huyện, thành phố gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lợn nói riêng. Theo báo cáo nhanh của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến 20-6-2019, dư nợ cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn tại các ngân hàng là 1.226,8 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi là 124,78 tỷ đồng; các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình. Để hỗ trợ người vay vốn giảm thiểu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau khi dập dịch, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. Đồng thời, các chi nhánh của tổ chức tín dụng trên địa bàn có dịch chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với vốn vay theo quy định.

Nhờ nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Thắng (Trực Ninh), anh Phạm Văn Tảo ở xóm 12 đã duy trì được đàn lợn ổn định sau dịch tả lợn châu Phi.
Nhờ nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Thắng (Trực Ninh), anh Phạm Văn Tảo ở xóm 12 đã duy trì được đàn lợn ổn định sau dịch tả lợn châu Phi.

Đồng chí Vũ Văn Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Thắng (Trực Ninh) cho biết: “Là một trong những xã đầu tiên của tỉnh có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến nay xã đã tiêu huỷ 5.167 con, tổng trọng lượng tiêu huỷ là 272.287kg. Có thể nói, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi không thể kể xiết. Từ đàn lợn 7.883 con, sau dịch tả lợn châu Phi, xã chỉ còn 2.716 con, bằng 34,5% tổng đàn lợn trước đây. Do đó, ngoài cơ chế hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh và các cấp, ngành, người chăn nuôi lợn cần nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn để duy trì, khôi phục sản xuất đảm bảo ổn định kinh tế địa phương sau dịch tả lợn châu Phi”. Hiện tại, xã đang vận động tuyên truyền các hộ có lợn bị nhiễm bệnh dịch tập trung vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, kết hợp với chế độ chăm sóc hợp lý nhất để đảm bảo đàn lợn còn lại phát triển khoẻ mạnh; đồng thời động viên, hướng dẫn bà con chuyển đổi sang các đối tượng nuôi khác như ngan, vịt, chim bồ câu, thỏ để tạo nguồn thu nhập trước mắt, khắc phục tình trạng “trống chuồng, trống con nuôi”. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi khác, bước đầu đã có thu nhập ổn định như hộ ông Phạm Văn Tùng ở xóm 8 chuyển sang nuôi 120 con ngan thịt, hộ bà Phạm Thị Chu ở xóm 7 nuôi 70 con ngan… Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Thắng đã nhanh chóng hỗ trợ các khách hàng bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi kịp thời hưởng các chính sách ưu đãi về vốn để khôi phục và ổn định sản xuất. Đồng chí Đỗ Vị Hoàng, Giám đốc Quỹ cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, quỹ đã triển khai thành lập Ban miễn, giảm lãi vay cho người chăn nuôi lợn; đồng thời tiến hành thống kê, rà soát, phân loại dư nợ vay của khách hàng là hộ có lợn tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua rà soát, hiện có 2 khách hàng của quỹ là anh Phạm Văn Tảo và anh Phạm Văn Tu ở xóm 12 đều bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, đàn lợn của anh Tảo đã bị tiêu hủy 148 con, anh Tu đã bị tiêu hủy 74 con. Hiện tổng dư nợ vay của cả hai khách hàng trên là 130 triệu đồng. Quỹ đã áp dụng giảm lãi suất cho vay với cả 2 món ngay tại thời điểm vay từ 0,95%/tháng xuống còn 0,7%/tháng”. Nhờ vậy, cả hai hộ chăn nuôi trên đã yên tâm duy trì hoạt động chăn nuôi lợn, giảm thiểu được thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Anh Phạm Văn Tảo cho biết: “Hơn 30 năm chăn nuôi lợn, chưa bao giờ gia đình chúng tôi lâm phải tình trạng cam go như năm nay. Sau khi tiêu hủy, để duy trì đàn lợn còn lại, với chi phí thức ăn bình quân hơn 500 nghìn đồng/ngày, gia đình không biết trông cậy vào đâu để có vốn. Vì thế, nguồn vốn vay 80 triệu đồng từ Quỹ tín dụng nhân dân xã đã như chiếc phao cứu sinh kịp thời giúp gia đình chúng tôi trang trải chi phí về thức ăn, cải tạo chuồng trại trong khi chờ kinh phí hỗ trợ để khôi phục sản xuất. Đến nay, đàn lợn còn lại 35 con của gia đình đều khỏe mạnh, phát triển tốt; chúng tôi cũng yên tâm chăn nuôi để thu hồi vốn thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi”. Không chỉ gia đình anh Tảo, gia đình anh Phạm Văn Tu cũng được hưởng lãi suất ưu đãi đối với món vay 50 triệu đồng để cải tạo chuồng trại. Hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, kinh phí hỗ trợ đợt 1 của UBND tỉnh đối với các hộ bị dịch tả lợn châu Phi đã được phân bổ về địa phương. Trong đó, xã Trực Thắng được hỗ trợ gần 3 tỷ 291 triệu đồng, hộ anh Tảo được hỗ trợ đợt này số tiền 51 triệu đồng. Có thể nói, nhờ các nguồn hỗ trợ từ ngân sách và các đơn vị tín dụng giúp người nuôi lợn yên tâm từng bước ổn định khôi phục sản xuất. Ngoài Quỹ tín dụng nhân dân Trực Thắng, các quỹ tín dụng nhân dân khác trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi lợn giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, Quỹ Tín dụng nhân dân Trực Đại (Trực Ninh) đã triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với số tiền 100 triệu đồng, Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Nghiệp (Xuân Trường) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới được 1 tỷ 320 triệu đồng, Quỹ tín dụng nhân dân Hải Phong (Hải Hậu) tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng số tiền 230 triệu đồng.

Thời gian tới, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách vay vốn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau khi dập dịch, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực hơn nữa cùng chung tay góp sức “giải cứu” người chăn nuôi lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và hỗ trợ từ phía ngành Ngân hàng, người chăn nuôi cũng cần chú trọng thực hiện “5 không” trong chống dịch; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường vệ sinh khử trùng tiêu độc, chấp hành nghiêm các quy định về vận chuyển, giết mổ, buôn bán trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo vệ sản xuất. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành Ngân hàng sẽ giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giảm bớt khó khăn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com