Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP

07:08, 02/08/2019

Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh ta triển khai thực hiện từ đầu năm 2019 với mục tiêu tổng quát là đầu tư nâng cấp các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tem nhãn hàng hóa, được kiểm soát chất lượng, truy xuất được nguồn gốc; góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Với ý nghĩa đó, các ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, giúp các cơ sở, doanh nghiệp được hưởng lợi cao nhất khi tham gia chương trình OCOP, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Hội đồng Tư vấn đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh thẩm định sản phẩm tép moi sấy khô tại cơ sở sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy).
Hội đồng Tư vấn đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh thẩm định sản phẩm tép moi sấy khô tại cơ sở sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị chủ trì thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các ngành, các địa phương chủ động hỗ trợ tất cả các khâu trong chu trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh đang thực hiện giai đoạn 1 của chương trình, huy động các chuyên gia, cán bộ có năng lực chuyên ngành hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp rà soát để xác định và khắc phục, cải tiến tất cả các điểm yếu trong toàn bộ quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ hướng tới nâng chất lượng sản phẩm theo các quy chuẩn cao hơn; đặc biệt tập trung hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển nhiều mặt hàng trên cùng một dòng sản phẩm; chú trọng kiểm soát tác động giữa sản xuất và tiêu thụ như thế nào để định hướng, thiết lập quy mô sản xuất hợp lý, đảm bảo phát triển bền vững. Đến nay, tỉnh đã bố trí 5 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai, tham gia chương trình OCOP. Ngay sau khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, các cơ sở, doanh nghiệp sẽ được cán bộ chuyên ngành cấp huyện hoặc chuyên gia tư vấn của chương trình OCOP kết nối, hỗ trợ. Tùy mức độ đơn giản hay phức tạp và điều kiện sẵn có của đơn vị, một sản phẩm có thể nhận từ một đến tất cả phương án hỗ trợ để có sản phẩm hoàn chỉnh tham gia chương trình OCOP và nâng cao giá trị lưu thông trên thị trường, bao gồm: tập huấn, tư vấn tại chỗ, kết nối các nguồn lực, tập huấn nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, thiết kế mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể, xúc tiến thương mại… Thời gian qua, các ngành, các địa phương đã phối hợp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm OCOP theo hướng lồng ghép vào các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh. Trong đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản với yêu cầu sản phẩm đạt chất lượng cao, được kiểm soát từ khâu nguyên liệu, trồng cấy, thu hái đến bảo quản, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng đưa thêm đối tượng nông sản của tỉnh tham gia vào thị trường xuất khẩu. Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại Trung tâm Giới thiệu nông sản sạch cũng như tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại…

Với nhiều hoạt động tích cực, đến nay toàn tỉnh đã có 6/10 huyện, thành phố có sản phẩm tham gia xét duyệt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: Thành phố Nam Định, Giao Thủy, Ý Yên, Trực Ninh, Hải Hậu với tổng số 35 sản phẩm; trong đó có 14 sản phẩm của huyện Hải Hậu đã hoàn tất công tác xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Dự kiến, hết năm 2019, chương trình OCOP của tỉnh sẽ có khoảng 40 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên, năm 2020 có khoảng 100 sản phẩm xếp hạng từ 3 sao trở lên. Từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay, các doanh nghiệp đã từng bước hưởng lợi nhiều giá trị thiết thực; đáng kể nhất là mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định (Thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu), trước kia, sản phẩm nước mắm của Công ty sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống ít chú trọng đến các vấn đề thị trường hiện đại yêu cầu. Khi tham gia các chương trình hỗ trợ phát triển của các cấp, ngành, đặc biệt là chương trình OCOP, Công ty được trực tiếp hướng dẫn đầu tư cải thiện trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật cải tiến toàn bộ quy trình sản xuất góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm nước mắm Ninh Cơ. Hiện Công ty đã thay thế hệ thống chứa đựng chượp từ bể xi măng sang bể tráng gạch men, thay đổi mái che bể chượp sang tấm đậy nhựa không tồn dư chất độc hại; nâng cao chuẩn nguyên liệu đầu vào là loại cá cơm có độ đạm cao, áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế, đảm bảo từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến khi hoàn tất sản phẩm đều có hồ sơ lý lịch theo dõi; đồng thời chủ động thay đổi thiết kế bao bì mẫu mã bắt mắt, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Nhờ đó, đầu tháng 7-2019, trong nhiều dòng sản phẩm, sản phẩm nước mắm Ninh Cơ đã được Hội đồng Tư vấn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng 4 sao. Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm của Công ty ngày một vươn xa hơn trên thị trường. Hiện nay, đã có doanh nghiệp ở Hải Phòng tìm về đề xuất mua lại sản phẩm nước mắm của Công ty để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại thị trường khu du lịch làng nghề nước mắm Cát Hải. Tuy nhiên, nhờ hiểu rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn, bảo vệ môi trường và phát huy những giá trị truyền thống ngành nghề tốt đẹp của nông thôn của chương trình OCOP tỉnh ta đề ra, Công ty kiên quyết giữ vững lập trường được tự lực thiết lập uy tín, thương hiệu nước mắm Ninh Cơ lên tầm cao mới. Công ty đã có kế hoạch tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng đầu tư mở rộng mặt bằng sản xuất, nâng cao chất lượng để sản phẩm sớm đạt chuẩn 5 sao chương trình OCOP, tạo tiền đề đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ sản phẩm.

Để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh chỉ đạo trong tháng 8-2019 tập trung đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại tại các thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế đối với các sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng hoặc lồng ghép 8 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch khu vực có nhiều hoạt động thương mại trong tỉnh gồm Thành phố Nam Định và các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản; tổ chức giới thiệu tại hội chợ thương mại nằm trong khuôn khổ chương trình tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn quốc dự kiến tổ chức tại Nam Định vào tháng 12-2019. Từ tháng 8, tỉnh tập trung xây dựng trang thông tin điện tử OCOP tỉnh, thực hiện duy trì, cập nhật thường xuyên thông tin thị trường trên trang điện tử, bản tin ngành Công thương, phát hành các ấn phẩm thương mại quảng bá sản phẩm. Tập trung tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích khi tham gia chương trình OCOP, người dân hiểu rõ thương hiệu, chất lượng của các sản phẩm được gắn quy chuẩn OCOP. Mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết trao đổi thông tin đa chiều giữa Trung tâm Thông tin - Xúc tiến thương mại tỉnh, hệ thống các cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng để bán sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tập trung định hướng cho các cơ sở, doanh nghiệp liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng liên vùng, liên địa phương tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của các thị trường tiềm năng, tránh tình trạng khi sản phẩm đã thu hút được người tiêu dùng lại không đủ sản lượng đáp ứng sức mua, tạo kẽ hở xuất hiện hàng giả, hàng nhái gây hại cho thương hiệu. Hỗ trợ, tư vấn cho các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt thực tế điều kiện kinh tế, mức sống, thu nhập của người dân và nhu cầu sử dụng sản phẩm giá rẻ để có nhiều phân khúc sản phẩm hợp lý cho người mua lựa chọn. Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các địa phương, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cần chủ động hơn trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên kết, hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com